menu

Mức xử phạt đối với xe chở hàng cồng kềnh và xe tự chế

15:14 - 11/05/2022

Xe chở hàng cồng kềnh và xe tự chế có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao. Vậy, mức xử phạt dành cho xe chở hàng cồng kềnh và xe tự chế như thế nào? Mời các bạn cùng tìm hiểu qua bài viết sau.

Trong thời gian gần đây, trên địa bàn Hà Nội đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn nguy hiểm do các phương tiện xe 3 bánh, xe tự chế chở hàng hóa cồng kềnh, không đảm bảo an toàn giao thông gây ra. Trước tình hình đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh đã chỉ đạo, yêu cầu các đơn vị trực thuộc, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện chở hàng cồng kềnh, quá tải, quá khổ vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông; xử lý nghiêm các trường hợp xe tự chế, xe giả danh thương binh, xe đứng tên thương binh nhưng cho thuê/mượn để vận tải hàng hóa.

Đồng thời, ông Chu Ngọc Anh cũng giao Sở Giao thông Vận tải chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, trật tự đô thị đối với người, phương tiện tham gia giao thông; xử lý các vi phạm thuộc thẩm quyền theo quy định pháp luật đối với xe thô sơ, xe ba bánh, xe tự chế hoạt động trên địa bàn thành phố gây mất trật tự, an toàn giao thông.

UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm đối với các phương tiện vận tải tự chế; phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các cơ sở đóng mới xe thô sơ, xe tự chế không đúng quy định.

Mức xử phạt đối với xe chở hàng cồng kềnh và xe tự chế

Ngày sáng ngày 8/5/2022, trên đường Nguyễn Trãi thuộc địa bàn phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội, đã xảy ra một vụ va chạm giữa xe buýt số 88 chạy tuyến Mỹ Đình - Xuân Mai và xe tự chế chở theo bó thép dài hơn 10 m. Cú va chạm mạnh đã khiến bó thép lao về phía trước, xuyên thủng kính lái và đầu xe của chiếc xe buýt. Khi phát hiện ra sự việc, tài xế xe buýt đã kịp thời tránh được. Rất may, không có thương vong về người trong vụ tai nạn này.

Bó thép do xe tự chế chở đâm thủng kính lái của của xe bus, rất may không có thiệt hại về người nhưng đây là một vấn nạn hết sức đáng lo tại các thành phố hiện nay.

Bó thép do xe tự chế chở đâm thủng kính lái của của xe buýt

Trước đó không lâu, cũng có vụ xe máy kéo xe lôi tự chế, chở theo nhiều thanh sắt, va chạm với 2 chiếc xe ô tô trên đường Minh Khai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Vụ việc này đã gây thiệt hại lớn về tài sản và làm mất trật tự an toàn giao thông.

Xe máy chở sắt va chạm với 2 chiếc ô tô khiến 2 chiếc ô tô bị hư hỏng nặng.

Xe máy kéo xe lôi tự chế chở sắt va chạm với 2 chiếc ô tô

Vậy xe chở hàng cồng kềnh và xe tự chế sẽ bị xử phạt như thế nào?

Mức xử phạt đối với xe tự chế

Theo Chỉ thị 46 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư liên tịch số 32 năm 2007 của Bộ Công an, Bộ GTVT, các loại xe tự chế bị cấm lưu hành từ 1/1/2008 gồm: xe công nông, xe máy kéo nhỏ phục vụ sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và xe thô sơ ba bánh, bốn bánh (trừ xe ba bánh dùng làm phương tiện của thương binh, xe tự chế cho người tàn tật, có đăng ký, biển kiểm soát...).

Căn cứ tại Khoản 3 Điều 17 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển loại xe sản xuất, lắp ráp trái quy định sẽ bị phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng. Ngoài ra, người điều khiển xe tự chế tham gia giao thông sẽ bị tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.

Trường hợp người điều khiển xe tự chế gây thiệt hại về tính mạng hoặc sức khỏe, tài sản của người khác có thể bị xử lý hình sự vì Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ theo Điều 202 Bộ luật hình sự 2015.

Mức xử phạt với xe chở cồng kềnh

Theo Điểm c, Khoản 2, Điều 8, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe đạp, xe đạp máy (kể cả xe đạp điện), người điều khiển xe thô sơ mang vác vật cồng kềnh sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng. Trong khi đó, người điều khiển xe hoặc chở người trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô, các loại xe tương tự xe gắn máy mang vác vật cồng kềnh sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng theo Điểm k, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 100. Ngoài ra, nếu gây tai nạn giao thông thì sẽ bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng (Điểm c, Khoản 10, Điều 6, Nghị định 100).

Theo Điều 24 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô tải, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô vận chuyển hàng hóa vượt trọng tải sẽ bị xử phạt như sau:

  • Tỷ lệ quá tải trên 10% đến 30%: phạt 800.000 - 1.000.000 đồng.
  • Tỷ lệ quá tải trên 30% đến 50%: phạt 3.000.000 - 5.000.000 đồng.
  • Tỷ lệ quá tải trên 50% đến 100%: phạt 5.000.000 - 7.000.000 đồng.
  • Tỷ lệ quá tải trên 100% đến 150%: phạt 7.000.000 - 8.000.000 đồng.
  • Tỷ lệ quá tải trên 150%: phạt 8.000.000 - 12.000.000 đồng
Đánh giá: