Lexus LS 1989 đã thay đổi cả ngành công nghiệp xe hơi như thế nào?
12:56 - 03/09/2019
- Lexus LS 2024 được vén màn, thêm tính năng tiện nghi và an toàn để cạnh tranh với các đối thủ Đức07/10/2023
- Lexus LS 2024: Giá xe Lexus LS và khuyến mãi mới nhất thị trường hiện nay04/04/2023
- Mục sở thị Adventure CFMoto MT800 2021: Thiết kế Trung Quốc, máy KTM cùng nhiều trang bị đỉnh cao27/04/2021
Với mục tiêu tạo ra một trong những dòng xe hơi sang trọng nhất thế giới, một nhóm kỹ sư tài năng nhất của Toyota đã được tập hợp lại và cấp nguồn tài chính vô hạn. Dòng sản phẩm này phải giúp Toyota trở thành tên tuổi đáng gờm trong phân khúc xe hạng sang đồng thời cho khách hàng trung thành một lý do để tiếp tục gắn bó với Toyota thay vì mua ô tô Đức khi họ có cơ hội mua những chiếc xe đắt tiền hơn. Tất cả những định hướng này góp phần tạo ra chiếc LS đời đầu và tiếp tục ảnh hưởng tới Lexus trong suốt những năm 1990 khi thương hiệu này phát triển bùng nổ.
Lịch sử thương hiệu Lexus bắt đầu từ 30 năm trước
Nhân kỷ niệm 30 năm ra mắt Lexus LS, mời các bạn tìm hiểu lịch sử phát triển của mẫu xe này và các tác động của Lexus LS lên thị trường xe hơi toàn cầu.
Chinh phục nước Mỹ (thập niên 1970)
Toyota Hilux
Toyota đã gia nhập thị trường Mỹ vào những năm 1970. Tới năm 1975, hãng xe Nhật đã vượt qua Volkswagen để trở thành hãng xe nhập khẩu số 1 tại Mỹ. Người tiêu dùng thông thường thích các mẫu xe tiết kiệm nhiên liệu như Toyota Corolla trong khi những ai đam mê off-road rất mê sự chắc chắn của xe bán tải Hilux.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu nội bộ của mình, Toyota nhận ra rằng khi có thu nhập cao hơn, khách hàng sẽ bỏ qua họ để mua những chiếc xe đắt hơn. Với vị thế vững chắc tại Mỹ, Toyota bắt đầu tìm cách thâm nhập thị trường xe hạng sang ở quốc gia này.
Circle F (1983)
Toyota muốn Lexus đánh bại mọi mẫu xe của Mercedes-Benz
Di chuyển lên phân khúc cao cấp là quyết định táo bạo của Toyota. Đầu những năm 1980, ngành công nghiệp Nhật Bản chủ yếu gắn với các sản phẩm giá rẻ, sản xuất hàng loạt chứ không phải các mặt hàng cao cấp. Hiểu rằng sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến khốc liệt, đầy thách thức, ông chủ Toyoda Eiji Toyoda (1913 - 2013) đã tập hợp một nhóm nhỏ gồm các kỹ sư, nhà thiết kế và giám đốc điều hành giỏi giang, đáng tin cậy để khởi động dự án xe hơi hạng sang vào tháng 8/1983.
Nhiều người nghĩ rằng ông Toyoda bị điên khi đặt mục tiêu tạo ra một mẫu xe có khả năng thách thức bất cứ thứ gì được tạo ra bởi Mercedes-Benz, bao gồm cả dòng xe cao cấp S-Class. Nội bộ Toyota gọi dự án tuyệt mật này là Circle F, trong đó F là viết tắt của flagship (cao cấp).
Một nỗ lực chưa từng có (1984)
"Chúng tôi cần thứ gì đó hoành tráng hơn và cần nó ngay hôm nay", Norman Lean, phó chủ tịch Toyota Mỹ, viết trong báo cáo gửi cho lãnh đạo cấp cao tại Nhật Bản. Toyota Crown không đủ sức thách thức Mercedes-Benz trong khi limousine Century được sản xuất thủ công lại quá đắt. Không có giải pháp nào khác dành cho Toyota ngoài việc phải thiết kế một mẫu xe hoàn toàn mới.
Toyota Crown
Dự án Circle F bắt đầu với quy mô rất nhỏ với 15 nhân sự vào thời điểm năm 1984, nhận nhiệm vụ vạch ra một kế hoạch khả thi. Chẳng bao lâu sau, Circle F trở thành một "quân đoàn" với 1.400 kỹ sư, 2.300 kỹ thuật viên, 60 nhà thiết kế và 220 công nhân hỗ trợ. Mọi người được chia thành 24 nhóm với những nhiệm vụ khác nhau.
Toyota chưa bao giờ dành một lượng tài nguyên lớn như vậy cho việc phát triển một mẫu xe hơi. Tuy nhiên, ưu tiên số một của họ trong đầu những năm 1980 là thiết kế, chế tạo và bán thành công một mẫu xe hơi cao cấp trong thời gian ngắn nhất.
Bản phác thảo thiết kế (1984)
Kỹ sư trưởng của dự án, Ichiro Suzuki (sinh năm 1937), đã phác thảo ra một bản thiết kế đầy tham vọng. Ông dự tính mẫu xe sang sắp ra mắt của Toyota phải đạt tốc độ tối đa 250 km/h, có hệ số lực kéo 0,28 Cd và phát ra tiếng ồn chỉ 58 dB ở tốc độ 96 km/h. Để đạt được những mục tiêu này, Toyota cần có một cách thiết kế khác với mọi bộ phận của xe, kể cả những phần thô sơ nhất.
Bản phác thảo thiết kế đầu tiên của Lexus
Lexus LS được trang bị một loại thảm mới để giảm 1 kg trọng lượng và cột A được bơm bọt cấu trúc nhằm tăng độ cứng nhưng vẫn kiểm soát được tiếng ồn của gió. Suzuki yêu cầu mọi thay đổi liên quan tới trọng lượng của xe dù nhỏ nhất cũng phải được đích thân ông phê duyệt.
Tách rời thương hiệu Toyota (1986)
Ông Suzuki đã bổ nhiệm Yoshi Ishizaka và Bob McCurry phụ trách việc lên kế hoạch kinh doanh cũng như marketing cho mẫu xe sang sắp ra mắt của Toyota tại Mỹ. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất bởi ai cũng biết Mỹ sẽ là thị trường chính của dự án Circle F. Nghiên cứu mà cặp đôi này tiến hành vào năm 1986 cho thấy người Mỹ dứt khoát không bán những chiếc Mercedes-Benz hoặc BMW của họ để mua một chiếc Toyota.
Lexus được thiết kế lại từ đầu, theo những phương thức mới
Thương hiệu Toyota không đại diện cho sự giàu sang và địa vị giống như logo ngôi sao ba cánh của Mercedes-Benz. Trước thực tế này, McCurry và Ishizaka tin rằng để thành công, mẫu xe sang của Toyota phải mang một thương hiệu khác đồng thời được bán qua các đại lý độc lập. Đây là thực tế mà các sếp cao cấp của Toyota khó lòng chấp nhận. Một chiếc xe sang Toyota sao lại không thể mang thương hiệu Toyota?
Chuyện cái tên (1986)
Toyota bắt đầu tiến hành tìm ra một thương hiệu mới cho Circle F, dưới sự giúp đỡ của các chuyên gia và các hãng tư vấn. 219 thương hiệu đã được đưa ra và 4 thương hiệu lọt vào vòng cuối cùng là Vectre, Verone, Calibre và Alexis. Cái tên Alexis đã được chọn nhưng trong quá trình thảo luận thêm, nó được rút gọn thành Lexus. Chốt xong thương hiệu, các nhà thiết kế bắt đầu phác thảo logo. Cuối cùng, logo chữ L nằm trong hình bầu dục mang tính biểu tượng ra đời.
Mọi thứ không hề dễ dàng với Toyota, khó khăn từ việc chọn và đặt tên cho Lexus
Xe hơi hay phần mềm? (1988)
Kế hoạch ra mắt mẫu xe cao cấp mới được đặt tên là Lexus LS tại triển lãm Ô tô Detroit 1989 đã phải hoãn lại sau khi Toyota bị hãng Mead Data Central đâm đơn kiện vào cuối năm 1988. Công ty này cho rằng cái tên Lexus nghe giống như Lexis - phần mềm nghiên cứu pháp lý mà họ đang phát triển. Mead đề nghị tòa phạt Toyota 100 triệu USD cộng với các khoản bồi thường thiệt hại cho 15 năm tiếp theo. Tòa án Mỹ đã đồng ý rằng nếu Lexus thất bại, danh tiếng của phần mềm Lexis cũng bị ảnh hưởng.
Thậm chí, cái tên Lexus còn khiến Toyota vướng vào kiện tụng
Lúc đó, Toyota có trong tay một mẫu xe gần hoàn thiện, ngày ra mắt đã được chốt nhưng không có tên. Họ tiến hành kháng cáo phán quyết của tòa và được Mead cho phép sử dụng cái tên Lexus chỉ 1 lần duy nhất tại triển lãm Ô tô Detroit 1989. Vào tháng 3/1989, sau khi LS ra mắt, tòa phúc thẩm đưa ra phán quyết rằng một chiếc xe mang thương hiệu Lexus và phần mềm Lexis chẳng liên quan tới nhau lắm nên Toyota được phép sử dụng cái tên này.
>>> Giá xe Lexus cập nhật mới nhất hiện nay trên thị trường.
Lexus trình làng (1989)
Trong khi các luật sư cố gắng đấu tranh cho cái tên Lexus thì nhóm kỹ sư, nhà thiết kế của Circle F làm việc đêm ngày để tinh chỉnh những chi tiết cuối cùng. Họ đã tạo ra khoảng 450 nguyên mẫu và chạy thử hàng triệu km ở những vùng địa hình khác nhau trên toàn thế giới. 100 chiếc trong số đó được đưa đi thử nghiệm va chạm bởi an toàn luôn là ưu tiên số một với các kỹ sư Toyota. Cuối cùng, gần 6 năm sau cuộc họp đầu tiên của Circle F, Toyota đã trình làng Lexus LS 400 tại triển lãm Ô tô Detroit 1989.
Bên cạnh LS 400, Toyota còn ra mắt ES 250 - phiên bản "Lexus hóa" của Camry - tại triển lãm Ô tô Detroit 1989. Đương nhiên, Lexus LS 400 đã trở thành tâm điểm của triển lãm Detroit năm đó.
Lexus ES 250
Các con số ấn tượng của Lexus LS đời đầu
Động cơ Lexus LS 400
Lexus bắt đầu bán mẫu LS tại Mỹ vào tháng 8/1989 và lô xe 1.000 chiếc "cháy hàng" ngay lập tức. Năm 1990, Lexus LS được tung ra thị trường châu Âu với giá khởi điểm 34.250 Bảng.
Xe được trang bị một danh sách dài các tiện nghi và sử dụng động cơ V8, dung tích 4.0 lít, sản sinh công suất tối đa 241 mã lực. Sức mạnh được truyền tới cầu sau thông qua hộp số tự động 4 cấp với ECU riêng.
Triệu hồi 8.000 xe (1989)
Lexus khoe rằng những chiếc xe của họ là thành quả của quá trình theo đuổi sự hoàn hảo không ngừng nghỉ. Tuyên bố này đã bị đặt dấu hỏi vào tháng 12/1989 khi Toyota công bố kế hoạch triệu hồi toàn bộ những chiếc Lexus LS được bán tại Mỹ kể từ tháng 9/1989 (hơn 8.000 chiếc) nhằm khắc phục 3 vấn đề khác nhau.
Bán ra chưa được bao lâu, Lexus đã ra lệnh triệu hồi LS 400
Những khách hàng đầu tiên phàn nàn rằng đôi lúc hệ thống kiểm soát hành trình không tự ngừng, vỏ nhựa xung quanh đèn phanh thứ ba bị cong vênh do nóng và xe bị hết ắc-quy do lỗi điện. Lệnh triệu hồi được đưa ra, ngay cả với một mẫu xe có chi phí phát triển 1 tỷ USD.
Không lỗi nào trong số này là nghiêm trọng nhưng khiến Lexus bị soi mói bởi những ánh mắt khó chịu. Lexus đã lên kế hoạch để nổi bật so với các đối thủ bằng cách cung cấp một mẫu xe đáng tin cậy, không có bất cứ vấn đề nào. Các sếp Lexus đã ngay lập tức nghĩ rằng những vấn đề của LS là cơ hội để chứng minh cam kết của công ty về việc đảm bảo sự hài lòng cho khách hàng. Lexus tự nguyện ra lệnh triệu hồi xe thay vì chờ chính phủ Mỹ yêu cầu và họ tin tưởng rằng các đại lý sẽ khắc phục vấn đề nhanh nhất, liền mạch nhất có thể.
Kiểm soát thiệt hại (1989)
Hiểu rằng vụ triệu hồi có thể đánh chìm thương hiệu nên các giám đốc của Lexus đã tận dụng chính bê bối này làm lợi thế của mình. "Chúng tôi trải lên bàn một tấm bản đồ lớn và xác định vị trí các khách hàng nằm trong phạm vi 200 dặm (321 km) so với đại lý gần đó. Chúng tôi sắp xếp một cuộc hẹn đặc biệt để các đại lý chăm sóc xe ngay tại nhà khách hàng", ông Richard Chitty nhớ lại nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 30 của Lexus. Chitty là một trong những giám đốc góp công tạo ra thương hiệu Lexus.
