menu

Thị trường ô tô Việt Nam 2018: Thắt chặt ô tô "ngoại", hỗ trợ ô tô "nội"

Hải Yến 12:32 - 15/01/2018

Tại hội nghị tổng kết năm 2017 và định hướng năm 2018 do Bộ Công thương tổ chức sáng ngày 15/1/2018, Bộ công thương đã đưa ra các định hướng cho năm 2018 về thị trường ô tô và có thể khiến nhiều người mở ra hy vọng cho ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam.

Tại hội nghị tổng kết năm 2017, Bộ Công thương đã đưa ra ra những giải pháp chi tiết cho ngành sản xuất ô tô Việt Nam trong năm 2018 bao gồm hai phần chính là kiểm soát lượng ô tô "ngoại" được nhập khẩu trong năm 2018 và hỗ trợ sản xuất ô tô "nội" đươc lắp ráp, sản xuất trong nước.

Đứng trước bối cảnh trong năm 2017 đã có hàng loạt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa đang đẩy mạnh đầu tư như THACO với hệ thống nhà máy lắp ráp Mazda với công suất 100.000 xe/năm. Đồng thời, THACO cũng đã khởi công nhà máy sản xuất, lắp ráp xe bus với công suất thiết kế 20.000 xe/năm, gồm 8.000 xe bus/năm và 12.000 xe minibus/năm với tổng vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng.


Nhà máy lắp ráp Mazda của THACO sẽ sớm đi vào hoạt động trong năm 2018.

Ngay cả Hyundai Thành Công đã ký kết thoả thuận hợp tác cùng Hyundai Motor Hàn Quốc trong việc liên doanh, mở rộng sản xuất lắp ráp xe du lịch Hyundai tại Việt Nam nhằm phục vụ một phần nhu cầu trong nước và hướng tới xuất khẩu trong thị trường ASEAN. Liên doanh này đã quyết định đầu tư một nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô mới tại Ninh Bình với công suất dự kiến là 120.000 xe/năm.

Ngay cả một đại gia trong ngành bất động sản như VinGroup cũng đã khởi công Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast tại Khu Kinh tế Cát Hải, Hải Phòng. Và hứa hẹn đến năm 2019 sẽ cho ra đời những mẫu xe ô tô "Made in Vietnam" đầu tiên. 


Nhà máy sản xuất ô tô Vin Fast của tập đoàn Vin Group khởi công trong năm 2017.

Chính vì thế, tại hội nghị tổng kết năm 2017, Bộ Công thương đã đưa ra những đề xuất về các chính sách hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước bao gồm đề xuất điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng theo nguyên tắc thấp hơn mức thuế nhập khẩu ô tô thành phẩm theo cam kết đã ký.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng nghiên cứu khả năng áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt với xe có tỷ lệ nội địa hoá cao. Điều này có nghĩa là sẽ không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với phần giá trị xe tạo ra trong nước. Điều này sẽ thúc đẩy xây dựng chuỗi cung ứng linh phụ kiện ngành ô tô tạo tiền đề cho các doanh nghiệp sản xuất và láp ráp ô tô trong nước như THACO, Hyundai Thành Công và VinFast. 

Tuy nhiên, về đề xuất ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt với các phần giá trị sản xuất trong nước trên xe ô tô cũng cần Bộ Công thương và Bộ Tài chính phối hợp nghiên cứu, rà soát, tính toán kỹ lưỡng bởi điều này có thể không phù hợp với các quy tắc của WTO (Tổ chức Thương mại Thế giới). 

Trước các yêu cầu về dài hạn, Bộ Công thương cũng cho biết sẽ có các cơ chế chính sách thu hút đầu tư từ các Tập đoàn đa quốc gia đầu tư các dự án có quy mô lớn tại Việt Nam, đặc biệt tập trung vào các thương hiệu và dòng xe chưa có tại khu vực ASEAN, nhằm tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước tham gia sâu nhất vào chuỗi sản xuất ô tô đa quốc gia.

Theo những đề xuất của Bô Công thương tại hội nghị tổng kết cuối năm 2017 thì thị trường ô tô Việt Nam hứa hẹn sẽ có nhiều thay đổi trong năm 2018 và các doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước sẽ có nhiều cơ hội để cạnh tranh với các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô.

>> Vinfast mua bản quyền BMW, công bố ra mắt xe hơi Việt tháng 10 năm nay tại triển lãm Paris

Hải Yến
Đánh giá: