menu

Hé lộ nguyên do khiến ô tô bốc cháy bất ngờ, tài xế nào cũng cần biết để phòng tránh

11:30 - 18/05/2023

Tưởng hi hữu nhưng ô tô bỗng dưng bốc cháy lại xảy ra khá nhiều trong khoảng thời gian gần đây. Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng này? Hãy cùng tìm hiểu với Tinxe.

Sáng 17/5, một chiếc ô tô BMW mang biển số 29A-781.XX do anh H.T.T (47 tuổi, trú Q.Đống Đa) điều khiển, đi theo hướng Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, khi tới trước số nhà 18 Huỳnh Thúc Kháng thì bất ngờ bốc cháy. Vụ cháy không gây thiệt hại về người, còn xe ô tô thì bị cháy một phần. Sau khoảng 30 phút xảy ra hỏa hoạn, ngọn lửa đã được dập tắt. Nguyên nhân ban đầu dẫn đến vụ hỏa hoạn được xác định là do chập điện.

Có thể thấy vào mùa hè, khi thời tiết trở nên nắng nóng đỉnh điểm ở mọi miền tổ quốc, cũng là thời điểm nhiều vụ cháy xe đáng tiếc xảy ra, với nhiều nguyên nhân khác nhau mà chủ xe cũng không ngờ tới. Do đó, việc cảnh giác với tất cả các yếu tố có khả năng gây hỏa hoạn, đồng thời thường xuyên kiểm tra tình trạng xe là điều mỗi tài xế nên làm, đặc biệt vào thời tiết nắng nóng. Sau đây là những nguyên nhân phổ biến có thể gây nên cháy xe mà tài xế nên nắm rõ để đề phòng rủi ro. 

Video quay lại cảnh chiếc xe khách bị cháy rụi trên đường đại lộ Thăng Long (nguồn: Linh Nguyễn)

Nhiên liệu bị rò rỉ

Xăng/dầu bị rò rỉ là một trong những nguyên nhân dễ dẫn đến cháy nổ ô tô nhất. Xăng bị rò rỉ và chảy lên nhựa nóng hoặc kim loại sẽ dễ bốc cháy. Trong khi đó, xe sử dụng lâu thì các đầu nối có thể bị hở hay ống dẫn bị hao mòn, dễ khiến xăng bị rò rỉ ra ngoài. Nhiên liệu theo các khe hở chảy ra, bám vào thành động cơ và lan khắp khoang máy. Động cơ quá nóng do vận hành lâu hoặc vô tình có tia lửa điện bởi các dây điện chập cháy, sẽ gây ra hỏa hoạn. Chủ xe nên thường xuyên kiểm tra những vị trí này, nhằm phòng ngừa tối đa nguy cơ cháy nổ.

Hở dây điện, các thiết bị không đạt chuẩn

Nếu hệ thống dây điện bị hỏng thì chỉ cần 1 tia lửa điện cũng đủ làm xe "phát hỏa". Hệ thống dây điện được bố trí khắp xe, từ động cơ đến bảng đồng hồ nên nếu có chi tiết nào bị đứt, hở, chạm mạch thì đều có thể dẫn đến cháy nổ.

Ngoài ra, việc lắp thêm đèn cao áp, còi,... có dây dẫn kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn cũng sẽ dẫn đến sự cố cháy nổ.

Hệ thống ống thải quá tải

Được thiết kế nằm theo chiều dài của xe, hệ thống ống thải nếu hoạt động quá tải sẽ bị nóng trên mức cho phép. Điều này không khác gì mồi châm lửa cho ô tô.

Chỉ số cho phép của bộ chuyển đổi khí thải mỗi xe trung bình là 679 - 872 độ C. Nếu bạn chạy xe thường xuyên mà không vệ sinh sẽ khiến động cơ hoạt động nhiều hơn. Bộ khí thải lúc đó có thể tăng lên 1.093 độ C, quá chỉ số cho phép và dễ gây cháy xe. 

Chiếc xe khách bị cháy rụi trên đại lộ Thăng Long.

Chiếc xe khách bị thiêu rụi trên đại lộ Thăng Long.

Chất lỏng bị rò rỉ

Ngoài xăng/dầu, ô tô còn sử dụng nhiều chất lỏng khác, ví dụ như nước làm mát động cơ, dầu hộp số, dầu bôi trơn động cơ, dầu phanh,... Khi các chất lỏng này rò rỉ và gặp tia đánh lửa thì dù ở nhiệt độ thấp cũng có thể dẫn đến việc cháy nổ.

Bên cạnh đó, các chất lỏng này lưu chuyển khi ô tô vận hành, chúng có thể bắt cháy nếu bình chứa bị vỡ hoặc ống dẫn bị nứt.

Chất lượng nhiên liệu kém

Chất lượng của nhiên liệu có ảnh hưởng lớn đến khả năng vận hành của động cơ. Nếu xăng/dầu chất lượng kém, chẳng may chứa chất độc hại nào đó sẽ khiến quá trình ăn mòn kim loại diễn ra nhanh hơn, làm hỏng các gioăng, ống cao su, thậm chí còn gây cháy xe. 

Xe khách bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình

Lại một chiếc xe khách khác bốc cháy ngùn ngụt trên cao tốc Hà Nội - Ninh Bình.

Động cơ quá nóng

Động cơ quá nóng chưa thể gây cháy xe, nhưng nếu chúng làm cho các vòng đệm bằng cao su hoặc nhựa dẻo xung quanh bị hỏng, bị chảy, sẽ khiến chất lỏng như dầu động hộp số, nhiên liệu, nước làm mát,... có thể bị rò rỉ. Khi các chất lỏng này rơi ra thì hoàn toàn có khả năng gây cháy nổ như đã đề cập ở trên.

Nếu thấy động cơ quá nóng, bạn nên dừng xe, tắt máy. Nguyên nhân khiến động cơ quá nóng có thể do hết nước làm mát, két nước bị đóng cặn, máy bơm nước bị hỏng, bộ tản nhiệt có vấn đề,... 

Để các chất dễ cháy nổ trên xe

Nhiều người để bình ga, nước hoa, bật lửa, những thứ dễ gây cháy nổ khác trên xe cho chuyến đi chơi, đi du lịch, chơi thể thao hoặc theo thói quen. Tuy nhiên, đây đều là những thứ dễ nổ, đặc biệt là trong thời tiết mùa hè nắng nóng cao điểm.

Chủ xe nên bảo quản những đồ vật như nước hoa một cách cẩn thận, để trong hộp kín hoặc cách nhiệt. Hạn chế mang bình ga và những thứ dễ cháy trên ô tô vào lúc nhiệt độ tăng cao như mùa hè.

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng gay gắt càng khiến ô tô dễ bốc cháy hơn.

Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng gay gắt càng khiến ô tô dễ bốc cháy hơn.

Va chạm giao thông

Va chạm giao thông, đâm đụng với xe khác có thể khiến nhiên liệu bị rò rỉ ra ngoài. Nếu gặp tia lửa điện hoặc nhiệt độ cao sẽ có thể gây cháy. Do vậy, nếu bị tai nạn, hãy cố gắng thoát ra ngoài và tránh xa chiếc xe trong khoảng cách an toàn.

Rơm rạ mắc vào gầm xe

Vào mùa gặt lúa, rất nhiều nhà phơi rơm rạ ra ngoài đường, ô tô đi qua và bị những sợi rơm này mắc vào gầm xe. Khi tiếp xúc với ống xả đang nóng, chúng có thể bốc cháy, gây ra hỏa hoạn. Thực tế đã có nhiều trường hợp ô tô bị cháy sau khi đi qua chỗ phơi rơm nên các tài xế không nên chủ quan.

Để đảm bảo chắc chắn, trước lúc khởi hành hoặc sau khi đi qua chỗ phơi rơm, hãy kiểm tra xe và loại bỏ những vật dễ cháy có thể bám ở gầm xe, ống xả như rơm rạ, thậm chí là cả cành cây khô.

Rơm rạ mắc vào gầm ô tô cũng là nguyên nhân gây hỏa hoạn rất cao.

Rơm rạ mắc vào gầm ô tô cũng là nguyên nhân thường xuyên gây hỏa hoạn

Lỗi từ nhà sản xuất

Nhiều trường hợp nhà sản xuất đã phải triệu hồi sản phẩm của mình vì các lỗi gây mất an toàn, gây cháy nổ. Nguyên nhân có thể đến từ ốc siết chưa chặt, ống dẫn bị hở,... khiến các loại chất lỏng bị rò rỉ ra ngoài và gây ra hậu quả khôn lường.

Lưu ý:

  • Không đỗ xe ở gần chỗ đốt rơm rạ, rác,... tránh xa những đống lửa để phòng trường hợp bị bén vào làm cháy xe.
  • Không gắn thêm các thiết bị trên xe, tránh gây quá tải điện, ảnh hưởng đến hệ thống điện của cả xe.
  • Không hút thuốc lá và vứt tàn thuốc ở gần xe. Đặc biệt chú ý đến vệt nước lạ dưới gầm xe, đó có thể là rò rỉ nhiên liệu hoặc chất lỏng nào đó.
  • Lau sạch nắp bình xăng và khu vực xung quanh để xăng không bị đọng lại, giảm thiểu nguy cơ bắt lửa.
  • Bảo dưỡng định kỳ sẽ giúp sớm phát hiện những rủi ro và nguy hiểm có thể xảy ra, chẳng hạn như việc rò rỉ nhiên liệu ở các đầu nối, một số con ốc chưa được siết chặt,...
Đánh giá: