menu

Daihatsu bị rút chứng nhận sản xuất 3 mẫu xe sau bê bối gian lận thử nghiệm

13:21 - 17/01/2024

Daihatsu sẽ không thể tiếp tục sản xuất 3 mẫu xe này cho đến khi lấy lại được chứng nhận.

Bộ Giao thông Nhật Bản đang lên kế hoạch hủy bỏ các chứng nhận cần thiết để Daihatsu sản xuất 3 mẫu ô tô sau khi phát hiện hành vi sai trái kéo dài trong quá trình thử nghiệm sản phẩm của hãng ô tô này vào hồi tháng 12/2023. Daihatsu sẽ không thể tiếp tục sản xuất 3 mẫu xe này cho đến khi lấy lại được chứng nhận.


Daihatsu bị rút chứng nhận sản xuất 3 mẫu xe sau bê bối gian lận thử nghiệm

Trao đổi với các phóng viên vào sáng ngày 16/1/2024, ông Tetsuo Saito, Bộ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản, cho biết cơ quan này đã bắt đầu thủ tục hủy bỏ chứng nhận cho 3 mẫu xe Daihatsu Gran Max, Toyota TownAce và Mazda Bongo. Trong đó, Toyota TownAce và Mazda Bongo được Daihatsu sản xuất rồi cung cấp cho 2 thương hiệu còn lại. Trước khi hủy bỏ chứng nhận, Bộ sẽ tổ chức một buổi điều trần với công ty Daihatsu vào ngày 23/1/2024 tới đây.


Daihatsu Gran Max

Bộ cũng dự kiến ban hành lệnh theo Đạo luật phương tiện vận tải đường bộ vào chiều ngày 16/1, yêu cầu Daihatsu cải tổ mạnh mẽ cơ cấu tổ chức của mình.

Trước khi lắp một mẫu xe mới, trước tiên các nhà sản xuất ô tô phải có được chứng nhận mẫu mã bằng cách cung cấp xe mẫu để thử nghiệm. Chứng nhận sẽ được cấp sau khi xe mẫu vượt qua quy trình sàng lọc của Bộ để xác định xem có đáp ứng đủ các yêu cầu về an toàn hay không.

Sau khi chứng nhận bị hủy bỏ, mỗi mẫu ô tô mới sẽ phải trải qua một cuộc kiểm tra xe. Nhà sản xuất ô tô không thể lắp đại trà mẫu xe đó cho đến khi lấy lại được chứng nhận.

Như thông tin đã đưa, vào ngày 20/12/2023, Daihatsu nhận được kết quả điều tra của Ủy ban độc lập về những bất thường trong thủ tục chứng nhận xe của thương hiệu này. Cuộc điều tra được thực hiện trên 64 mẫu xe hiện đang được Daihatsu sản xuất và phát triển.

Ngoài 3 xe kể trên, có nhiều mẫu ô tô mang thương hiệu Toyota cũng bị ảnh hưởng bởi bê bối của Daihatsu như Wigo/Agya, Rush, Avanza, Veloz, Raize, Yaris/Vios và Yaris Cross. Kết quả điều tra cho thấy gian lận của Daihatsu đã bắt đầu từ năm 1989 với một mẫu xe hiện đã bị ngừng sản xuất. Tuy nhiên, các vụ gian lận của Daihatsu bắt đầu trở nên đặc biệt phổ biến sau năm 2014.

Từ hôm 20/12/2023, công ty con của tập đoàn Toyota đã dừng sản xuất xe do bê bối liên quan đến gian lận thử nghiệm. Theo ước tính của tờ Nikkei Asia, thương hiệu xe Nhật Bản này có thể phải đối mặt với thiệt hại lên đến hơn 100 tỷ Yên (khoảng 700 triệu USD) do đóng cửa nhà máy và đền bù thiệt hại về tài chính cho các nhà cung cấp.

Hiện Daihatsu vẫn chưa công bố thời điểm phục hồi dây chuyền lắp ráp ô tô tại nhà máy ở Nhật Bản. Theo thông tin trước đó, nhà máy của Daihatsu có thể sẽ phải đóng cửa ít nhất đến hết tháng 1 năm nay. Trong khi đó, tại Indonesia và Malaysia, quá trình sản xuất cũng như phân phối xe Daihatsu đã được khôi phục.

Tại Việt Nam, chỉ có đúng 1 mẫu xe bị ảnh hưởng bởi bê bối của Daihatsu là Avanza Premio. Vào hôm 21/12/2023, Toyota Việt Nam cũng đã thông báo tạm ngừng giao xe đối với Avanza Premio phiên bản số sàn MT. Đồng thời, Toyota Việt Nam khẳng định không tiến hành triệu hồi xe vì Avanza Premio MT chỉ bị ảnh hưởng bởi thử nghiệm khí thải và tiêu thụ nhiên liệu, không liên quan tới thử nghiệm an toàn.

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: