menu

Trò chuyện với người rửa xe 13 năm tại Hà Nội vào những ngày cận Tết

Hiển Xăm 10:30 - 12/02/2018

Nhiều người cho rằng rửa xe là một nghề nhàn hạ và dễ kiếm ra tiền - đặc biệt là vào những ngày Tết. Thế nhưng thực tế không phải vậy, nghề chọn người chứ người không chọn nghề.

Rửa xe - một nghề mà mới nhìn thì khá đơn giản khi chỉ cần một vòi nước, vài chiếc khăn, một xô bọt là ai cũng có thể hành nghề mà chẳng cần phải qua trường lớp đào tạo hay bằng cấp gì. Thế nhưng nếu tiếp xúc với những người đã làm lâu năm trong lĩnh vực rửa  ô tô, xe máy thì mới hiểu được rằng "làm nghề nào ăn nghề đó" và không phải đơn giản người chọn nghề mà chính nghề sẽ chọn người.

Chẳng ai biết từ khi nào con phố Nguyễn Gia Thiều tại Hà Nội trở thành phố rửa xe có tiếng khi mà cứ mỗi ngày tại đây đón tiếp cả trăm lượt rửa xe và còn nhiều hơn vào những dịp lễ tết hoặc sau mỗi đợt mưa, bão. Chỉ biết rằng, khi nhắc đến rửa xe thì mọi người thường kháo nhau ra Nguyễn Gia Thiều và không ít lần người mê xe bắt gặp cả những chiếc siêu xe, xe siêu sang như Ferrari, Lamborghini, Rolls-Royce đến con phố nhỏ yên tĩnh này để tắm rửa, làm sạch.


Anh Phương - chủ cửa hàng rửa xe trên phố Nguyễn Gia Thiều - với thâm niên 13 năm làm nghề rửa xe.

Gặp gỡ anh Phương, một người thợ rửa xe có thâm niên lên tới 13 năm trên con phố Nguyễn Gia Thiều để nói chuyện thì mới thấm thía được hết mặt trái của nghề rửa xe này. Rửa xe - đặc biệt là rửa xe ô tô - không chỉ đơn giản là cầm vòi nước xịt, phun bọt và lau là xong. Theo lời anh Phương thì rửa xe không khác gì lao động nặng khi phải vận động toàn thân từ bê vác dọn dẹp, cho đến cả những động tác như lau xe hay leo trèo lên để với tay lau nóc xe cũng yêu cầu thể lực tốt. Và không ít những người trẻ từ quê lên phố làm rửa xe đã không trụ được với nghề chỉ vì những động tác lao động rất tiêu hao sức bền của nghề rửa xe.

Cái vất vả của nghề rửa xe là thế nhưng lại còn nhân lên gấp nhiều lần vào mùa đông giá rét khi mà miền Bắc có lúc nhiệt độ xuống dưới cả 9 độ C thì ngâm tay vào nước để lau rửa xe thực sự là một điều khủng khiếp ngay với cả người đã có thâm niên rửa xe 13 năm nay như anh Phương. Và đây cũng là điều khiến nếu không thực sự có duyên với nghề rửa xe thì nhiều người không thể bám trụ được.

Đó là còn chưa kể việc phải dậy sớm từ 5h30 vào những ngày đông gió lạnh để chuẩn bị mở hàng đón những chiếc xe đầu tiên đến rửa sớm từ 6h sáng, và công việc chỉ dừng lại vào khoảng 18h tối. Nhưng nếu còn khách thì anh Phương và anh em thợ vẫn cố gắng rửa nốt cho xong.


Ngày nắng nóng cũng như ngày gió rét, thợ rửa xe luôn phải làm việc trong điều kiện không lấy gì làm sung sướng.

Bên cạnh các áp lực công việc về thời tiết, sự độc hại của nghề rửa xe là có thật chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ. Việc ngâm tay chân trong nước cả ngày cùng với việc liên tục tiếp xúc với các loại hoá chất như bọt rửa xe, xịt bóng sơn, xịt bóng lốp,... cũng đủ khiến những người lao động trong nghề rửa xe phải mắc những bệnh ngoài da như nấm móng tay, viêm da,... và mỗi lần bị thì lại phải chịu đau, tốn tiền mua thuốc, nghỉ dưỡng bệnh. Theo lời anh Phương thì khi vào mùa đông khách thì dù tay bị viêm da, nấm kẽ móng cũng cố cắn răng mà làm cho kịp việc.


Viêm da, nấm móng tay,...là những bệnh thường gặp với những người làm nghề rửa xe.

Với công việc rửa xe, đòi hỏi sử dụng găng tay có lẽ là hơi xa xỉ với anh Phương. Anh cho biết chiếc găng tay cao su chống nước để bảo hộ cho anh em thì không đắt nhưng độ bền sử dụng lại luôn là vấn đề. Với cường độ làm việc như các anh thì không chiếc găng tay cao su nào chịu được quá ba xe. Đa phần đều bị rách ngay trong quá trình làm việc do móc vào các trang thiết bị hoặc cọ sát mạnh với các chi tiết dưới gầm xe.Thêm vào đó, đeo găng tay cũng gây khó khăn khi thợ rửa xe muốn rửa kỹ các các chi tiết ngóc ngách bên dưới xe. Đó là lý do mà hiếm khi thấy có thợ rửa xe nào đeo găng tay khi hành nghề.

"Làm nghề nào ăn nghề đó" là câu nói thường được anh Phương nhắc lại trong cuộc trò chuyện với chúng tôi. Cái nghề rửa xe này lại thường chỉ đông khách vào những dịp lạ như nghỉ lễ, sau mưa và đặc biệt là cận Tết. Vào thời điểm này lượng khách rửa xe tăng một cách đáng kể do nhiều người có tâm lý để dành sát Tết mới rửa xe để có xe sạch, xe đẹp đi vào ngày đầu năm mới. Thế nhưng càng sát Tết nhân viên thì muốn về quê ăn Tết sớm nên đây là thời điểm thực sự quá tải về công việc. Đó là lý do mà hàng năm lại có hiện tượng tăng giá rửa xe vào những ngày cận Tết - có khi lên tới 200.000 VNĐ/xe.


Rửa xe những ngày cận Tết có thể tăng giá tới 200.000 VNĐ/xe.

Anh Phương cho biết để giữ chân nhân viên ở lại rửa xe những ngày cận Tết anh phải tăng mức lương và tăng thưởng cho anh em để có thể có thêm người ở lại làm cho đến tận 29-30 Tết. Do đó, việc giá rửa xe những ngày này tăng cũng không phải là điều khó hiểu nhưng mức tăng nhiều năm nay cũng chỉ đến mức 200.000 VNĐ/xe chứ cũng chưa bao giờ tăng hơn.

Kết thúc cuộc nói chuyện, anh Phương cũng chân tình chia sẻ rằng để tránh hiện tượng tăng giá rửa xe những ngày cận Tết thì các chủ xe nếu có điều kiện thì tự rửa xe tại nhà hoặc nên bố trí rửa xe sớm để giảm tải những ngày cận Tết. Điều này giúp cho giá rửa xe bình ổn hơn và ngay các các thợ rửa xe cũng có thể bố trí thời gian về quê ăn Tết sớm cùng gia đình.

>>> Xem thêm: Cảm nhận mùa đông không lạnh với bộ ảnh "người đẹp rửa xe" cực khiêu gợi

>>> Xem thêm: Ferrari 458 Italia từng thuộc sở hữu của Phan Thành "tắm rửa" ngay trên phố

Hiển Xăm
Đánh giá: