Nếu tương lai của ngành ô tô là xe điện, thì Trung Quốc sẽ là thế lực đáng gờm
16:25 - 16/08/2023
Vào năm 2015, Trung Quốc đã phát động Made in China 2025—một chiến dịch công nghiệp tích cực và được dàn dựng chặt chẽ nhằm vươn lên thành cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Mục tiêu là dẫn đầu sự phát triển và sản xuất các công nghệ thế hệ tiếp theo, bao gồm xe điện và xe tự lái, thiết bị công nghệ thông tin và viễn thông, người máy tiên tiến và trí tuệ nhân tạo.
Chỉ nói riêng trong ngành công nghiệp ô tô, đặc biệt là ô tô điện, Trung Quốc đã trở thành một thế lực đáng gờm. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2022, tổng số ô-tô Trung Quốc xuất khẩu ra thế giới đạt con số 3,111 triệu chiếc, tăng tới 54,4% so năm 2021, vượt qua Đức (2,61 triệu chiếc), trở thành quốc gia xuất khẩu ô-tô lớn thứ hai thế giới.
Gian hàng của hãng BYD Trung Quốc tại triển lãm ô tô Thượng Hải
Trong đó, ô-tô sử dụng năng lượng mới trở thành điểm sáng trong tăng trưởng, với tổng số 679.000 chiếc được xuất khẩu, tăng tới 2,2 lần so năm 2021.
Rất nhanh sau đó, Trung Quốc đã trở thành quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu ô tô trong nửa đầu năm 2023, vượt mặt Nhật Bản, nhờ sự đóng góp lớn của xe điện.
Các nhà sản xuất ô tô lớn Trung Quốc đã xuất khẩu tới 2,14 triệu xe từ tháng 1 đến tháng 6 năm nay, tăng 76% so với năm ngoái, theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc CAAM. Con số tương tứng của Nhật Bản là 2,02 triệu xe, tăng 17% so với năm ngoái, nhưng vẫn thấp hơn Trung Quốc.
Ngày nay, các công ty Trung Quốc kiểm soát 80% tất cả các khoáng sản quan trọng, bao gồm 80% coban tinh chế, 82% sản lượng than chì và 93% sản lượng tinh chế mangan toàn cầu. Do đó, không có gì ngạc nhiên khi Trung Quốc có hơn 3/4 năng lực sản xuất pin EV của thế giới; một công ty Trung Quốc duy nhất, CATL, kiểm soát một phần ba toàn bộ thị trường pin toàn cầu.
CATL - Công ty sản xuất pin xe điện lớn nhất thế giới, hiện chiếm tới 37% thị trường pin toàn cầu
Trung Quốc cũng khai thác được các mỏ ở Công-gô (DRC) nơi có nguồn cung cấp coban lớn nhất thế giới. Các công ty Trung Quốc cũng đã đầu tư vào các mỏ ở Brazil để vận chuyển khoáng sản đến Trung Quốc để chế biến. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất với Brazil và Uruguay, thậm chí cả Chile và Peru.
Có thể nói, Trung Quốc đã nắm những mạch máu sống còn cho việc sản xuất một chiếc xe ô tô điện. Không một hãng xe nào hiện nay không hợp tác và sử dụng linh kiện/nguyên vật liệu từ Trung Quốc, nếu muốn sản xuất ô tô điện.
Xe điện Trung Quốc cũng đã tiến vào Châu Âu, Nga, Mexico và các nước đang phát triển. Riêng thị trường Mỹ, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, xe điện Trung Quốc chưa thể chiếm ưu thế, do những đạo luật thuế áp lên xe ô tô Trung Quốc.
Mỹ áp đặt mức thuế 27,5% đối với ô tô do Trung Quốc sản xuất - được áp dụng trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump - và củng cố thêm bằng các khoản tín dụng thuế bảo hộ trong Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden, đặt ưu tiên cho sản xuất ô tô và pin ở miền Bắc Mỹ.
Đạo luật Giảm lạm phát là một phần trong nỗ lực của chính phủ liên bang nhằm đảm bảo một nửa số xe bán ra vào năm 2030 đạt được yêu cầu không phát thải. Luật mới cung cấp cho người tiêu dùng khoản trợ thuế 7.500 USD đối với xe điện nhưng yêu cầu xe điện phải được sản xuất tại Hoa Kỳ, 60% pin phải được sản xuất tại Hoa Kỳ và các khoáng chất quan trọng của pin phải được khai thác, xử lý hoặc tái chế tại Hoa Kỳ hoặc trong một quốc gia mà Hoa Kỳ có hiệp định thương mại tự do.
Tuy vậy, rất tiếc là xe điện ở Mỹ gần như không thể đáp ứng các yêu cầu này. Như đã nói ở trên, các công ty Trung Quốc "nắm các mạch máu cơ bản" để sản xuất nên một chiếc ô tô điện. Và nếu như nhận định xe điện là tương lai của ngày công nghiệp ô tô, thì Trung Quốc sẽ là một thế lực cực kỳ đáng gờm trong ngành sản xuất ô tô điện thế giới.