menu

Xe máy điện - mảnh đất màu mỡ của Vinfast?

15:03 - 07/11/2018

Đến năm 2025, thị trường xe máy điện toàn cầu có thể đạt ngưỡng doanh thu 22 tỷ USD, chỉ số tăng trưởng hàng năm của ngành này ở mức 7,3%.

Theo thống kê của Psmarketresearch, đến năm 2025 thị trường xe scooter điện và xe máy điện sẽ đạt ngưỡng trên 22 tỷ USD. Hãng nghiên cứu này dự đoán chỉ số tăng trưởng hàng năm (CAGR) của ngành công nghiệp sản xuất xe điện là 7,3 %.

Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc hiện là tay chơi xe điện lớn nhất, theo sau là Ấn Độ có tốc độ phát triển xe điện nhanh nhất. Trong vòng 10 năm trở lại đây, việc sống trong một đất nước ô nhiễm bậc nhất thế giới đã thay đổi tập tính sử dụng phương tiện giao thông của người dân Trung Quốc.

Họ nhận thức được tác hại của xe động cơ đốt trong vì thế nhu cầu sử dụng xe điện ngày càng gia tăng.

Thị trường rộng lớn tại Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản

Theo Forbes, Trung Quốc hiện có khoảng hơn 200 triệu xe máy điện di chuyển trên đường phố. Đây là loại phương tiện có giá thành thấp, tiêu thụ năng lượng hiệu quả và không tạo ra khí thải.

Ngành xe máy điện cũng thu lợi lớn với hơn 35 triệu chiếc được bán mỗi năm, có hơn 700 nhà sản xuất. Trong năm 2013, lượng xe điện xuất khẩu sang châu Âu trung bình 304.000 chiếc, đứng đầu thị trường châu Á.

Xe điện được cho là giải pháp giao thông hữu hiệu cho các đô thị lớn. Ảnh: cleantechasia.

Xe điện được cho là giải pháp giao thông hữu hiệu cho các đô thị lớn. Ảnh: cleantechasia.

Sự bùng nổ xe máy điện tại Trung Quốc là giải pháp cho vấn đề giao thông tồi tệ ở quốc gia này. Hàng loạt những thương hiệu xe máy điện ra đời với nhiều mẫu mã khác nhau như AIMA, Yadea, Sunra, Incalcu.

Theo sau Trung Quốc, Nhật Bản và Đài Loan lần lượt chiếm vị trí thứ 2 và 3 trong thị trường sản xuất xe máy điện châu Á. Theo Japantimes, từ năm 2008, Masayuki Hasebe, Bộ trưởng bộ Giao thông Vận tải cho rằng nên cắt giảm việc sử dụng ôtô để đảm bảo an toàn giao thông đô thị. Vì thế, xe điện phát triển mạnh mẽ tại Nhật Bản từ giai đoạn này. Trong năm 2008 và 2009, Nhật Bản bán ra khoảng 275.000 đến 335.000 chiếc ở thị trường nội địa.

Bước tiến lớn của ngành xe điện Nhật Bản là khi Yamaha sản xuất loại xe điện có pedal trợ lực (PAS). Tháng 8 vừa qua, Honda tung ra phiên bản chạy điện của mẫu Super Cub huyền thoại mang tên eCub chỉ nhắm đến thị trường nội địa.

Honda eCub ra mắt tháng 8 vừa qua.

Honda eCub ra mắt tháng 8 vừa qua.

Số lượng xe điện xuất khẩu sang châu Âu của Nhật Bản là vào khoảng 31.399 chiếc/năm.

Đài Loan tuy đến sau nhưng công nghệ sản xuất xe điện không hề kém cạnh. Theo Taiwannews, Đài Loan bước vào sân chơi xe điện vào đầu năm 2012 với trung bình 18.273 xe điện xuất khẩu sang thị trường châu Âu/năm.

Bộ Tài chính Đài Loan nhận định ngành sản xuất xe điện tại đất nước này trở thành nguồn thu ngoại tệ lớn so với các ngành công nghiệp khác. Đài Loan là nơi ra đời của nhiều thương hiệu xe điện như Giants và Merida.

Đâu là những 'ông lớn' châu Á?

Niu - hãng sản xuất được xem là "Tesla của xe máy điện" là cái tên gây chú ý nhất tại thị trường này. Hãng này đang có 330.000 người dùng tại Trung Quốc, thêm khoảng 100.000 người dùng khác trên toàn cầu.

Niu gặt hái nhiều thành công dù ra mắt thị trường được 4 năm (từ 2014).

Niu gặt hái nhiều thành công dù ra mắt thị trường được 4 năm (từ 2014).

Trong khi các nhà sản xuất xe máy điện Trung Quốc phần lớn tập trung cho các model giá rẻ, thiết kế phổ thông thì Niu định vị mình ở phân khúc cao cấp. Điểm mạnh của những chiếc scooter từ Niu là khả năng kết nối để nâng cao trải nghiệm lái.

Chẳng hạn, xe cho phép người dùng kiểm tra 17 thông số khác nhau, từ vị trí, lịch sử các chuyến đi, tình trạng xe, tình trạng nguồn theo thời gian thực. Các tính năng như chống trộm, dịch vụ sau bán hàng cũng được tích hợp trên ứng dụng.

Niu cung cấp hàng loạt các mẫu xe điện với các model có tốc độ tối đa khoảng 50 km/h để cạnh tranh với xe 50 cc và 70 km/h với thông số gần tương đương với xe 125 cc.

Họ cung cấp ra thị trường hơn 10 model thuộc các dòng N, M và U, giá dao động từ 815 USD đến 1.368 USD tại thị trường nội địa, theo trang Myniu. Trong khi đó, những chiếc xe họ bán tại châu Âu có giá rẻ nhất khoảng 2.700 USD. Những chiếc xe của Niu cũng có dung lượng pin lớn nhất so với các mẫu xe cùng kích cỡ. Chẳng hạn, mẫu M+ Pro của họ có pin dung lượng 2 Kwh.

Hãng này đang bán xe tại 27 thị trường, theo Bloomberg. Tháng 7 vừa qua, Niu công bố ý định IPO tại Mỹ, muốn thu về 300 triệu USD.

Đài Loan sở hữu một thương hiệu xe điện được nhiều người biết đến là Gogoro. Mẫu xe điện đầu tiên của họ trình làng tại CES 2015 gây được tiếng vang lớn. Gogoro ra đời năm 2011, do 2 cựu giám đốc của HTC cùng nhau phát triển nên các tính năng trên smartphone cũng được tích hợp trên xe điện.

Tháng 9 năm ngoái, Gogoro gọi vốn thành công vòng Series C với 300 triệu USD từ các nhà đầu tư lớn ở Singapore, Nhật Bản, hay Pháp, nâng tổng số vốn lên 480 triệu USD.

Gogoro cung cấp một ứng dụng hỗ trợ người lái xe chạy trên các loại điện thoại smartphone. Ứng dụng này có thể ghi nhớ nơi đỗ xe, ghi lại thói quen lái xe, hiển thị mức pin của xe và đặc biệt là khả năng tìm kiếm các trạm đổi pin GoStation để người lái xe có thể thay thế pin khi cần thiết.

Mẫu Gogoro 2 Plus được bán với giá khoảng 2.700 USD. Ảnh: Engaget China.

Mẫu Gogoro 2 Plus được bán với giá khoảng 2.700 USD. Ảnh: Engaget China.

Dòng Gogoro 2 Series của hãng được xem là ứng dụng những công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trên xe máy điện phổ thông. Chẳng hạn, chiếc Gogoro 2 tiêu chuẩn được bán với giá khoảng 2.700 USD sở hữu tầm hoạt động 150 km, tốc độ tối đa 90 km/h, tăng tốc 0-50m trong 4,5 giây.

Những chiếc xe này cũng đã được trang bị công nghệ nhận diện vân tay, thậm chí nhận diện khuôn mặt cho bản cao cấp Deluxe và là một trong số ít dòng xe hiện nay có chứng chỉ kháng nước (nhà sản xuất không công bố chuẩn bao nhiêu).

Theo công bố của hãng này, họ hiện sở hữu 1 trạm sạc GoStation trên mỗi 1,3 km đường ở Đài Loan.

Đế chế xe điện đua tại Âu - Mỹ

Theo trang cleantechasia, thị trường Âu Mỹ chủ yếu chế tạo các mẫu xe điện dành riêng cho các đường đua, nhu cầu sử dụng xe điện trong thành thị thường không cao.

Italy là nước tiên phong trong mảng sản xuất xe điện đua. Hãng Energica thành lập chính thức vào năm 2014 hướng tới mục tiêu sản xuất những chiếc môtô điện hiệu năng cao và thân thiện với môi trường.

Mẫu xe đầu tiên của hãng là chiếc Ego. Sau 3 năm, siêu môtô điện Energica Ego 2017 mới nhất đã ra mắt với nhiều cải tiến để khiến nó tiến gần hơn tới hiệu năng của một chiếc môtô chạy xăng truyền thống.

Một giải đua xe dành riêng cho xe điện sẽ được tổ chức vào năm 2019. Ảnh: CNBC.

Một giải đua xe dành riêng cho xe điện sẽ được tổ chức vào năm 2019. Ảnh: CNBC.

Xe sở hữu mô-tơ điện AC làm mát bằng dầu với công suất 145 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 200 Nm. Tốc độ tối đa mà Energica Ego có thể đạt được là 241 km/h cùng khả năng thay đổi từ 0 lên 100 km/h trong vòng 3 giây. Thành công của chiếc xe điện này mở ra một giải đua xe điện vào năm 2009.

Đầu năm 2017, hãng xe điện nổi tiếng tại Áo KTM cho ra mắt mẫu KTM Freeride E-XC. Xe có gắn với động cơ điện 260V cho công suất lớn 21,5 mã lực và mô-men xoắn cực đại 42 Nm.

Cùng với thỏi pin lithium-ion 2,6 kW, động cơ của xe còn có thể đạt được sức mạnh và mô-men xoắn đạt được ngay từ 0 vòng/phút, trong khi các động cơ xăng cần phải đạt tới vòng quay nhất định thì mới cho công suất đầu ra như vậy.

Xe có thể sạc đầy chỉ trong vòng 80 phút. E-XC có ba chế độ lái là tiết kiệm, tiêu chuẩn và tiên tiến cung cấp các mức công suất và mô-men xoắn khác nhau theo phong cách lái tùy thích của lái xe.

Tại Mỹ, dòng xe LiveWire của hãng Harley-Davidson mở đầu cho kỷ nguyên xe điện ở khu vực này. Sau 4 năm phát triển, LiveWire ra đời nhân dịp kỷ niệm 115 năm thành lập hãng môtô Harley-Davidson nổi tiếng.

Hãng môtô Mỹ đặt khá nhiều kỳ vọng vào dòng sản phẩm sử dụng nhiên liệu sạch này nhưng vẫn bị hoài nghi về tính thực tế của nó. Sự hoài nghi đó hoàn toàn có cơ sở khi Harley-Davidson nổi tiếng nhờ thiết kế phong trần đi cùng tiếng động cơ đặc trưng, thứ mà động cơ điện sẽ không thể mang lại.

Theo ông Paul James, Giám đốc bộ phận Quản lý Kế hoạch của Harley-Davidson, thời điểm LiveWire ra mắt là khoảnh khắc vô cùng quan trọng đối với Harley-Davidson vì đây là thành quả cho hơn 4 năm nỗ lực làm việc của toàn đội ngũ kỹ sư.

Xe điện Việt Nam ở đâu trên bản đồ thế giới?

So với các nước khu vực như Trung Quốc, Đài Loan hay Nhật Bản, xe điện ở Việt Nam xuất hiện muộn hơn. Giai đoạn 2010, đa phần những chiếc xe điện (xe đạp, xe máy điện) xuất hiện tại Việt Nam đều đến từ Trung Quốc, mẫu mã đa dạng nhưng thương hiệu không nổi bật.

Thời điểm 2012, thương hiệu HKBike ra đời phần nào gây được chú ý bởi tham vọng trở thành một hãng xe điện lớn, của người Việt. Thương hiệu này sau đó đổi tên thành Pega (cuối 2016) và tung ra khá nhiều mẫu xe điện đẹp mắt, quảng bá rầm rộ.

Vinfast có những nỗ lực nghiêm túc nhưng mẫu xe máy điện đầu tiên của hãng chưa quá ấn tượng nếu so với các đối thủ quốc tế.

Vinfast có những nỗ lực nghiêm túc nhưng mẫu xe máy điện đầu tiên của hãng chưa quá ấn tượng nếu so với các đối thủ quốc tế.

Tuy nhiên, một số rắc rối liên quan đến nội bộ khiến thương hiệu này bị xáo trộn nhiều kế hoạch trong năm 2018. Mẫu xe điện hoàn thiện nhất của họ là Aura có kiểu dáng đẹp, nhiều công nghệ như khoá chống trộm, hành trình 100 km cho một lần sạc, tốc độ tối đa 50 km/h và đồng hồ điện tử.

Mới đây, thương hiệu nhiều tham vọng Vinfast của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho ra mắt mẫu xe máy điện mang tên Klara, đồng thời khánh thành nhà máy diện tích 6,4 ha với công suất 250.000 xe/năm (có thể lên đến 1 triệu xe), công bố các kế hoạch phủ vài chục nghìn trạm sạc, cho thuê pin để hoàn thiện hệ sinh thái xe điện của mình.

Klara cũng sở hữu nhiều công nghệ mới như kết nối 3G, GPS, nhưng lại có phiên bản sử dụng ắc quy axit-chì, vốn được xem không thân thiện với môi trường.

Lô hàng đầu tiên của sản phẩm này được bán với giá lần lượt 21 và 35 triệu đồng cho bản tiêu chuẩn và bản dùng pin Lithium-ion nhưng chỉ ở giai đoạn ban đầu, khi hãng chấp nhận bù lỗ. Sau đó, giá xe có thể tăng lên lần lượt 34 và 57 triệu đồng. Khi đó, giá bán sẽ là rào cản lớn để các mẫu xe này tiếp cận người tiêu dùng.

Chưa có đối thủ cạnh tranh thực sự khi các ông lớn xe máy vẫn dè dặt trong việc đưa xe máy điện về Việt Nam, đây rõ ràng là thị trường màu mỡ đối với Vinfast.

Nên biết, số lượng xe máy lưu thông trên đường trong năm 2016 là 52 triệu chiếc, theo thống kê của Cục An toàn Giao thông quốc gia. Chỉ cần 1/10 số xe này được thay thế bằng xe điện trong 5 năm tới, các hãng xe điện đã có thể bán cỡ 1 triệu chiếc/năm.

Có thể sau khi Vinfast khai phá thị trường các ông lớn khác cũng nhảy vào, nhưng nếu không thay đổi được thói quen người Việt, đó cũng có thể là kết cục thảm thương như nhiều giấc mơ làm xe máy Việt trước đây.

Theo Anh Thi - Zing.vn

Đánh giá: