Bộ Tài chính đề xuất giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ 15/11 tới đây
18:09 - 27/10/2021
Thực hiện theo yêu cầu trước đó của Chính phủ, mới đây Bộ Tài chính đã trình lên dự án Nghị định của Chính phủ về mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Đầu tiên, Bộ Tài chính chỉ rõ tác dụng tích cực của việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản, xuất lắp ráp trong nước trong đợt 28/6 – 31/12/2020 (Nghị định 70/2020/NĐ-CP) đối với người tiêu dùng, nhà sản xuất, kinh tế - xã hội cũng như ngân sách Nhà nước trong thời điểm gặp ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
Tác dụng của việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Cụ thể, trong 6 tháng cuối năm 2020 (thời gian thực hiện giảm 50% mức thu LPTB), lượng ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đăng ký trước bạ lần đầu là 209.584 xe, tăng gấp đôi 6 tháng đầu năm 2020 (khi chưa thực hiện giảm 50% mức thu LPTB). Cùng với đó, việc điều chỉnh giảm LPTB giúp nhà sản xuất tiêu thụ được lượng xe tồn kho kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, giúp sản lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước tăng đều qua các tháng trong giai đoạn áp dụng mức giảm 50% LPTB. Đặc biệt ở 2 tháng cuối năm 2020, số lượng xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước bán ra ở tháng 11 tăng mạnh 14,7% so với tháng 10 trước đó còn tháng 12 tăng tới 25% so với tháng 11/2020, theo thống kê của Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA.
Đối với kinh tế - xã hội, Bộ Tài chính cho hay việc giảm 50% LPTB đã tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước. Từ đó góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và đảm bảo an sinh xã hội. Cuối cùng, việc giảm 50% LPTB tuy giảm thu ngân sách Nhà nước tới 7.314 tỷ đồng nhưng số thu LPTB 6 tháng cuối năm 2020 của các địa phương trên cả nước vẫn tăng hơn 1.600 tỷ đồng so với 6 tháng đầu năm 2020 nhờ số lượng xe o tô bán ra tăng gấp 2 lần.
Việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đem lại nhiều tác động tích cực giúp các doanh nghiệp tháo gỡ được khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.
Trong năm nay, tình hình dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp hơn năm ngoái, khiến nhiều tỉnh thành phải thực hiện lệnh giãn cách xã hội. Do đó, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp trong nước trước ảnh hưởng từ dịch bệnh, Bộ Tài chính đánh giá việc giảm thu LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước là cần thiết và phù hợp.
Thời gian áp dụng mức giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước
Bộ Tài chính dự kiến thời gian thực hiện chính sách và hiệu lực thi hành việc giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước từ ngày 15/11/2021 cho đến hết ngày 15/5/2022. Trong trường hợp Nghị định được Chính phủ ký ban hành sau ngày 15/11/2021, Bộ Tài chính kiến nghị thời gian thực hiện và hiệu lực thi hành của Nghị định bắt đầu từ ngày 1/12/2021 và kết thúc vào ngày 31/5/2022.
Bộ Tài chính khẳng định việc giảm 50% LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ đem lại những tác động tích cực như đợt áp dụng năm ngoái: kích cầu tiêu dùng; thúc đầy doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nối lại chuỗi cung ứng, tăng cường mở rộng đầu tư sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam và tăng tổng thu ngân sách Nhà nước.
Bù lại, việc giảm 50% LPTB đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cũng sẽ để lại tác động tiêu cực theo đánh giá của Bộ Tài chính, cụ thể, Bộ chỉ ra rằng việc một lần nữa áp dụng mức giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước “có khả năng chưa tuân thủ hoàn toàn quy định tại Hiệp định GATT của WTO và Việt Nam sẽ tiếp tục nhận được yêu cầu giải thích từ một số quốc gia không có hoạt động sản xuất, lắp ráp trong nước tại Việt Nam (như ý kiến từ Đại sứ quán một số nước, Eurocharm và Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam trong năm 2020)”.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho hay việc giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước chỉ kéo dài trong vòng 6 tháng và được xem là biện pháp hỗ trợ ngắn hạn nhằm tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trước những tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Bên cạnh đó, các hãng sản xuất, lắp ráp ô tô lớn của nhiều quốc gia trên thế giới hầu hết đã có nhà máy sản xuất, lắp ráp tại Việt Nam, thậm chí là có công suất khá lớn (ví dụ như Toyota, Mazda, Hyundai, Kia,…). Đồng thời các chính sách ưu đãi nội địa khuyến khích cho hoạt động sản xuất, lắp ráp của Việt Nam cũng sẽ có lợi cho các hãng xe lớn trên thế giới.
Do đó, biện pháp giảm 50% LPTB đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước không chỉ mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô nội địa mà còn cả các doanh nghiệp nước ngoài đã có nhà máy tại Việt Nam.
Bộ Tài chính cũng chỉ ra rằng: “Do được hưởng lợi từ chính sách, một vài doanh nghiệp nước ngoài trong thời gian qua đã và đang có kế hoạch đẩy mạnh hoạt động lắp ráp, mở rộng dây chuyền sản xuất tại Việt Nam để cung ứng cho thị trường”.