Lược sử 8 mẫu xe thể thao Nhật Bản nhanh nhất từ trước tới nay
09:04 - 09/06/2021
Sau Thế Chiến II, Nhật Bản bắt đầu tập trung và coi trọng xe ô tô hơn. Tỷ lệ sở hữu xe của quốc gia Đông Á này bắt đầu tăng nhanh vào những năm 1950, các nhà sản xuất ô tô trong nước cũng bắt đầu phát triển ngày một lớn. Thế nhưng phần còn lại của thế giới vẫn không chú ý đến ô tô Nhật Bản ở thời điểm này vì các sản phẩm xe của đất nước mặt trời mọc bị coi là bắt chước và nhàm chán.
Toyota là thương hiệu đã quyết tâm bước lên và nỗ lực thay đổi nhận thức đó với mẫu 2000GT. Hợp tác với Yamaha, Toyota đã nhận ra rằng hãng cần một chiếc xe thể thao có khả năng cạnh tranh với các mẫu xe châu Âu thời bấy giờ, đặc biệt là Jaguar E-Type.
Mẫu Toyota 2000GT 1967 đã gây ấn tượng mạnh, thu hút nhiều đánh giá so sánh với huyền thoại Porsche 911. Toyota 2000GT được sản xuất giới hạn với lượng xuất xưởng chỉ 351 xe, nhưng mẫu xe này đã góp công đưa tên tuổi Toyota nói riêng, và rộng hơn là các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản lên bản đồ thế giới. Các công ty Nhật Bản đã biết nắm thời cơ, tận dụng sự tôn trọng mới có từ những năm 1970, những mẫu xe thể thao xuất sắc từ xứ hoa anh đào đã lần lượt ra đời trong những năm 1980.
Tuy nhiên, thập niên 90’ mới thật sự là lúc những chiếc xe hiệu suất cao của Nhật Bản gây bão trên thế giới, vì vậy đây sẽ là nơi chúng ta bắt đầu danh sách, và chỉ chọn lọc một mẫu xe từ mỗi nhà sản xuất mà thôi.
Honda NSX 1990
Khi Honda quyết định sẽ đối đầu với các nhà sản xuất xe châu Âu, hãng đã làm điều đó theo cách của riêng mình. Ý tưởng của nhà sản xuất xe Nhật Bản là tạo ra một sản phẩm có thể cạnh tranh với các mẫu Ferrari trang bị động cơ V8 ở thời đó, nhưng có giá cả phải chăng hơn nhiều. Kết quả, Honda NSX là mẫu xe đầu tiên được đưa vào sản xuất với thân xe hoàn toàn bằng nhôm và trang bị động cơ V6 VTEC dung tích 3.0 lít cũng hoàn toàn bằng nhôm, sản sinh công suất 270 mã lực. Mẫu xe này không những tạo nên chấn động ngay lập tức mà còn ảnh hưởng về lâu dài.
Vào thời điểm đó, tạp chí MotorTrend nhận xét NSX: "tốt hơn nhiều so với bất kỳ chiếc Ferrari hay Lamborghini nào từng được chế tạo." Sau đó, nhà thiết kế Gordon Murray của McLaren đã mô tả NSX là một sản phẩm “vĩ đại”, và là nguồn cảm hứng cho McLaren F1 sau khi ông tiếp cận Honda. Ông đã cố gắng thuyết phục công ty rằng NSX có thể còn mạnh hơn nữa, nhưng Honda không thấy cần thiết.
Mazda RX-7 (FD) 1991
Hiện tại, Mazda không có mẫu xe nào thực sự mạnh mẽ trên thị trường, nhưng lịch sử của nhà sản xuất ô tô này dày đặc với những chiếc xe đua và xe thể thao hiệu suất cao. Trong số đó, cái tên quan trọng nhất về mặt văn hóa chính là RX-7 trang bị động cơ xoay Wankel, và đặc biệt nhất là thế hệ FD có thêm bộ tăng áp. Kết hợp với động cơ dung tích 1.3 lít, sản sinh 252 mã lực và 276 mã lực ở thế hệ sau, là khung gầm cân bằng và linh hoạt, cũng như thiết kế thẩm mỹ mượt mà vượt thời gian.
Cho đến ngày nay, khung gầm của RX-7 FD vẫn được coi là một trong những bộ khung tốt nhất từng có từ thiết kế đến sản xuất vì trọng tâm thấp và tỷ lệ cân bằng trọng lượng 50/50 nhờ sử dụng động cơ nhỏ, nhẹ được gắn ở cấu hình phía trước - giữa.
Toyota Supra A80 1993
Vài năm sau khi mẫu Nissan GT-R đầu tiên ra mắt, mẫu Toyota Supra đầu tiên đã được tung ra thị trường. Ở những thế hệ đầu tiên, xe được chế tạo dựa trên chiếc Toyota Celica kéo dài để chứa động cơ 6 xi-lanh thẳng hàng thay vì 4 xi-lanh. Nhưng Toyota Supra đã tiến hóa thành một cỗ máy ưu việt hơn với thế hệ thứ tư A80, với trang bị động cơ tăng áp kép Toyota 2JZ-GTE. Khối động cơ này nổi tiếng nhờ sự bền bỉ và khả năng độ vô hạn.
Dù đã bị ngừng sản xuất khi bộ phim “Fast and Furious” đầu tiên được công chiếu, mẫu Supra Mark IV lập tức trở nên nổi tiếng. Đương nhiên Supra Mark IV xuất hiện trong phim là có lý do, khung gầm xe ghi dấu thành công sau các giải đua đường trường, và hiệu suất của xe là rất tuyệt vời. Tạp chí Road & Track từng ghi lại khoảng cách dừng của xe từ tốc độ 112 km/h là chỉ 45,4 mét vào năm 1997. Con số này đã bất bại cho đến năm 2004, khi Porsche Carrera GT đạt thành tích tốt hơn chỉ 1,2 mét.
Subaru Impreza 22B STi 1998
Danh sách này sẽ không hoàn chỉnh nếu thiếu Subaru Impreza thế hệ 22B. Xe được chế tạo nhằm kỷ niệm tay đua Colin McRae giành được danh hiệu thứ ba liên tiếp cho đội đua Subaru ở giải World Rally Championship, thuộc hệ thống giải đua của FIA. Subaru Impreza 22B được trang bị một động cơ nâng cấp từ động cơ boxer 4 xi-lanh của Impreza tiêu chuẩn: dung tích xylanh được nâng lên 2,2 lít và bộ tăng áp lớn hơn.
Ngoài động cơ công suất 276 mã lực, Impreza 22B STi còn trang bị nhiều phụ tùng hiệu suất cao khác gồm hệ thống treo Bilstein, phanh mở rộng, bộ ly hợp đĩa đôi, mô-đun điều khiển khóa vi sai, la-zăng và lốp lớn hơn. Nó có thể gia tốc từ 0-96 km/h chỉ trong 3,9 giây, và tung hoành trên cả đường phố công cộng lẫn đường đua. Chỉ có 424 chiếc 22B STi được chế tạo, và nếu bạn muốn có một chiếc cho riêng mình, bạn sẽ cần một khối gia tài nhỏ.
Nissan Skyline GT-R (R34) 1999
Cái tên Skyline GT-R xuất hiện lần đầu vào năm 1969, sau đó lại biến mất khỏi thị trường vào năm 1973. Mãi cho đến năm 1989, Skyline GT-R mới được hồi sinh với thế hệ R32, được tạo ra nhằm thống trị giải đua Group A. Đó là chiếc xe đua R32 được đặt biệt danh “Godzilla,” nhưng chính R34 GT-R thế hệ thứ 5 sản xuất từ năm 1999 đến năm 2002 mới ghi dấu tên GT-R vào lịch sử thế giới ô tô.
Động cơ tăng áp kép 6 xi-lanh thẳng hàng dung tích 2.6 lít được tạo ra không chỉ để mang đến tốc độ cao cho xe mà còn để đảm bảo độ bền bỉ lâu dài. Với gói nâng cấp NISMO Z-Tune, động cơ Skyline GT-R được nâng lên dung tích 2.8 lít, sản sinh công suất 493 mã lực và mô-men xoắn cực đại 540 Nm . Sức mạnh đó được truyền tới cả 4 bánh thông qua hệ dẫn động AWD hiện đại, trong khi các mẫu V-Spec lại đi kèm với một hệ dẫn động nâng cấp bao gồm bộvi sai chủ động ở phía sau thay vì vi sai cơ tiêu chuẩn.
Mitsubishi Lancer Evo VIII 2003
Khi Mitsubishi đang ở trên đỉnh cao cuộc chơi, hãng xe Nhật đã tạo nên một mẫu xe thể thao phù hợp sử dụng đi đường phố dựa trên sedan Lancer. Cùng phân khúc với Subaru Impreza WRX, Evo là một mẫu xe hiệu suất cao, trang bị bộ tăng áp, dẫn động AWD và có giá tiền phải chăng. Cho đến thế hệ thứ 8, Evo vẫn chỉ là mẫu xe dành riêng cho thị trường Nhật Bản với số lượng hạn chế và được nhiều người dùng trên thế giới biết đến thông qua “chợ đen.”
Tuy nhiên, vào năm 2003, mẫu xe này đã chính thức đặt chân đến đất Mỹ, hoàn chỉnh với bộ giảm xóc Bilstein, phanh Brembo, và công suất khoảng 270 mã lực. Đáng tiếc, thế hệ thứ 10 là thế hệ cuối cùng khi xe chính thức ngừng sản xuất vào tháng 5 năm 2016.
Lexus LFA 2011
Trong năm 2011, Lexus đã cho ra đời một kiệt tác siêu xe. Nhà sản xuất Nhật Bản muốn tạo ra một biểu tượng với mẫu xe trang bị khung gầm liền khối bằng chất liệu polymer gia cố sợi carbon, động cơ V10 dung tích 4.8L được phát triển cùng Yamaha. Khối động cơ này mang đến công suất 553 mã lực ở tua máy 8.700 vòng/phút với tiếng kêu chói tai. Lexus cho biết khối động cơ này có khả năng tăng tua máy cực nhanh, từ trạng thái garanti đến redline chỉ trong 0,6 giây. Tuy nhiên, Hãng xe Nhật Bản chỉ sản xuất LFA trong đúng một năm, và bất ngờ công bố “khai tử” mẫu xe tốc độ này.
Acura NSX 2016
Trong khi Honda tạo ra mẫu NSX tại Nhật Bản, thương hiệu con Acura đã thiết kế và chế tạo thế hệ tiếp theo của mẫu xe này tại Mỹ. Dựa trên mẫu NSX nguyên bản, Acura đã tiến hành phát triển và nâng cấp thế hệ mới của xe bằng hệ truyền động hybrid, sản sinh 573 mã lực và 645 Nm mô-men xoắn cực đại, cho phép gia tốc 0-96 km/h trong 2,7 giây.
Hệ dẫn động SH-AWD của Acura giúp kiểm soát và phân bổ sức mạnh đó một cách đồng đều đến cả bốn bánh xe. Acura NSX thế hệ hiện tại là một mẫu xe hiệu suất cao tuyệt vời, mang công nghệ tương tự như Porsche 918 nhưng giá mềm hơn, và vẫn đang được sản xuất.