Subaru thừa nhận làm giả dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu và khí thải của xe
Hiền Nguyễn 20:00 - 02/05/2018
Sau chiến dịch điều tra của chính phủ Nhật Bản, Subaru đã thừa nhận nhân viên của hãng này đã thay đổi dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu và khí thải của xe. "Một số phương pháp đo lường và dữ liệu nhất định đã bị thay đổi sai lệch", đại diện hãng Subaru cho biết trong cuộc điều tra xe thành phẩm tại nhà máy Gunma và Yajima ở Nhật Bản.
Hãng Subaru cho rằng vấn đề này chỉ ảnh hưởng đến 903 chiếc xe, được chế tạo từ tháng 12/2012 - 11/2017. Ban lãnh đạo hãng Subaru khẳng định không thể tìm thấy dữ liệu từ thiết bị đo lường trước năm 2012. Tuy nhiên, "khả năng cao là dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu và khí thải đã bị làm sai lệch từ khoảng năm 2002".
903 chiếc Subaru sản xuất từ tháng 12/2012 - 11/2017 bị thay đổi dữ liệu. Ảnh minh họa
Theo một số nguồn tin, nhân viên kiểm tra và quản đốc tại nhà máy là những người thực hiện việc thay đổi dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu cũng như khí thải. Phương pháp thay đổi dữ liệu được nhân viên kiểm tra cấp cao truyền cho cấp thấp. Tuy nhiên, hãng Subaru khẳng định không chỉ thị cho nhân viên làm như vậy. Hãng Subaru nói rằng một số trưởng phòng tại tập đoàn có thể đã nhận thức được việc dữ liệu bị thay đổi nhưng "từ cấp giám đốc trở lên hoàn toàn không hay biết gì".
Hãng Subaru dự đoán có 3 động cơ đằng sau việc thay đổi dữ liệu này. Thứ nhất là nhân viên kiểm tra cấp cao yêu cầu cấp dưới điều chỉnh dữ liệu tiêu thụ nhiên liệu và khí thải cho những chiếc xe mẫu không đạt tiêu chuẩn.
Ngay cả những chiếc ô tô đạt tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nội bộ cũng có thể bị thay đổi dữ liệu vì "nhân viên kiểm tra muốn giảm sự khác biệt trong các giá trị đo lường để tránh bị trưởng phòng yêu cầu giải trình". Hãng Subaru cho rằng việc thay đổi này khiến kết quả kiểm tra tăng lên hoặc giảm đi so với thực tế.
Nguyên nhân thứ ba mà hãng Subaru dự đoán là do việc tập huấn không đầy đủ và thiếu quy định nội bộ. Ban lãnh đạo Subaru giải thích, trong một số trường hợp, các giá trị đo lường có thể được thay đổi hợp pháp để phát hiện lỗi của thiết bị đo. Một số nhân viên kiểm tra có thể đã hiểu nhầm cách làm nên mới gây ra sự việc kể trên.
Chưa hết, hãng Subaru còn khẳng định các tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nội bộ của họ khắt khe hơn so với yêu cầu nên không cần triệu hồi xe. Theo Subaru, họ rất lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra và muốn "gửi lời xin lỗi sâu sắc nhất vì những rắc rối lớn và sự bất tiện gây ra cho khách hàng, đối tác cũng như toàn bộ cổ đông".
>>> Giám đốc điều hành Nissan cúi đầu nhận lỗi trước vụ kiểm duyệt tai tiếng