Mới đầu năm, ngành công nghiệp ô tô thế giới đã "chao đảo" vì nguyên nhân này
11:09 - 19/01/2021
Ngay từ những ngày đầu năm 2021, ngành công nghiệp ô tô thế giới đã gặp khó khăn khi hàng loạt hãng xe hơi lớn phải cắt giảm sản lượng hoặc tạm ngừng hoạt động tại nhà máy vì thiếu chất bán dẫn sản xuất chip. Mở đầu là những hãng ô tô lớn như Toyota, Ford, Honda, Nissan và tập đoàn Fiat-Chrysler (FCA). Vào hôm 8/1/2021 vừa qua, 5 hãng xe này cho biết sẽ cắt giảm sản lượng ô tô trong tháng này vì thiếu chất bán dẫn. Tiếp theo đó là các hãng như Subaru, Volkswagen và Daimler - tập đoàn mẹ của Mercedes-Benz.
Các hãng ô tô lớn như Ford, Toyota, Honda, Volkswagen và Mercedes-Benz phải cắt giảm sản lượng tại nhà máy vì thiếu chất bán dẫn
Không chỉ ngành ô tô mà các công ty điện tử trên toàn thế giới hiện cũng đang đứng trước cuộc khủng hoảng chip toàn cầu. Nguyên nhân của cuộc khủng hoảng này là do nhu cầu mua xe của người tiêu dùng tăng trở lại sau ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 khiến các công ty sản xuất chip không kịp "trở tay".
Ông Daniel Levy, chuyên gia phân tích của công ty Credit Suisse, cho biết, vấn đề nguồn cung chip điện tử có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất ô tô trong giai đoạn trước mắt. Trong khi đó, đại diện của các hãng xe khẳng định sẽ ưu tiên sản xuất những mẫu xe có lợi nhuận cao hơn.
Các nhà sản xuất chip ô tô lớn như NXP Semiconductor cho biết việc sản lượng xe hơi tăng trở lại nhanh hơn dự kiến khiến họ không đáp ứng kịp. Đó là chưa kể đến việc chính phủ Mỹ đưa Semiconductor Manufacturing International Corp (SMIC) - nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất của Trung Quốc - vào "danh sách đen". Trước đó, chính quyền Washington cho biết họ sẽ yêu cầu các nhà cung ứng Mỹ phải xin giấy phép trước khi giao dịch với SMIC. Điều này khiến các hãng chip trên toàn thế giới phải tìm đối tác làm ăn mới.
Vì thiếu chip nên hãng Ford phải tạm ngừng sản xuất tại nhà máy ở thành phố Louisville, bang Kentucky, Mỹ. Đây là nhà máy hiện đang lắp ráp những mẫu xe như Ford Escape và Lincoln Corsair.
Ford phải tạm ngừng hoạt động tại nhà máy ở Mỹ
Trong khi đó, tập đoàn FCA đẩy lùi kế hoạch tái khởi động dây chuyền sản xuất ở nhà máy tại Toluca, Mexico - nơi lắp ráp Jeep Compass. Ngoài ra, tập đoàn này còn tạm ngừng hoạt động của nhà máy sản xuất Chrysler 300, Dodge Charger và Dodge Challenger đặt tại thành phố Brampton, bang Ontario, Mỹ.
Về phần mình, Toyota sẽ cắt giảm sản lượng của dòng xe bán tải cỡ lớn Tundra tại nhà máy ở thành phố San Antonio, bang Texas, Mỹ. Tương tự như vậy, Nissan dự định cắt giảm sản lượng của dòng xe Note ở nhà máy Oppama Plant tại tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Tờ Nikkei của Nhật Bản cho biết, hãng Nissan có thể giảm sản lượng của Note từ 15.000 chiếc theo dự định ban đầu xuống còn 5.000 chiếc.
Tiếp đến là Honda với kế hoạch cắt giảm sản lượng khoảng 4.000 xe, chủ yếu ảnh hưởng đến dòng hatchback hạng B Jazz/Fit ở nhà máy tại Suzuka, tỉnh Mie, Nhật Bản. Hai liên doanh của Honda ở Trung Quốc là GAC và Dongfeng hiện chưa đưa ra bình luận nào về sự việc này.
Với Subaru, hãng này sẽ cắt giảm sản lượng "khoảng vài nghìn xe" ở cả nhà máy tại Nhật Bản lẫn Mỹ. Ngoài ra, Subaru còn đang xem xét nguy cơ cắt giảm sản lượng trong cả tháng 2 tới.
Không chỉ những hãng xe Mỹ hay Nhật Bản, cặp đôi Đức Volkswagen và Daimler cũng bị ảnh hưởng. Volkswagen xác nhận sẽ cắt giảm sản lượng tại nhà máy chính của mình ở Đức vì thiếu chất bán dẫn. Các dây chuyền sản xuất xe Volkswagen Tiguan, Touran và Golf đều bị ảnh hưởng. Trong khi đó, Daimler quyết định giảm sản lượng cũng như giờ làm tại nhà máy Handelsblatt và Bremen vì nguyên nhân tương tự. Riêng nhà máy ở Bremen của Mercedes-Benz có thể sẽ phải đóng cửa trong những ngày đầu tháng 2 tới.
Chỉ có tập đoàn General Motors (GM) và BMW hiện vẫn khẳng định họ chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, hai tập đoàn này cũng đang theo dõi tình hình một cách sát sao.
Các nhà phân tích dự đoán tình hình thiếu chip ô tô này có thể sẽ kéo dài đến 6 tháng. Theo ước tính của công ty AutoForecast Solutions, tính đến ngày 13/1 vừa qua, sản lượng của ngành công nghiệp ô tô thế giới đã giảm khoảng 202.000 xe.
Lan Quyên