Vì sao tốc độ tối đa của những chiếc xe 2 bánh được giới hạn ở 299 km/h?
Kuro 06:47 - 10/10/2018
- Phục vụ “dân chơi” khu vực miền Bắc, Hà Nội chính thức có showroom phân khối lớn Honda đầu tiên19/03/2020
- Phương pháp làm chủ xe côn tay cho người mới: Khó mà dễ03/01/2020
- Khám phá bộ đôi xe cứu hoả của lực lượng phòng cháy chữa cháy Hà Nội22/09/2018
Chúng ta thường thấy con số 299km/h sẽ là con số cuối cùng được hiển thị trên bảng đo đồng hồ tốc độ của những siêu mô tô 2 bánh. Tại sao lại xuất hiện con số này và nó được duy trì ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Ngày nay, khi mà các khối động cơ được phát triển mạnh mẽ với nhiều loại công nghệ được tích hợp vào thì những chiếc xe hoàn toàn có thể đạt được những "cảnh giới" không tưởng. Đến 70% siêu xe sở hữu khối động cơ siêu nạp (Supercharged) có thể đạt tới 200 mã lực, thế nhưng, con số mà những siêu xe này đạt tới chỉ là 299km/h. Tất cả là do đã có một quy ước ngầm đến từ các nhà sản xuất xe được gọi là "Gentleman's Agreement" tạm dịch là "quy ước của quý ông".
299km/h là quy ước giữa các nhà sản xuất xe
"Gentlemen's Agreement" nếu được giải nghĩa như một thông điệp ngắn gọn thì đây được coi như một quy ước ngầm không thành văn bản giữa các nhà sản xuất xe. Nó như một lời "hứa hẹn" giữa các "người anh em thiện lành" để không có những hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm quá vượt trội so với đối thủ để có lợi thế hay gây bất lợi cho các "anh em" khác. Ví dụ như sự cạnh tranh về tốc độ của các hãng trong thời kì những năm 2000.
"Gentlemen's Agreement" chỉ là quy ước ngầm giữa các hãng sản xuất xe
Để tìm hiểu về "Quy ước giữa các quý ông" ở các nhà sản xuất xe 2 bánh, chúng ta sẽ phải trở lại những năm 1980 đến năm 2000. Đây là thời kỳ "vàng" của những siêu mô tô nhanh nhất thế giới. Đầu tiên là sự ra đời của chiếc Honda CBR1100XX hay còn được gọi là "Super Blackbird" vào năm 1997, chiếc xe này có khả năng đưa tốc độ của chiếc xe 2 bánh lên tới 287,3km/h và là chiếc xe thương mại có tốc độ lớn nhất thời bấy giờ. Sau đó, Suzuki đã đáp trả sự ra đời này vào năm 1999 với chiếc xe "thần gió" Suzuki Hayabusa - chiếc xe 2 bánh đầu tiên trên thế giới vượt qua ngưỡng tốc độ 300km/h.
Honda CBR1100XX là "kẻ khơi mào" cuộc chiến tốc độ
Tiếp theo đó là sự xuất hiện của thần gió Suzuki Hayabusa
Và cuối cùng là sự xuất hiện của Kawasaki ZX-12R trước khi có lệnh cấm từ liên minh châu Âu
Tất nhiên, các hãng xe khác cũng không để Honda và Suzuki vượt mặt mình trong cuộc chiến "mô tô nhanh nhất thế giới". Bằng chứng là sự ra đời của Kawasaki ZX-12R với vận tốc lên tới 322km/h và là vị vua mới lúc bấy giờ. Thế nhưng, không để cuộc đua giữa các hãng xe được phát triển một cách tự do thì lúc này, liên minh châu Âu đã ra quyết định cấm các loại xe mô tô có vận tốc tối đa hơn 300km/h bởi việc điều khiển những chiếc xe này trên đường cái là quá nguy hiểm.
Những chiếc xe mô tô khi đạt tốc độ và gia tốc lớn rất dễ gây ra những tai nạn thảm khốc
Với vận tốc "chóng mặt" này, các biker sẽ phải căng não và tập trung hết mức có thể nhưng hoàn toàn mất kiểm soát và khả năng phanh gấp của chiếc xe sẽ không còn, từ đó sẽ gây ảnh hưởng đến tính mạng của chính người điều khiển xe cũng như sự an toàn của người khác.
Những chiếc Sport bike hiện đại có "thừa" khả năng vượt qua con số 299km/h
Trong tình cảnh ấy, Honda đã ra thông báo hãng này sẽ không làm ra những chiếc xe có vận tốc tối đa hơn 300km/h, Suzuki và Kawasaki lại chọn không thông báo những thông tin này cho các fan để giữ hình ảnh của mình. Từ đó, "Gentlemen's Agreement" đã ngầm ra đời từ năm 2001 giữa các nhà sản xuất xe máy, kể cả những nhà sản xuất đến từ châu Âu như Aprilia hay MV Agusta cũng tham gia vào "hiệp ước" này.
Con số 299 cũng chỉ là điểm dừng của những chiếc đồng hồ đo tốc mà thôi
Thế nhưng, với những quy ước ngầm trong làng sản xuất xe máy cũng chỉ ở trên bề nổi khi mà tốc độ và khả năng tăng tốc của những chiếc siêu xe 2 bánh vẫn là một trong những điểm mấu chốt để các hãng thu hút khách hàng của mình. Vì thế mà một vài năm gần đây, hầu như những con số giới hạn 299km/h chỉ xuất hiện trên màn hình đo tốc của chiếc xe trong khi tốc độ của nó vẫn tiếp tục tăng.
Trên thực tế như một số đoạn video được chia sẻ rầm rộ trên cộng đồng biker. Một biker điều khiển xe khi đã đạt tốc độ 299km/h trên chiếc xe của mình và bị vượt mặt bởi 299km/h của một chiếc siêu xe đi bên cạnh. Như thế, đây chỉ là con số tượng trưng trên đồng hồ đo tốc của những chiếc xe và làm cho người ta cảm giác "yên tâm" khi chiếc xe đã bị giới hạn tốc độ mà thôi.
Sự xuất hiện của Kawasaki Ninja H2R chắc chắn sẽ tiếp tục "cuộc chiến" tốc độ giữa các hãng sản xuất xe máy
Cuối cùng, quy ước ngầm giữa các "quý ông", các nhà sản xuất xe máy cũng chỉ dừng lại ở đó và dường như chỉ còn Honda "ở lại" trong quy ước này khi mà sự ưu tiên hàng đầu của hãng chính là sự an toàn cho các Biker. Tiêu biểu nhất về sự phá vỡ tốc độ trong làng xe 2 bánh hiện tại là Kawasaki với siêu xe Kawasaki Ninja H2R với khả năng đưa chiếc xe lên tới hơn 400km/h. Sự xuất hiện của Kawasaki Ninja H2R chắc chắn sẽ làm các hãng xe đối thủ "nóng mắt" và sớm muộn, cuộc đua tốc độ của các hãng xe sẽ lại nổ ra, hãy chờ xem.