menu

Nghịch ngợm, phá hoại biển báo giao thông có thể bị phạt đến 10 năm tù

10:43 - 25/08/2022

Việc vẽ bậy, phá hoại, làm hỏng biển báo giao thông sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn giao thông. Luật pháp nghiêm cấm hành động này.

Biển báo giao thông có tác dụng thông báo, chỉ dẫn hướng đi, cảnh báo nguy hiểm cho người tham gia giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, cũng như phòng tránh các nguy cơ rủi ro tai nạn. Do đó, các hành vi tự ý tác động đến biển báo làm sai ý nghĩa của biển báo, ví dụ như vẽ bậy, chỉnh sửa, di rời,... sẽ khiến biển bị sai lệch, mất tác dụng, dẫn đến việc người tham gia giao thông không quan sát được hoặc hiểu sai. Vì vậy, luật pháp nghiêm cấm hành vi xâm phạm, phá hoại biển báo giao thông.

Điểm c Khoản 4 Điều 15 tại Nghị định 100/2019/ NĐ-CP quy định: Phạt tiền từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 6.000.000 - 10.000.000 đồng đối với tổ chức nếu tự ý tháo dỡ, di chuyển, treo, đặt, làm hư hỏng, làm sai mục đích sử dụng hoặc làm sai lệch biển báo hiệu, đèn tín hiệu giao thông, rào chắn, cọc tiêu, cột cây số, vạch kẻ đường, tường bảo vệ, lan can phòng hộ, mốc chỉ giới.

Sửa đổi, vẽ bậy, di chuyển vị trí,... biển báo giao thông sẽ bị phạt tiền lên đến 5 triệu đồng.

Sửa đổi, vẽ bậy, di chuyển vị trí,... biển báo giao thông sẽ bị phạt tiền lên đến 5 triệu đồng.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức vi phạm lỗi làm hỏng biển báo còn phải khắc phục hậu quả, buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu. Trong trường hợp vi phạm đó gây ra hậu quả về người và tài sản thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt cao nhất lên đến 10 năm.

Cụ thể, theo quy định tại Điều 261 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tháo dỡ, di chuyển trái phép, làm sai lệch, che khuất hoặc phá hủy biển báo hiệu,... gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây thì:

Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu:

- Làm chết người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm nếu:

- Tại đèo, dốc, đường cao tốc hoặc đoạn đường nguy hiểm;

- Làm chết 02 người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

- Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu:

- Làm chết 03 người trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

Cản trở giao thông đường bộ trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm.

Như vậy, hành vi phá hoại, làm hỏng biển báo giao thông sẽ bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với cá nhân, 6 - 10 triệu đồng đối với tổ chức. Bên cạnh đó, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự lên đến 10 năm tù.

Đánh giá: