menu

Hyundai sẽ phát triển xe bán tải điện với nền tảng khung gầm mới

12:53 - 21/06/2023

Nền tảng khung gầm Integrated Modular Architecture (IMA) mới sẽ giúp Hyundai phát triển đủ loại ô tô điện, từ SUV cỡ nhỏ, cỡ lớn đến bán tải.

Trong sự kiện CEO Investor Day, hãng Hyundai đã công bố một số chi tiết mới về kế hoạch điện hóa dòng sản phẩm của mình, cả ngắn hạn lẫn dài hạn. Theo đó, hãng xe Hàn Quốc đặt mục tiêu đẩy nhanh quá trình chuyển dịch thành "nhà cung cấp giải pháp di chuyển thông minh" bằng cách đầu tư 84,9 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Trong đó, 27,8 tỷ USD được đổ vào việc điện hóa dòng sản phẩm của Hyundai, giúp hãng bán được 2 triệu xe điện mỗi năm vào thời điểm năm 2030.


Sự kiện CEO Investor Day của hãng Hyundai

Chiến lược này được gọi là “Hyundai Motor Way” và tập trung vào ô tô điện vì công ty muốn thiết lập vị thế dẫn đầu trong phân khúc.  Sự thúc đẩy này phụ thuộc phần lớn vào nền tảng xe điện thế hệ thứ hai có tên Integrated Modular Architecture (IMA) của Hyundai. IMA sẽ thay thế nền tảng Electric-Global Modular Platform (E-GMP) hiện tại của tập đoàn Hàn Quốc đồng thời được sử dụng trên “13 mẫu xe điện chuyên dụng mới của các thương hiệu Hyundai, Kia và Genesis cho đến năm 2030".

Hyundai cho biết nền tảng IMA sẽ được cải tiến đáng kể so với E-GMP và cho phép “giảm chi phí tối đa thông qua quy mô kinh tế”. Theo giải thích của nhà sản xuất ô tô này, “hơn 80 mô-đun chung có thể được sử dụng cho các phân khúc khác nhau, bất kể loại xe, mang đến khả năng kết hợp linh hoạt. Bước đột phá này mang lại sự linh hoạt và hiệu quả cao hơn trong quá trình phát triển, mở đường cho việc tiết kiệm chi phí đáng kể”.

Nền tảng IMA sẽ rất linh hoạt và cho phép Hyundai mở rộng ra khỏi phân khúc SUV điện cỡ trung hiện tại. Đặc biệt, công ty cho biết cấu trúc khung gầm này “bao gồm gần như tất cả các loại xe, từ SUV cỡ nhỏ và cỡ lớn đến xe bán tải, cùng với các mẫu ô tô đầu bảng của thương hiệu Genesis”.


Hyundai sẽ phát triển xe bán tải điện với nền tảng khung gầm mới

Nhờ những cải tiến nói trên, Hyundai đang nhắm mục tiêu thu về lợi nhuận hơn 10% từ xe điện vào năm 2030, một phần nhờ vào việc giảm chi phí và các phiên bản có biên lợi nhuận cao.

Các loại pin mới và cải tiến

Mặc dù nền tảng rất quan trọng nhưng pin cũng đóng vai trò thiết yếu đối với xe điện. Về mặt này, Hyundai có kế hoạch cung cấp một loạt giải pháp, bao gồm pin niken-mangan-coban (NCM) và lithium-sắt-photphat (LFP) thế hệ tiếp theo, cho các mẫu xe dựa trên nền tảng IMA. Bên cạnh đó, hãng xe Hàn Quốc cũng đặt mục tiêu lần đầu tiên giới thiệu các loại pin LFP có mật độ năng lượng cao và hiệu suất nhiệt độ thấp vào khoảng năm 2025.

Hyundai cũng đề cập ngắn gọn về “công nghệ tiên tiến cho phép sạc và xả pin khi đang lái xe, sử dụng một nguồn dự phòng độc lập”. Nhà sản xuất ô tô còn nói đến một hệ thống quản lý pin dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI), có tác dụng theo dõi pin và xác định bất kỳ vấn đề an toàn tiềm ẩn nào.

Về lâu dài, công ty đang làm việc với các đối tác pin thể rắn và pin kim loại lithium. Nhữn loại pin này hứa hẹn sẽ thay đổi ngành ô tô điện trong tương lai. Trước đó không lâu, Toyota cũng đã ám chỉ về một loại pin thể rắn với phạm vi hoạt động lên tới 932 dặm (1.500 km).

Nhà máy chuyên sản xuất ô tô điện

Hyundai cho biết nhu cầu đối với xe dùng động cơ đốt trong vẫn cao, vì vậy, họ đang lắp ráp xe điện trên “dây chuyền sản xuất hỗn hợp”. Tuy nhiên, nhà sản xuất ô tô này dự đoán tỷ lệ sản xuất xe điện toàn cầu sẽ tăng từ 8% trong năm nay lên 34% vào năm 2030.

Đây sẽ là một sự thay đổi mạnh mẽ và Hyundai có kế hoạch giải quyết vấn đề này bằng cách chuyển đổi dây chuyền trong các nhà máy sản xuất xe dùng động cơ đốt trong cũng như xây dựng nhà máy ô tô điện chuyên dụng mới. Hiện nhà máy ô tô điện chuyên dụng đầu tiên của Hyundai đang được xây dựng ở bang Georgia, Mỹ, và dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào nửa cuối năm 2024. Sau khi đi vào hoạt động hoàn toàn, nhà máy sẽ có công suất 300.000 xe mỗi năm.

Hyundai cũng đang xây dựng một nhà máy xe điện chuyên dụng tại Hàn Quốc và đặt mục tiêu bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Nhà máy này sẽ sản xuất xe cho cả thị trường trong nước và quốc tế.


Hyundai sẽ có 2 nhà máy ô tô điện chuyên dụng ở Mỹ và Hàn Quốc

Hơn nữa, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc còn kỳ vọng sẽ tăng đáng kể tỷ lệ nội địa hóa, nhất là ở Mỹ. Hyundai hiện đặt mục tiêu tăng tỷ lệ nội địa hóa từ 0,7% lên 75% ở Mỹ. Trong khi đó, châu Âu sẽ chứng kiến bước nhảy vọt về tỷ lệ nội địa hóa của Hyundai, từ dưới 7% lên 54%.

Cắt giảm sản phẩm tại Trung Quốc

Bên cạnh kế hoạch tập trung vào xe điện, Hyundai còn tiết lộ sẽ ngừng sản xuất tại một nhà máy ở Trung Quốc vào cuối năm nay. Trước đó, Hyundai đã bán một nhà máy ở đất nước tỷ dân vào năm 2021 và đóng cửa nhà máy khác vào năm 2022.

Nhà máy cuối cùng của Hyundai cũng sẽ được bán và hãng sẽ cắt giảm dòng sản phẩm tại thị trường Trung Quốc xuống còn 8 mẫu xe. Hyundai có kế hoạch tập trung vào SUV, thương hiệu xe hiệu suất cao N và Genesis ở thị trường này. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn nhằm quay vòng hoạt động bằng cách cải thiện hình ảnh thương hiệu và khả năng sinh lời của công ty tại quốc gia này.

Trong một tin tức khác, nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc khẳng định không từ bỏ xe chạy bằng pin nhiên liệu hydro. Thậm chí, Hyundai còn khẳng định sẽ công bố kế hoạch “chiến lược và tầm nhìn kinh doanh xe hydro” của mình tại triển lãm CES 2024 diễn ra vào đầu năm sau.

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: