Vén màn Toyota Hilux phiên bản chạy bằng pin nhiên liệu hydro, sản xuất đại trà vào năm sau
13:20 - 04/12/2022
Trong khi các hãng khác đều đang dồn hết sức mình vào ô tô điện thì Toyota vẫn chưa chịu từ bỏ xe chạy bằng nhiên liệu hydro (FCEV). Việc hãng Toyota đang phát triển mẫu xe bán tải chạy bằng nhiên liệu hydro dựa trên Hilux đã cho thấy điều đó.
Được gọi bằng cái tên Toyota Hilux H2, mẫu xe này hiện mới chỉ dừng ở mức xe concept. Tuy nhiên, xe sẽ được lên dây chuyền sản xuất thương mại vào năm 2023 với chi phí do chính phủ Anh tài trợ.
Vén màn Toyota Hilux phiên bản chạy bằng pin nhiên liệu hydro, sản xuất đại trà vào năm sau
Dự án này do Trung tâm Truyền động Nâng cao (APC) thực hiện dưới sự chỉ đạo của chính phủ Anh nhằm phát triển xe không khí thải tại xứ sở sương mù. Chính phủ Anh sẽ trả số tiền 11,3 triệu Bảng (khoảng 13,86 triệu USD) cho chi phí nghiên cứu và phát triển giai đoạn sau cũng như đưa sản phẩm từ bản vẽ sang giai đoạn xe nguyên mẫu.
Để phát triển Hilux H2, các kỹ sư của hãng Toyota sử dụng xe bán tải Hilux làm gốc. Sau đó, đội ngũ này sẽ tháo bỏ động cơ diesel và hệ truyền động của xe, thay thế bằng hệ thống sạch hơn nhiều. Cụ thể hơn, xe sẽ dùng hệ truyền động FCEV thế hệ thứ hai của Toyota Mirai.
Toyota Hilux H2 dùng hệ truyền động FCEV của Mirai
Hệ truyền động FCEV thế hệ thứ hai của Toyota bao gồm pin nhiên liệu, mô-tơ điện và bình hydro, biến Hilux thành mẫu xe bán tải không phát thải khí. Điều thú vị là hãng Toyota đã chọn hệ truyền động này sau khi thí nghiệm động cơ xăng 3 xi-lanh, chạy bằng hydro trên Yaris và Corolla.
Hiện hãng Toyota chưa công bố thông số kỹ thuật cụ thể của Hilux H2. Trong khi đó, hệ truyền động FCEV của Toyota Mirai tạo ra công suất tối đa 182 mã lực và mô-men xoắn cực đại 300 Nm đồng thời chỉ thải nước ra khỏi ống xả. Ở phiên bản dùng động cơ diesel tăng áp, dung tích 2.8L thông thường, Toyota Hilux sở hữu công suất tối đa 201 mã lực và mô-men xoắn cực đại 500 Nm.
Dự kiến, Toyota Hilux phiên bản FCEV cũng sẽ được trang bị hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian AWD thay vì dẫn động cầu sau RWD như Mirai. Với 3 bình nhiên liệu hydro, Toyota Mirai có thể chạy được quãng đường 647 km. Tuy nhiên, Toyota Hilux H2 có hệ số lực cản không khí và trọng lượng lớn hơn Mirai nên quãng đường di chuyển nhiều khả năng sẽ thấp hơn.
Toyota Hilux H2 dự kiến sẽ không chạy được dài như Mirai Xe chạy bằng nhiên liệu hydro (FCV) là gì? Ưu, nhược điểm của loại xe này
Để phát triển Hilux H2, nhà máy Toyota Motor Manufacturing ở Anh đã kết hợp với các công ty khác như Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển của Toyota châu Âu, Ricardo, ETL, D2H hay Thatcham Research. Trong đó, Ricardo hỗ trợ quá trình tích hợp các bộ phận pin nhiên liệu vào khung gầm hình thang của Toyota Hilux. ETL lại hỗ trợ các giải pháp kiểm soát nhiệt. D2H có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ kỹ thuật về mảng nhiệt động lực học. Cuối cùng là Thatcham Research hỗ trợ mảng đánh giá an toàn và bảo hiểm.
Toyota Hilux H2 sẽ được lắp ráp tại nhà máy ở Burnaston, Anh, vào năm 2023. Theo Toyota, mục tiêu ban đầu là sản xuất xe với số lượng thấp và nghiên cứu những ứng dụng khác của công nghệ pin nhiên liệu hydro trong phân khúc ô tô con, hỗ trợ tiến tới tương lai trung hòa carbon.
Toyota Hilux thế hệ hiện tại đã ra mắt từ năm 2015 với 2 phiên bản nâng cấp facelift trình làng vào năm 2017 và 2020. Thế hệ tiếp theo của mẫu xe bán tải này dự kiến sẽ được "điện hóa". Trong khi đó, phiên bản FCEV của Toyota Hilux được dự đoán chỉ có sản lượng thấp vì mạng lưới trạm nạp nhiên liệu hydro còn giới hạn.