menu

Trong trường hợp nào, cảnh sát giao thông được dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm?

14:56 - 29/04/2022

Trong một số trường hợp người vi phạm chống đối, CSGT được sử dụng vũ lực để trấn áp.

Trong vài ngày qua, đoạn video quay lại cảnh một cảnh sát giao thông (CSGT) kẹp cổ, quật quã và dùng chân đạp người vi phạm tại Tp. Hồ Chí Minh đã thu hút sự chú ý của không ít cư dân mạng. Sau khi xem đoạn video này, nhiều người đã thắc mắc về việc CSGT có được phép dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm hay không. Bài viết dưới đây sẽ giải đáp thắc mắc đó.

CSGT quật ngã người vi phạm

CSGT quật ngã người vi phạm trong vụ việc xảy ra tại quận 1, Tp. Hồ Chí Minh hôm 26/4/2022 (ảnh cắt từ video)

>>> Xem thêm: Video: Không chấp hành hiệu lệnh và cố tình tông vào CSGT, người đàn ông bị quật ngã khỏi xe máy

CSGT có được dùng vũ lực trấn áp người vi phạm không?

Quy định tại Khoản 3, Điều 5, Thông tư 01/2016/TT-BCA về "nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ" có nêu CSGT "được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm cho việc xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; tạm giữ giấy phép lái xe, giấy đăng ký xe và giấy tờ khác có liên quan đến phương tiện, người điều khiển phương tiện hoặc những người trên phương tiện khi có hành vi vi phạm pháp luật, giấy tờ liên quan đến hoạt động vận tải để bảo đảm cho việc thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật".

Thông tư 01/2016/TT-BCA không ghi CSGT được dùng vũ lực đối với người vi phạm. Tuy nhiên, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định, người thi hành công vụ được phép "cưỡng chế người có hành vi vi phạm pháp luật chấm dứt hành vi vi phạm và chấp hành hiệu lệnh, yêu cầu của người thi hành công vụ" (Khoản 2, Điều 14).

Bên cạnh đó, tại Khoản 5, Điều 14, Nghị định 208/2013/NĐ-CP quy định: "Trong trường hợp cần thiết, cấp bách hoặc người có hành vi chống người thi hành công vụ sử dụng vũ khí quân dụng hoặc vũ khí thô sơ tấn công người thi hành công vụ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm và từng trường hợp cụ thể, người thi hành công vụ được sử dụng vũ lực, công cụ hỗ trợ và các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ hoặc nổ súng để phòng vệ chính đáng, tấn công, khống chế, bắt giữ người có hành vi chống người thi hành công vụ".

Như vậy, nếu thấy người vi phạm có hành động đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật với mục đích cuối cùng là để khống chế đối tượng chứ không phải sát thương.

Người vi phạm chống đối người thi hành công vụ bị xử phạt thế nào?

Người điều khiển phương tiện có hành vi chống đối người thi hành công vụ sẽ bị phạt hành chính lên đến 8 triệu đồng hoặc truy tố hình sự cao nhất 7 năm tù.

Theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về "hành vi cản trở, chống lại việc thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của người thi hành công vụ":

- Phạt tiền từ 4.000.000 - 6.000.000 đồng đối với hành vi "cản trở hoặc không chấp hành yêu cầu thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoặc nhiệm vụ khác của người thi hành công vụ theo quy định của pháp luật".

- Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng đối với hành vi "dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực chống người thi hành công vụ; Gây thiệt hại về tài sản, phương tiện của cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ".

Ngoài ra, người chống đối có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cứ theo Điều 330 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Cụ thể như sau:

- "Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm".

- "Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm".

Đánh giá:
Tag