Nghị định 116 đã “dễ thở” hơn cho hoạt động nhập khẩu ô tô?
11:29 - 24/01/2018
Theo Cổng thông tin điện tử Chính phủ, vào ngày 22/1, Hội nghị đối thoại với các doanh nghiệp châu Âu do Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính tổ chức đã diễn ra. Tại đây, ông Trần Quang Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ, Bộ GTVT cho biết Thông tư hướng dẫn Nghị định 116 về sản xuất, kinh doanh ô tô đã được trình lãnh đạo Bộ thông qua. Cơ quan soạn thảo cũng đã họp với các doanh nghiệp, hiệp hội để giải thích, làm rõ các vướng mắc trong Nghị định. Do cần phải rà soát kỹ các nội dung nên Dự thảo Thông tư sẽ được công bố trong tuần này.
Mặt khác, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã đề nghị Bộ GTVT sớm ban hành Thông tư hướng dẫn Nghị Định 116. Theo ông Dũng: “Việc chậm ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định 116 là việc không đáng có, doanh nghiệp đang rất cần. Nhưng quan trọng nhất là quy định phải đi vào thực tiễn, đừng tạo rào cản xin - cho, nếu cứ co kéo về Bộ là các cơ quan khác sẽ báo cáo Thủ tướng “thổi còi”.”
Xem thêm:
>>> Hậu Nghị định 116, chỉ có 60 chiếc ô tô được nhập khẩu về Việt Nam trong đầu năm 2018
>>> Nghị định 116 “kìm chân” các hãng xe nhập khẩu ô tô vào Việt Nam
>>> Ngừng nhập khẩu, Toyota Fortuner vắng bóng, Honda CR-V hiếm trên thị trường
Có thể bạn quan tâm:
>>> Chỉ người dùng bị thiệt sau tuyên bố ngừng nhập khẩu ô tô của hãng ngoại
>>> Giáp tết, các hãng ô tô Việt rơi vào tình trạng "khan hàng" vì xe nhập không về, xe lắp ráp chẳng đủ
>>> Chưa có xe nhập khẩu thuế 0%
Cũng tại Hội nghị, ông Hà đã giải thích các vướng mắc trong Nghị định 116. Đầu tiên, về yêu cầu giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài đang được các doanh nghiệp quan tâm, ông Hà cho biết Dự thảo Thông tư có làm rõ quy định giấy này được cấp bởi các cơ quan, tổ chức được pháp luật nước ngoài công nhận, thừa nhận, kể cả trường hợp pháp luật nước ngoài cho phép doanh nghiệp sản xuất ô tô tự chứng nhận chất lượng và chịu trách nhiệm.
Về yêu cầu kiểm định theo từng lô đối với xe nhập khẩu, ông Hà cho biết Dự thảo Thông tư mới cũng có các quy định theo hướng cắt giảm các hạng mục, quy trình kiểm định, phù hợp với xe nhập khẩu.
Giải thích trên phần nào đã thỏa mãn được vướng mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản từng nêu ra tại Hội nghị đối thoại giữa Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản về các khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính.
Cụ thể, hội nghị đối thoại đã diễn ra vào 13/12/2017. Tại đây, các doanh nghiệp Nhật Bản bày tỏ quan ngại với các quy định trong Nghị định 116. Trước hết, họ cho rằng, việc cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại ô tô do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài cấp là không hợp lý. Bởi, các cơ quan Chính phủ của mỗi quốc gia chỉ kiểm tra, thử nghiệm và cấp chứng nhận cho ô tô sử dụng trong nước, chứ không quan tâm đến xe xuất khẩu.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết yêu cầu mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe trong lô xe nhập khẩu phải được kiểm tra, thử nghiệm về khí thải và chất lượng an toàn kỹ thuật là lãng phí thời gian và tiền bạc. Một lần thử nghiệm sẽ phải mất khoảng 2 tháng với chi phí lên đến 10.000 USD. Họ đề nghị chỉ nên thử nghiệm cho mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe của lô hàng đầu tiên.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhập khẩu còn vấp phải quy định doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô phải sở hữu hoặc thuê đường thử đáp ứng yêu cầu (với chiều dài ít nhất 800m) để kiểm tra chất lượng của xe được sản xuất, lắp ráp. Hiện không có doanh nghiệp nào của Nhật tại Việt Nam sẵn có đường thử như vậy và cũng không dễ dàng để xin thêm đất xây dựng, mở rộng đường thử.
>>> Xem thêm: Hậu 1/1/2018 – Thuế nhập khẩu ô tô từ Asean giảm về 0% nhưng giấc mơ ô tô nhập giá rẻ còn xa vời