Công đoàn từ chối đàm phán, GM Hàn Quốc tiến gần “bờ vực” phá sản
10:50 - 17/04/2018
Trang Wards Auto đưa tin, lãnh đạo công đoàn đã từ chối tham gia các cuộc họp có camera giám sát và hai bên cũng không thu xếp được các cuộc gặp khác. Được biết, cuộc đàm phán với công đoàn đã được GM Hàn Quốc sắp xếp vào ngày 12/4 vừa qua.
Phía GM Hàn Quốc cho biết, việc lắp đặt camera ghi lại cuộc họp nhằm đảm bảo vấn đề an ninh khi mà có không ít các nhà đàm phán của công đoàn tấn công bạo lực lãnh đạo công ty hồi đầu tháng. Cụ thể, đoạn video ghi lại cảnh nhiều người đã vào văn phòng của CEO GM Hàn Quốc, Kaher Kazem và ném ghế, đập phá nhà máy, nội thất văn phòng. GM Hàn Quốc đã gọi đây là sự cố bạo lực, gây tổn thất nghiêm trọng đến tài sản công ty.
Công đoàn từ chối đàm phán, GM Hàn Quốc tiến gần “bờ vực” phá sản
Chính vì vậy, người phát ngôn của GM Hàn Quốc cho biết, họ sẵn sàng đàm phán với công đoàn miễn là có các biện pháp an ninh phù hợp.
Tuy nhiên, cuộc đàm phán giữa 2 bên vẫn chưa thể diễn ra, khiến cho nguy cơ phá sản của GM Hàn Quốc càng cận kề khi hạn chót trình bản kế hoạch cải tổ lên 2 cổ đông lớn đã đến gần. Theo đó, GM Hàn Quốc cần sự nhượng bộ về tiền lương cuối tháng 3 của công đoàn để có thể lập một kế hoạch cải tổ và trình lên 2 cổ đông lớn nhất gồm Tập đoàn GM (Mỹ) và Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB) vào 20/4 tới. Nếu không trình được kế hoạch, công ty sẽ phải làm thủ tục phá sản.
Trước đó, GM Hàn Quốc tuyên bố sẽ đóng cửa 1 trong 4 nhà máy sản xuất và kêu gọi sự hỗ trợ của chính phủ, sự nhượng bộ của công đoàn để tiếp tục hoạt động. Đồng thời, Chủ tịch GM International, ông Barry Engle cho biết, GM Hàn Quốc cần phải có 600 triệu USD vào cuối tháng 4 nếu muốn duy trì hoạt động.
Phía Ngân hàng phát triển Hàn Quốc (KDB), đơn vị nắm 17% cổ phần GM Hàn Quốc cũng nói rằng cần thêm thời gian để quyết định có nên rót thêm vốn cho GM Hàn Quốc không. Dự kiến việc xem xét ngân sách sẽ hoàn tất vào 20/4, song hiện tại có thể kéo dài đến cuối tháng.
Trong khi đó, phía công ty mẹ, tập đoàn GM (Mỹ) vẫn chưa có động thái nào với vấn đề của GM Hàn Quốc. Tuy nhiên, tập đoàn GM đang có kế hoạch sẵn sàng rời bỏ một số thị trường kém hiệu quả. Sau khi bán 2 thương hiệu Opel và Vauxhall, GM Mỹ cũng công bố kế hoạch rút Chevrolet ra khỏi thị trường Ấn Độ và Nam Phi. Nhiều khả năng GM cũng sẽ rút khỏi Hàn Quốc sau khi thị trường này không sinh lợi.
GM Hàn Quốc sẽ phải trình kế hoạch cải tổ cho các cổ đông lớn
Hiện GM đang nắm giữ 77% cổ phần GM Hàn Quốc, trong khi KDB là 17%, SAIC Motor Corp Ltd, đối tác Trung Quốc của GM nắm 6% còn lại. Vào thời kỳ đỉnh cao, Hàn Quốc là trung tâm xuất khẩu giá rẻ của GM và đã cung cấp gần 1/5 số xe Chevrolet ra toàn cầu.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, GM Hàn Quốc đang rơi vào tình trạng khủng hoảng. Gần 2.500 công nhân GM Hàn Quốc, chiếm khoảng 15% nhân công của công ty đã tự nguyện thôi việc theo đề xuất của công ty. Nhiều công nhân cũng sẽ được đề nghị nghỉ việc khi mà nhà máy Gunsan chuẩn bị đóng cửa vào tháng 5 tới. Số lượng công nhân giảm đã khiến công đoàn đặt ra yêu cầu tăng lương và thưởng trong năm nay. Song, GM Hàn Quốc vẫn muốn công đoàn cắt giảm khoản lương thưởng trị giá 80-90 tỷ won (74-84 triệu USD). Trước đó, phía công đoàn đã nhượng bộ cắt giảm chi phí hơn 500 tỷ won tiền lương, thưởng của các trường hợp tự nguyện thôi việc.
Dự kiến khoảng 30% nguồn nhân lực của công ty sẽ bị cắt giảm, nhưng GM vẫn muốn duy trì sản xuất ổn định nếu chính phủ thông qua bản kế hoạch tái cơ cấu.
>>> Đà Nẵng nhận 4 ô tô điện cho dự án hợp tác cùng Mitsubishi