menu

Thị trường ô tô Việt đầu năm ra sao?

Tuấn Nguyễn (Tiền phong) 10:26 - 02/01/2018

Trong lúc chưa có điều chỉnh gì về chính sách, các doanh nghiệp ô tô vẫn phải hối hả nhập hàng về trước thời điểm 31/12/2017 để “chạy” Nghị định 116, đồng thời có hàng bán cho khách dịp Tết Nguyên đán. Các doanh nghiệp lắp ráp trong nước hầu hết giữ nguyên giá, dù Tết đã đến rất gần.


Nhiều mẫu xe lỗi hẹn với khách

Những ngày cuối tháng 12/2017, lượng ô tô nhập khẩu về các cảng biển ở Việt Nam tăng đột biến. Theo ông Lưu Mạnh Tưởng, Cục trưởng Cục Thuế xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, nguyên nhân chính bởi từ 1/1/2018, Nghị định 116 của Chính phủ quy định các điều kiện về sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô có hiệu lực. Do đó, một số doanh nghiệp hối hả nhập xe về để kịp hoàn tất thủ tục, thông quan trước ngày 31/12/2017, có hàng bán Tết và quý I/2018 cho khách hàng.

“Với tình trạng này, khách hàng sẽ ít có sự lựa chọn hơn từ thời điểm 1/1/2018 bởi xe nhập khẩu chưa thể thông quan, chỉ có xe lắp ráp trong nước vẫn giữ được sự ổn định về số lượng và giá cả. Giá xe trong năm 2018 không thể giảm sâu hơn nữa”.

Trưởng tiểu ban chính sách VAMA cho hay

Theo thống kê của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước (Cục Hải quan TPHCM), trong tháng 12/2017, lượng xe ô tô nhập khẩu qua cảng này tăng mạnh với hơn 1.700 xe ô tô loại dưới 9 chỗ ngồi và xe bán tải, tăng gấp 3 lần so với hai tháng trước đó. Trong những ngày cuối tháng 12, tại cảng này đã làm thủ tục thông quan cho gần 400 xe Audi của Cty TNHH ô tô Á Châu, cùng nhiều dòng xe khác hạng trung của các hãng Ford, Mitsubishi, Honda.

Theo ông Lý Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hiệp Phước, hầu hết xe nhập về đều đã làm xong thủ tục, nộp thuế và thông quan trước ngày 31/12/2017. Hiện không có lô xe nào nhập về chờ sang 2018 mới làm thủ tục nộp thuế để hưởng thuế nhập khẩu về 0% từ khu vực ASEAN.

Trước đó, nhiều mẫu xe dự kiến sẽ được nhập về bán đầu năm 2018 nhằm hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu 0% từ khu vực ASEAN như: Honda CR-V, Honda Jazz, Toyota Wigo, Fortuner 2018 phiên bản máy dầu, Suzuki Celerio. Tuy nhiên, do vướng mắc của Nghị định 116, những mẫu xe này chưa thể có đầy đủ giấy phép để nhập về Việt Nam dịp đầu năm 2018. Đại diện Ford Việt Nam xác nhận, đã có yêu cầu các đại lý ngưng nhận đặt hàng hai mẫu xe Ford Ranger và Explorer, thuộc lô sản xuất ở nước ngoài tháng 1 và tháng 2. Cũng theo vị đại diện này, hiện Ford Việt Nam có các mẫu xe lắp ráp trong nước vẫn duy trì ổn định và giá bán không thay đổi, gồm: Fiesta, Focus, EcoSport và Transit.

Giá xe khó có thể giảm hơn?

Theo ông Phạm Anh Tuấn, Trưởng tiểu ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tất cả các mẫu xe nhập khẩu đều bị vướng mắc bởi Nghị định 116 . Riêng Toyota Việt Nam, từ Lexus đến các mẫu xe khác của Toyota đều bị ảnh hưởng của Nghị định 116, khó xin các loại giấy xác nhận kiểu loại…nên chưa thể nhập xe về trong giai đoạn hiện nay.

“Với tình trạng này, khách hàng sẽ ít có sự lựa chọn hơn từ thời điểm 1/1/2018 bởi xe nhập khẩu chưa thể thông quan, chỉ có xe lắp ráp trong nước vẫn giữ được sự ổn định về số lượng và giá cả. Giá xe trong năm 2018 không thể giảm sâu hơn nữa”, Trưởng tiểu ban chính sách VAMA cho hay.

Như vậy, việc lượng xe nhập về tăng đột biến trong tháng 12 chủ yếu là do những tính toán cụ thể của từng hãng trong bối cảnh chính sách có sự thay đổi và thị trường biến động khó lường này.

Đối với các “ông lớn” lắp ráp trong nước như Trường Hải, Hyundai Thành Công, giá bán hầu như giữ nguyên mức giá áp dụng từ tháng 12 cho cả đầu năm 2018.

Tuấn Nguyễn (Tiền phong)
Đánh giá: