Tranh cãi về nắp ca-pô tích hợp khe gió "làm màu" của Xiaomi SU7 Ultra leo thang, hơn 400 chủ xe đòi kiện hãng
12:52 - 15/05/2025
Hơn 400 chủ sở hữu xe điện SU7 Ultra được cho là đã lập ra một nhóm để kiện tập thể hãng ô tô Xiaomi. Những chủ xe tham gia nhóm này sẽ cùng nhau góp tiền để chi trả chi phí pháp lý.
Theo các đoạn trò chuyện bị rò rỉ trên mạng xã hội, mỗi người tham gia nhóm đã đóng góp 3.000 Nhân dân tệ (khoảng 10,5 triệu đồng). Dù chưa được chứng minh về độ xác thực nhưng các ảnh chụp màn hình đã phản ánh sự bất mãn ngày càng gia tăng đối với mẫu sedan điện cao cấp nhất của hãng điện thoại Xiaomi.
Tranh cãi về nắp ca-pô tích hợp khe gió "làm màu" của Xiaomi SU7 Ultra leo thang, hơn 400 chủ xe đòi kiện hãng.
Nguyên nhân của vụ lùm xùm này chính là nắp ca-pô bằng sợi carbon tùy chọn có giá 42.000 Nhân dân tệ (khoảng 147 triệu đồng) được quảng cáo là có khe gió kép nhằm cải thiện hiệu suất khí động lực học và khả năng làm mát của Xiaomi SU7 Ultra. Tuy nhiên, các cuộc điều tra do chính người dùng thực hiện lại chỉ ra điều ngược lại.
Các đoạn video ghi lại quá trình tháo rời nắp ca-pô cho thấy không có sự khác biệt về cấu trúc giữa những chiếc Xiaomi SU7 Ultra có và không có tùy chọn này. Các thử nghiệm thêm bằng máy thổi khí và giấy ăn đã chứng minh không có luồng không khí thực sự đi qua các cửa gió. Trong khi đó, ảnh nhiệt do người dùng chia sẻ cũng không chứng tỏ hiệu quả làm mát rõ rệt.
Cấu trúc bên dưới của Xiaomi SU7 Ultra được trang bị nắp ca-pô bằng sợi carbon (bên trái) không khác biệt đáng kể so với mẫu không có tùy chọn này (bên phải).
Trước làn sóng chỉ trích của người dùng, vào ngày 7/5/2025, hãng Xiaomi đã lên tiếng xin lỗi và thừa nhận mô tả sản phẩm chưa rõ ràng. Công ty đề nghị bồi thường bằng 20.000 điểm tích lũy và cho phép chủ xe chuyển sang nắp ca-pô nhôm tiêu chuẩn. Tuy nhiên, nhiều chủ xe đã từ chối lời đề nghị này, viện dẫn thời gian chờ thay thế kéo dài 30-40 tuần và cho rằng cách xử lý không xứng đáng với kỳ vọng về một linh kiện được quảng bá là “nâng cao hiệu suất”.
Ngoài ra, còn có hàng trăm chủ xe và khách hàng tiềm năng của Xiaomi SU7 Ultra đang yêu cầu hãng hoàn tiền sau khi biết thông tin khe gió kép trên nắp ca-pô của Xiaomi SU7 Ultra chỉ để trang trí và "làm màu".
Vụ kiện diễn ra trong bối cảnh mảng ô tô của Xiaomi chịu nhiều giám sát hơn. Vào ngày 10/5, CEO Lôi Quân thừa nhận những tuần qua là “giai đoạn khó khăn nhất kể từ khi thành lập Xiaomi”, đề cập đến cả những áp lực cá nhân lẫn công việc. Những phát biểu này càng khiến dư luận chú ý đến những thách thức nội bộ mà công ty đang đối mặt.
Một số chuyên gia ngành công nghiệp đã so sánh tình huống của Xiaomi với các tranh cãi tương tự liên quan đến các hãng xe điện Trung Quốc khác như Avatr. Cách đây không lâu, Avatr đã bị một blogger nổi tiếng người Trung Quốc tố cáo là thổi phồng hệ số lực cản gió của mẫu xe 12. Sau đó, Avatr đã giải quyết bằng các bài kiểm tra công khai.
Những so sánh này đã làm dấy lên lời kêu gọi Xiaomi cần xác minh tính năng của nắp ca-pô một cách độc lập. Giới pháp lý cũng nhận định nếu các bài kiểm tra bên thứ ba xác nhận cửa gió không hoạt động như quảng cáo, Xiaomi có thể bị xử phạt theo Luật Quảng cáo của Trung Quốc vì hành vi gây hiểu lầm.
Các thành viên trong nhóm kiện cho biết vấn đề không chỉ là tiền bồi thường. Một chủ xe viết: “Chúng tôi đã mua một tính năng được quảng cáo là cải thiện hiệu suất. Xiaomi hoặc phải chứng minh điều đó đúng, hoặc chịu trách nhiệm nếu không phải vậy”.
Vụ việc có thể ảnh hưởng đến kế hoạch ra mắt mẫu SUV điện YU7 sắp tới của Xiaomi, cũng như tham vọng mở rộng trong phân khúc xe điện cao cấp. Giới quan sát nhận định kết quả của tranh chấp này có thể tạo tiền lệ trong cách các hãng xe xử lý các thông điệp truyền thông liên quan đến trang bị hiệu suất cao tùy chọn.