Các giám đốc Lexus đã khéo léo biến bê bối này trở thành sự kiện có lợi cho họ
Dave Illingworth, Tổng giám đốc Lexus lúc bấy giờ, đã viết từng bức thư cho 8.000 khách hàng có xe bị triệu hồi để xin lỗi với tư cách cá nhân. "Chúng tôi biết rằng có hơn 8.000 khách hàng, những người đầu tiên mua xe LS 400 và không muốn họ có ấn tượng xấu về Lexus. Hơn nữa, chúng tôi luôn muốn đặt khách hàng lên hàng đầu. Tôi ngồi tại bàn ăn trong dịp Giáng Sinh và ký hơn 8.000 bức thư", ông Illingworth nhớ lại. Rõ ràng, vụ triệu hồi xe này có thể khiến khách hàng rời bỏ Lexus để đến với các showroom treo cờ Đức. Nhưng với sự khéo léo và chân thành của mình, Illingworth cùng các cộng sự đã tận dụng chính bê bối này khiến khách hàng trung thành với thương hiệu Lexus.
Các đối thủ ngang tầm (1990)
Với mức giá 32.250 Bảng, Lexus LS 400 đắt hơn hay rẻ hơn đối thủ? Cùng lúc đó, trên thị trường có BMW 535i SE với giá 27.495 Bảng và 735i SE với giá 37.500 Bảng nên Lexus LS 400 nằm ở giữa. Với giá 40.034 Bảng, Audi V8 đắt hơn LS 400 rất nhiều. Thương hiệu Jaguar thì bán cho khách hàng một chiếc XJ6 Sovereigh với giá 32.500 Bảng.
Một chiếc Mercedes 300E-24 sẽ tiêu tốn của bạn 32.340 Bảng trong khi S-Class 420SE có giá 37.430 Bảng. Dẫu vậy, không khó để Lexus chỉ ra rằng LS 400 được trang bị tốt hơn nhiều so với hầu hết các đối thủ, đặc biệt là những chiếc xe Đức.
BMW là một trong những đối thủ của Lexus
LS của Toyota (thập niên 1990)
Toyota đã không ra mắt Lexus tại quê nhà Nhật Bản. Thay vào đó, Lexus LS đời đầu đã được bán tại Nhật dưới tên gọi Toyota Celsior. Mẫu xe này không khác biệt gì so với LS 400 được bán tại Mỹ và châu Âu ngoại trừ việc logo Toyota nằm ở cả đầu và đuôi xe. Toyota Celsior cũng có sẵn nhiều tùy chọn sang trọng hơn Lexus LS, bao gồm ghế sau có thể ngả ra.
Toyota Celsior
Toyota đã bán LS dưới tên Celsior tới tận năm 2006, một năm sau khi thương hiệu Lexus được ra mắt tại Nhật Bản.
Nếu mọi thứ vẫn đang ổn thì không có gì phải thay đổi (thập niên 1990)
Trong suốt vòng đời của mình, Lexus LS đời đầu rất ít được thay đổi. Xe chủ yếu được nâng cấp về tính năng và trang bị. Ví dụ, phiên bản năm 1993 có túi khí dành cho ghế hành khách, phanh và bánh xe lớn hơn. Năm 1994, hệ thống treo khí nén với khả năng tự cân chỉnh đã được thêm vào dưới dạng tùy chọn.
LS 400 không thay đổi nhiều trong suốt vòng đời
LS thế hệ thứ 2 (1996)
LS thế hệ thứ 2
Năm 1995, Lexus trình làng LS thế hệ thứ 2 với thiết kế gần như giữ nguyên. Lexus quyết định không thay đổi nhiều về thiết kế vì LS đời đầu có doanh số cao. Dẫu vậy, LS thế hệ thứ 2 có một số cải tiến gồm động cơ V8 cho công suất tối đa 260 mã lực và tiết kiệm xăng hơn. Ngoài ra, Lexus LS mới còn có không gian nội thất rộng rãi hơn do chiều dài cơ sở được tăng thêm một chút.
Hiệu ứng của LS (thập niên 1990)
Sự xuất hiện của Lexus đã khiến các thương hiệu xe sang của Đức và Anh bị bất ngờ. Mercedes-Benz đã phải tiến hành thay đổi khẩn cấp cho S-Class W140 mà họ dự định ra mắt vào năm 1992. Hãng xe Đức cũng thực hiện một chiến dịch cắt giảm chi phí lớn nhằm tránh mất khách vào tay Lexus. Năm 1996, Mercedes-Benz E-Class thế hệ W210 có giá thấp hơn từ 6 - 10% so với thế hệ trước tại Mỹ trong khi giá C-Class giảm khoảng 1%.
Mercedes-Benz E-Class W210
Ở một mức độ nào đó, chiến lược "thắt lưng buộc bụng" của Mercedes-Benz đã có hiệu quả. Tuy nhiên, đây cũng là thời kỳ mà những chiếc xe của Mercedes-Benz gặp nhiều vấn đề nhất. Ví dụ, Mercedes-Benz E-Class W210 bị các lỗi như gỉ sét và trục trặc ở hệ thống điện tử.
Lexus - một ngôi sao đang lên (thập niên 1990 và 2000)
LS đời đầu đã giúp Lexus trở thành thương hiệu thành công nhất trong số ba hãng xe sang Nhật Bản xuất hiện vào cuối những năm 1980. Bằng cách nhanh chóng mở rộng dòng sản phẩm của mình với những mẫu xe như SC, Lexus đã có được chỗ đứng tại các thị trường trọng điểm trên thế giới, bao gồm cả châu Âu. Thương hiệu Acura chưa bao giờ bán xe tại châu Âu dù một số dòng sản phẩm của họ đã được sáp nhập vào Honda. Trong khi đó, Infiniti đã công bố kế hoạch rời khỏi thị trường châu Âu vào năm 2020 sau nhiều năm khó khăn.
Lexus SC
Mặc dù vậy, Mỹ luôn là thị trường lớn nhất của Lexus. Thương hiệu này đã bán ra chiếc xe thứ 1 triệu tại Mỹ vào năm 1999 và lần đầu tiên vượt qua Mercedes-Benz vào năm 2001. Các thương hiệu khác như BMW, Cadillac, Audi và Lincoln thì đã bị Lexus bỏ lại khá xa. 12 năm sau khi thành lập, Lexus đã đạt mục tiêu trở thành thương hiệu xe sang bán chạy nhất nước Mỹ. Năm 2018, Lexus bán được 298.302 xe tại Mỹ, vượt xa so với Audi, kém một chút so với BMW và kém khoảng 15% so với Mercedes-Benz.
Lexus luôn bán được nhiều xe tại Mỹ hơn tại châu Âu. Năm ngoái, họ chỉ bán được 12.405 xe tại Anh, ngang BMW nhưng thua xa so với con số 172.238 chiếc của Mercedes-Benz.
Lexus LS 2019
Năm 2017, Lexus đã ra mắt LS thế hệ thứ 5 với có vẻ ngoài khác hẳn đời đầu đồng thời được định vị như đối thủ trực tiếp của Mercedes-Benz S-Class, BMW 7-Series và Audi A8 chứ không phải lựa chọn thay thế giá rẻ cho bộ ba này.
Lexus LS 2019
Lexus LS mới không còn được trang bị động cơ V8 êm ái nữa. Thay vào đó, xe mang trên mình động cơ tăng áp kép V6 hoặc hệ thống hybrid. Tuy nhiên, ngoài cái tên, Lexus LS mới còn có rất nhiều điểm chung với thế hệ đầu.
Thế mạnh của Lexus LS đời đầu không phải là động cơ mạnh mẽ mà nằm ở cảm giác thoải mái mà xe mang lại cho cả người lái lẫn hành khách. Mặc dù có động cơ mạnh mẽ với công suất tối đa 414 mã lực cùng chế độ lái thể thao nhưng giống như "ông tổ" của mình, Lexus LS 2019 cho cảm giác tốt hơn nhiều chạy một cách từ tốn. Mẫu xe này có thể giảm tối đa tác động từ đường xấu tới hành khách và không phải là lựa chọn thích hợp cho người vội vã.
Lexus đặt giá 73.000 bảng cho LS 2019 tiêu chuẩn tại Anh. Trong khi đó, nếu tính theo tỷ giá hiện tại, Lexus LS đời đầu có giá 84.000 Bảng. Hiện Lexus vẫn là một thương hiệu xe sang phổ biến tại Mỹ. Toyota đã chứng minh rằng họ có thể tạo ra những thành tựu tuyệt vời nếu có đủ nỗ lực, tài nguyên và sự chuyên tâm, cho dù đối thủ của họ là các thương hiệu lâu năm, nổi tiếng hơn rất nhiều.
Thanh Mai