10 mẫu ô tô bán chậm nhất Việt Nam năm 2019: Toyota góp hẳn 4 chỗ
15:59 - 15/01/2020
Hòa chung xu thế bùng nổ của thị trường ô tô Việt Nam trong năm 2019 sau khi rào cản xe nhập khẩu của Nghị định 116 được gỡ bỏ, không chỉ top xe bán chạy gây sốc với doanh số 3 mẫu xe đầu vượt ngưỡng 20.000 xe, kể cả top xe “ế” cũng có nhiều thay đổi.
Cụ thể, theo kết quả bán hàng được Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) công bố, trong danh sách 10 mẫu ô tô bán chậm nhất trong năm 2019, không có mẫu xe nào có doanh số dưới 100 xe, mẫu xe “bớt ế” nhất cũng có doanh số lên tới hơn 800 xe, khác hẳn so với top 10 xe bán chậm năm 2018. Đáng chú ý, trong top 10 mẫu ô tô bán chậm nhất Việt Nam năm 2019, Toyota Việt Nam góp mặt với 4 sản phẩm.
Trong top 10 mẫu ô tô bán chậm nhất Việt Nam 2019 đa phần là các sản phẩm nhập khẩu
Đứng ở vị trí số 1 là Toyota Alphard với doanh số cả năm 2019 đạt 124 xe. Đây vẫn là một thành công lớn đối với mẫu MPV được mệnh danh “chuyên cơ mặt đất” này bởi ở năm 2018, chỉ có đúng 6 chiếc Alphard được bán ra thị trường. Định giá ở mức hơn 4 tỷ đồng, Toyota Alphard không phải là sản phẩm phổ thông mà chủ yếu dành cho các đối tượng khách hàng là doanh nghiệp có nhu cầu tìm xe chở khách, đối tác cao cấp.
Ở vị trí thứ 2 là Honda Accord với doanh số 252 xe. Đây cũng là điều dễ hiểu khi Honda Accord mới chỉ quay lại thị trường Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua.
Xếp hạng thứ 3 là Toyota Land Cruiser với doanh số 267 xe. Một lần nữa, đây cũng là thành công lớn cho mẫu xe này bởi ở năm 2018, chỉ có 16 chiếc Toyota Land Cruiser được giao tới tay khách hàng. Nguyên nhân là do gặp hạn chế bởi Nghị định 116, Toyota Land Cruiser gần như không có đường về Việt Nam trong năm 2018. Bên cạnh đó, đây cũng là mẫu xe “hot” được các cơ sở nhập khẩu tư nhân tích cực đem về để cạnh tranh với hàng chính hãng với mức giá bán rẻ hơn hoặc nhiều trang bị hơn.
Thường xuyên nằm trong top xe “ế” ở các tháng trong năm, Isuzu D-Max và Isuzu mu-X cũng xuất hiện ở danh sách 10 mẫu ô tô bán chậm nhất Việt Nam năm 2019 với doanh số cộng dồn lần lượt là 368 xe và 544 chiếc. Cả 2 mẫu xe này đều được Isuzu Việt Nam ấn định ở mức giá bán gần như thấp nhất phân khúc xe bán tải và SUV 7 chỗ cỡ trung trong khi được trang bị khá nhiều trang bị. Tuy nhiên, thiết kế nội/ngoại thất có phần lỗi mốt, kém hiện đại so với các đối thủ khác khiến cả Isuzu D-Max và mu-X chưa thực sự tìm được tiếng nói ở Việt Nam.
Ở vị trí thứ 6 tiếp tục là một cái tên đến từ nhà Toyota Việt Nam: Toyota Avanza. Sở hữu mức giá bán khá cao trong phân khúc MPV 7 chỗ, Toyota Avanza khó lòng cạnh tranh cùng đối thủ Mitsubishi Xpander hay Suzuki Ertiga. Trong năm 2019, chỉ có 663 chiếc Avanza được giao tới tay khách hàng.
Xếp hạng thứ 7 là Mitsubishi Mirage với doanh số 773 xe. Thuộc phân khúc hatchback hạng A, Mitsubishi Mirage cũng xuất hiện khá mờ nhạt dù giá bán cũng tương đối rẻ. Tuy không lọt top xe “ế” theo tháng trong năm 2019, nhưng sức bán của Mirage cũng không thực sự xuất sắc, trung bình đạt doanh số khoảng 60 – 70 xe/tháng.
Tiếp tục ở vị trí thứ 8 là Toyota Land Cruiser Prado với doanh số 784 xe. Tương tự như người anh Toyota Land Cruiser, Prado trong năm 2018 gần như không có xe về Việt Nam. Do đó, 2019 vẫn là một năm tăng trưởng mạnh mẽ đối với mẫu SUV 7 chỗ cao cấp có giá hơn 2,3 tỷ đồng này.
Xếp hạng thứ 9 là mẫu xe duy nhất trong danh sách được lắp ráp trong nước: Kia Optima. Nằm ở phân khúc sedan hạng D, Kia Optima có giá bán gần như thấp nhất nhưng lại khá “kén khách”, không được người dùng ưa chuộng như Toyota Camry. Trong năm 2019, chỉ có 786 chiếc Optima được giao tới tay khách hàng.
Cuối cùng là Ford Explorer với doanh số 854 xe. Tương tự như bộ đôi Land Cruiser của nhà Toyota Việt Nam, mẫu SUV 7 chỗ Ford Explorer cũng gần như vắng bóng ở năm 2018 do được nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ, đại lý có hàng thì cũng “thét” giá “bia kèm lạc” lên tới 300 triệu đồng. Sang năm 2019, nguồn cung được bổ sung khiến Ford Explorer một lần nữa được bán đúng giá, thậm chí có tháng còn được khuyến mãi dẫn đến doanh số tăng trưởng vượt bậc.
Lan Châm