menu

Để được bán tại Mỹ, VinFast VF8 phải đáp ứng những điều kiện gì?

11:45 - 22/12/2022

Mỹ hiện là thị trường xe hơi lâu đời, khó tính và lớn thứ hai thế giới ở thời điểm hiện tại. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi những mẫu xe như VinFast VF8 phải đáp ứng nhiều điều kiện để được bán ở thị trường này.

Là thị trường xe hơi lâu đời và khó tính nên Mỹ luôn là mục tiêu mà các hãng xe trên toàn thế giới muốn chinh phục. Khi một mẫu xe được phép bán tại Mỹ, ví dụ như VinFast VF8 mới cập cảng California, cũng đồng nghĩa nó được công nhận về chất lượng, khả năng vận hành cũng như mức độ an toàn. Vậy để được bán tại Mỹ, VinFast VF8 phải đáp ứng những điều kiện gì?

Đầu tiên, phải nhắc lại rằng Mỹ không tham gia vào Hiệp định thống nhất các quy định kỹ thuật cho phương tiện có bánh xe của Liên Hợp Quốc. Các nước phát triển ô tô lớn trên thế giới như Anh, Đức, Pháp, Nhật Bản và Hàn Quốc đều tham gia Hiệp định này. Do đó, Mỹ có một số quy chuẩn riêng, áp dụng cho cả xe sản xuất nội địa lẫn xe nhập khẩu.

Tất cả các mẫu xe đều sẽ phải tuân thủ các quy định của Cơ quan An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ (NHTSA). Vì vậy, để được bán tại Mỹ, xe phải được thử nghiệm bởi NHTSA để đánh giá mức độ an toàn.


Con tàu chở 999 chiếc VinFast VF8 vừa cập bến nước Mỹ

Những tiêu chuẩn cơ bản của NHTSA

Mức độ an toàn của một chiếc xe sẽ được NHTSA đánh giá sau đó xếp hạng theo tiêu chuẩn từ 1 đến 5 sao. Mức 5 sao là tốt, 4 sao là trên trung bình, 3 sao là trung bình, 2 sao là dưới trung bình và 1 sao là kém. Về cơ bản, một chiếc xe sẽ được thị trường Mỹ chấp thuận khi đạt được chứng nhận an toàn 4 sao.

NHTSA bắt đầu thử nghiệm khả năng bảo vệ hành khách trên xe của phương tiện trong va chạm trực diện vào năm 1978. Tới năm 1996, các bài đánh giá an toàn với va chạm bên hông đã được bổ sung vào quy trình thử nghiệm. Năm 2000, NHTSA đưa vào quy định bắt buộc thử nghiệm phương tiện về khả năng chống chịu va chạm do lật xe.

Năm 2013, nhằm giúp ngăn ngừa sự cố xảy ra khi lùi xe, NHTSA đưa hệ thống camera lùi vào danh sách công nghệ được khuyến khích trang bị. Các xe sản xuất từ năm 2018 trở đi bán tại Mỹ bắt buộc phải có camera lùi. Hệ thống phanh khẩn cấp tự động cũng được NHTSA khuyến khích trang bị từ năm 2016 và năm 2022 trở thành tính năng bắt buộc.

Ngoài ra, theo quy định của NHTSA, xe bán tại Mỹ phải có đèn vàng ở hai bên hông, có thể đặt vào đèn pha hoặc bên cạnh hốc bánh trước tùy theo thiết kế thẩm mỹ của từng hãng. Đồng hồ trên xe phải có khả năng hiển thị theo hệ MPH (dặm/giờ). Xe bán tại Mỹ cũng không được phép mở tính năng xem video và phải có khả năng đọc tin nhắn thành lời khi đang di chuyển. Bên cạnh đó, còn có một số tiêu chuẩn khác về ghế ngồi đối với xe bán tại Mỹ.

Chứng nhận tuân thủ do EPA cấp

Chứng nhận Tuân thủ (Certificate of Conformity - COC) là tài liệu mà Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ (EPA) cấp cho nhà sản xuất xe để chứng nhận một mẫu xe tuân thủ các yêu cầu của EPA. 

EPA sẽ đánh giá các khía cạnh như lượng phát thải khí CO2 của phương tiện, tuổi thọ của xe… Với các mẫu xe điện, thành phần hóa học của pin, mạng lưới điện được sử dụng để sạc cũng là yếu tố được xem xét.

Giấy chứng nhận EPA COC chỉ có giá trị cho một năm sản xuất của một dòng xe. Ví dụ, VinFast VF8 2022 xuất khẩu sang Mỹ đã nhận được chứng nhận COC. Tuy nhiên, VinFast VF8 2023 sẽ phải xin lại chứng nhận COC.


Những chiếc VinFast VF8 sẵn sàng lăn bánh trên đất Mỹ phải tuân thủ rất nhiều quy định ngặt nghèo

Đáp ứng tiêu chuẩn về mức tiêu thụ nhiên liệu trung bình

Tiêu chuẩn về mức tiêu thụ trung bình (Corporate Average Fuel Economy - CAFE) tại Mỹ hiện đang ở mức 8,55 lít/100 km và mục tiêu là áp chuẩn 4,3 lít/100 km trong năm 2025. Đây là quy định được đặt ra nhằm cải thiện khả năng tiết kiệm nhiên liệu của xe hơi đồng thời giảm khí thải.

Các mẫu xe điện như VinFast VF8 dễ dàng đáp ứng CAFE vì chúng vốn không tiêu thụ xăng, dầu.

Tin được quan tâm

VinFast VF8 được cấp phép bán tại Mỹ, giá cao hơn công bố ban đầu

Đáp ứng tiêu chuẩn về an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMVST)

Bộ tiêu chuẩn an về an toàn phương tiện cơ giới liên bang (FMVST) được đưa ra từ năm 1996. Qua nhiều lần sửa đổi, FMVST vẫn duy trì 3 tiêu chuẩn an toàn chính, bao gồm:

  • Tránh va chạm
  • Khả năng chịu va chạm (mức độ hiệu quả của phương tiện trong việc bảo vệ người ngồi trong xe)
  • Khả năng sống sót sau tai nạn

Về cơ bản, FMVST yêu cầu các hãng sản xuất ô tô thông báo mọi khía cạnh của chiếc xe mà họ sản xuất ra. Đồng thời, hãng phải tuân thủ các quy tắc chính xác và khắt khe mà FMVST đặt ra như vị trí đặt cần gạt nước trên kính chắn gió, tốc độ động cơ, các thành phần buộc phải có trên ô tô…

Các quy định của tiểu bang

Bên cạnh luật và các quy định liên bang, xe hơi bán tại Mỹ còn có thể phải tuân thủ các quy định của các tiểu bang. Ví dụ, trong trường hợp của xe VinFast VF8, bên cạnh quy định liên bang, mẫu xe này còn phải tuân thủ quy định của Cơ quan Bảo vệ Môi sinh California (CARB). Quy định này có tên Executive Orders viết tắt là EO và được CARB cấp cho các phương tiện được chứng nhận đạt tiêu chuẩn khí thải cụ thể. Tiêu chuẩn của CARB cũng được chấp nhận bởi 14 bang khác và thủ đô Washington DC.

Đỗ Kỷ

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: