menu

Xung đột tại Ukraine có thể khiến ngành ô tô phải đối mặt với làn sóng thiếu chip bán dẫn thứ hai

13:36 - 08/03/2022

Cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ khiến 2022 tiếp tục là một năm đầy khó khăn và thử thách của ngành công nghiệp ô tô thế giới.

Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine hiện là sự kiện được quan tâm nhất thế giới hiện nay. Cuộc xung đột này không chỉ ảnh hưởng đến người dân tại hai nước Nga và Ukraine mà còn tác động lên nền kinh tế thế giới. Khủng hoảng Ukraine hiện khiến giá xăng dầu và giá gas tăng cao tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, cuộc xung đột tại Ukraine có thể còn tạo ra làn sóng thiếu chip bán dẫn thứ hai. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng chip bán dẫn toàn cầu diễn ra từ đầu năm ngoái còn chưa kết thúc.


Xung đột tại Ukraine có thể khiến ngành ô tô phải đối mặt với làn sóng thiếu chip bán dẫn thứ hai

Theo trang tin Automotive News, Ukraine hiện là quốc gia sản xuất khoảng 70% lượng khí neon toàn cầu. Đây là loại khí hiếm đóng vai trò quan trọng để chạy máy phát tia laser vốn rất cần thiết cho việc sản xuất chip bán dẫn. Trên thực tế, phần lớn các nhà sản xuất chip của Mỹ đều dựa vào khí neon do Nga và Ukraine cung cấp.

"Tất nhiên, các công ty sẽ tìm nguồn thay thế cho khí neon nhanh nhất có thể nhưng đây không phải là việc chỉ cần bật công tắc là xong", bà Carla Bailo, CEO của Trung tâm Nghiên cứu Ô tô, nói với phóng viên trang Automotive News. "Cuối cùng thì nếu không có chip bán dẫn, chúng ta sẽ quay trở lại tình trạng của năm ngoái".

Theo dự đoán của các chuyên gia, sẽ không thể thấy được ngay tác động của cuộc khủng hoảng Ukraine lên ngành sản xuất chip bán dẫn. Nguyên nhân là do các nhà sản xuất chip đã chuẩn bị cho vấn đề này và tích trữ neon đủ dùng cho nhiều tháng. Tuy nhiên, nếu cuộc chiến giữa Nga - Ukraine kéo dài, các công ty cuối cùng cũng sẽ hết lượng khí neon dự trữ và làn sóng thiếu chip bán dẫn thứ hai có thể bắt đầu.

Ngay cả nếu cuộc chiến kết thúc thì vẫn nảy sinh những vấn đề phức tạp vì quá trình sản xuất khí neon của Ukraine phụ thuộc vào Nga. Được biết, khí neon của Ukraine là sản phẩm phụ từ quá trình sản xuất thép tại Nga. Nếu lịch sử lặp lại thì giá khí neon cũng sẽ leo thang trong thời gian tới. Trước đó, vào năm 2014, sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga, giá khí neon đã tăng đến 600%.

Ngoài neon, Nga còn là quốc gia sản xuất Paladi quan trọng trên thế giới. Thậm chí, Nga hiện đang cung cấp 1/3 lượng Paladi cho toàn cầu. Đây là kim loại hiếm đóng vai trò không thể thiếu trong bộ lọc khí thải ô tô. Bên cạnh đó, cuộc xung đột tại Ukraine dự kiến còn ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nhôm, niken và gang thỏi cho thế giới.

Hiện nay, một số nhà máy ô tô tại châu Âu đã phải ngừng hoạt động vì ảnh hưởng của cuộc chiến ở Ukraine. Ví dụ như hàng loạt nhà máy của BMW ở Đức, Áo và Anh đã phải tạm ngừng hoạt động vì thiếu đầu nối dây điện do nhà máy tại Ukraine cung cấp. Trong khi đó, Porsche phải đóng của nhà máy ở Leipzig, Đức, nơi sản xuất Panamera và Macan, từ hôm 2/3. Riêng Audi phải tạm ngừng nhận đơn đặt mua dành cho các mẫu xe plug-in hybrid của hãng từ ngày 10/3 vì gặp vấn đề với nguồn cung sau khủng hoảng Ukraine.


Porsche phải tạm thời đóng cửa nhà máy sản xuất Panamera và Macan vì khủng hoảng tại Ukraine

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: