menu

Chưa có cabin học lái xe hợp chuẩn, đào tạo lái xe ô tô trên cả nước có nguy cơ bị tạm dừng

13:47 - 19/10/2022

Dù đã sắp đến hạn 31/12/2022 nhưng các cơ sở đào tạo lái xe vẫn chưa có đủ trang thiết bị. Có khả năng việc đào tạo lái xe sẽ phải tạm ngưng toàn bộ.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã ban hành Thông tư 04/2022/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 12/2017, cho phép lùi thời gian trang bị và sử dụng ca-bin học lái xe ô tô đến trước ngày 31/12/2022 thay vì phải áp dụng từ 1/7/2022. Tuy nhiên, sau thời gian gia hạn, các trung tâm đào tạo lái xe đến nay vẫn chưa đủ trang bị và muốn được lùi thêm thời gian triển khai.

Theo quy định, từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo phải đầu tư thiết bị ca-bin tập lái để học viên học. Học viên có tối thiểu 4 giờ thực hành các bài cơ bản như cách vận hành số xe, lên dốc, đường vuông góc, đường quanh co giống như bài sa hình thi sát hạch, làm quen với các bài về địa hình như đường đồi núi, cao tốc. Tuy nhiên, sắp đến hạn cuối là ngày 31/12/2022 của quy định mà nhiều cơ sở đào tạo vẫn chưa chuẩn bị đủ trang thiết bị.


Các trung tâm đào tạo lái xe ô tô xin lùi lại thời hạn trang bị ca-bin học lái.

Giải thích cho vấn đề này, Cục Đường bộ, các sở giao thông vận tải, hiệp hội vận tải cho biết, bởi tác động của COVID-19, các cơ sở đào tạo gặp khó khăn về tài chính, dịch bệnh ảnh hưởng đến việc sản xuất, lắp ráp thiết bị. Đến thời điểm này, chưa có đơn vị nào đủ điều kiện thực hiện thử nghiệm ca-bin học lái xe ô tô, chưa có sản phẩm được chứng nhận sự phù hợp quy chuẩn QCVN 106:2020/BGTVT để cung cấp cho các cơ sở đào tạo. 

Ngày 17/10, tại Báo cáo về lộ trình trang bị ca-bin học lái xe gửi Bộ GTVT, Cục Đường bộ Việt Nam đã bày tỏ sự thống nhất với đề xuất của Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam và các cơ sở đào tạo lái xe, đồng thời đề nghị Bộ GTVT xem xét điều chỉnh lộ trình trang bị và sử dụng ca-bin học lái xe ô tô.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam cho biết: "Việc lùi thời điểm áp dụng để các tổ chức, cá nhân nhập khẩu hoặc sản xuất, lắp ráp trong nước có đủ thời gian đưa sản phẩm đi thử nghiệm, chứng nhận hợp quy, tổ chức nhập khẩu, sản xuất ca-bin học lái xe ôtô; để các cơ sở đào tạo có đủ thời gian thực hiện các trình tự thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp ca-bin học lái xe theo đúng quy định của pháp luật và để công tác đào tạo lái xe ôtô không bị gián đoạn, phục vụ nhu cầu chính đáng của người dân trong việc học, sát hạch, cấp giấy phép lái xe".

Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo lái xe trên cả nước cũng đã có văn bản kiến nghị xin lùi thời điểm áp dụng theo quy định từ ngày 1/1/2023. Việc đào tạo lái xe có thể sẽ phải tạm ngưng trong thời gian chưa trang bị được loại ca-bin này.

Tin được quan tâm

Xe ô tô bị barie hạ trúng làm vỡ kính khi đi qua trạm ETC thì có được bảo hiểm đền bù không?

Dự kiến, mỗi bộ ca-bin tập lái có giá khoảng từ 400 - 500 triệu đồng. Để đào tạo bình quân khoảng 1.000 học viên/tháng cần trang bị khoảng 15 - 20 ca-bin, chi phí mà trung tâm đào tạo có thể chi ra lên tới 10 - 15 tỷ đồng. Đây là một con số lớn và cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho việc trang bị thiết bị hoãn chưa được thực hiện.

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: