Cuộc chiến thương mại và lo ngại về an toàn trở thành tâm điểm tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025
13:22 - 24/04/2025
Triển lãm ô tô hàng năm tại Trung Quốc đã trở thành sân khấu hàng đầu thế giới cho sự phát triển mạnh mẽ của các mẫu xe điện công nghệ cao hoặc giá rẻ đến từ những thương hiệu nội địa ở thị trường ô tô lớn nhất hành tinh. Tuy nhiên, Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025 khai mạc vào ngày 23/4 vừa qua trong bối cảnh toàn ngành đối mặt với sự bất định do cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, có thể làm suy yếu nhu cầu và làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Tại triển lãm này, có khoảng 70 hãng xe tung ra hơn 100 mẫu ô tô mới tại một thị trường đã quá chật chội, nơi số người thất bại nhiều hơn kẻ chiến thắng. Các hãng xe cũng đang vật lộn với chiến dịch siết chặt quảng bá hệ thống lái xe thông minh được chính phủ Trung Quốc công bố vào tuần trước. Các hệ thống lái xe thông minh vốn được nhiều lãnh đạo trong ngành xem là mặt trận công nghệ tiếp theo.
Tại triển lãm này, các hãng xe chuyển sang thông điệp "an toàn là trên hết" sau khi cơ quan quản lý cấm sử dụng các thuật ngữ như "lái xe thông minh" và "lái xe tự động". Các quy định này được ban hành sau vụ tai nạn chết người vào tháng 3/2025 liên quan đến mẫu xe điện Xiaomi SU7 vốn rất phổ biến tại Trung Quốc. Khi vụ tai nạn xảy ra, chiếc xe đang sử dụng hệ thống hỗ trợ lái.
Xpeng, hãng xe nổi tiếng với công nghệ hỗ trợ lái xe bằng trí tuệ nhân tạo AI, cho biết sẽ tổ chức "trại huấn luyện an toàn" cho người lái. “Chúng tôi sẽ nhấn mạnh các giới hạn của chức năng hỗ trợ lái để đảm bảo an toàn”, CEO He Xiaopeng của Xpeng nói với phóng viên.
Các mức thuế nhập khẩu lên đến 145% do Tổng thống Mỹ Donald Trump áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, cùng với các đòn đáp trả từ Bắc Kinh, đã khiến dự báo tăng trưởng toàn cầu suy giảm khi các công ty ô tô đối mặt với rủi ro mới. Các hãng xe Trung Quốc cũng đang đối mặt với thuế quan từ Liên minh châu Âu.
Cuộc chiến thương mại và lo ngại về an toàn trở thành tâm điểm tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025.
Khi Triển lãm Ô tô Thượng Hải khai mạc, các nhóm trong ngành ô tô Mỹ đã gửi thư cho ông Trump kêu gọi bãi bỏ mức thuế 25% đối với phụ tùng xe nhập khẩu, cảnh báo giá xe sẽ tăng và doanh số bán hàng giảm.
Dấu hiệu khó khăn
Nhu cầu xe tại Trung Quốc đến nay vẫn ổn định. Doanh số xe trong quý I tăng 12,5%, dẫn đầu là hai nhà sản xuất lớn nhất nước, bao gồm BYD và Geely. Tuy nhiên, vẫn có dấu hiệu đáng lo ngại.
Xe Trung Quốc đã gần như bị cấm hoàn toàn tại thị trường Mỹ trước khi ông Trump đưa ra loạt thuế quan mới. Các hãng xe của đất nước tỷ dân có thể chịu ảnh hưởng nếu nền kinh tế nước này chững lại hoặc nếu Mỹ gây áp lực buộc các đối tác thương mại khác hạn chế giao thương với Trung Quốc.
Thuế quan của ông Trump cũng ảnh hưởng đến các hãng xe toàn cầu. Ví dụ, hãng xe Nhật Bản Nissan từng dự định xuất khẩu đến 200.000 xe/năm từ các nhà máy ở Trung Quốc khi doanh số tại đây giảm mạnh những năm gần đây. Hiện tại, Nissan không thể xuất khẩu số xe này sang Mỹ - một trong các thị trường lớn nhất của hãng.
“Tôi không biết mọi chuyện sẽ tệ đến mức nào. Tôi không biết một số người hoặc chính phủ sẽ hành động cực đoan ra sao”, ông Stephen Ma, Giám đốc Nissan tại Trung Quốc kiêm cựu Giám đốc Tài chính, chia sẻ. “Dù từng sống và làm việc tại Mỹ trong suốt một thời gian dài, tôi cũng không thể đoán được điều này”.
Cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump còn tác động tới chính đồng minh của ông, đó là Tesla. Hãng xe do tỷ phú Elon Musk điều hành đã tạm dừng đơn đặt hàng các mẫu Model S và Model X vì thuế phản đòn từ Trung Quốc, đồng thời ngưng nhập khẩu một số linh kiện từ nước này.
Siết chặt "lái xe thông minh"
Các hãng xe Trung Quốc, dẫn đầu bởi BYD, đã đẩy mạnh quảng bá công nghệ hỗ trợ lái với chi phí thấp, thậm chí miễn phí, để tạo lợi thế cạnh tranh. Ông Bo Yu, chuyên gia thị trường tại hãng nghiên cứu Jato Dynamics, nhận định “điện hóa” là giai đoạn đầu trong sự phát triển của ngành ô tô Trung Quốc. “Hiện tại, mọi thứ đang xoay quanh cái gọi là ‘thông minh hóa’”.
BYD gần đây đã thách thức đối thủ khi cung cấp công nghệ hỗ trợ lái God’s Eye miễn phí trên toàn bộ các dòng xe. Tuy nhiên, hãng không đề cập đến công nghệ này trong các buổi họp báo tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025, nơi họ ra mắt mẫu xe giá rẻ Seal 06, Sealion 06 và cả xe sang.
Tại một buổi họp báo ở Hồng Kông trước triển lãm, ông He Xiaopeng cho rằng sẽ mất ít nhất một thập kỷ để phát triển hệ thống tự lái hoàn toàn một cách an toàn do vướng nhiều rào cản pháp lý và quy định.
Ông Yale Zhang đến từ công ty tư vấn Automotive Foresight tại Thượng Hải lại ca ngợi sự thận trọng với công nghệ tự lái. “Dù công nghệ có tiên tiến đến đâu thì cũng trở nên vô nghĩa nếu gây ra thương vong”, ông nói.
Tốc độ Trung Quốc
Sự cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Trung Quốc vẫn là "bãi mìn" với các thương hiệu nước ngoài. Ông Matt Noone, giám đốc thiết kế của thương hiệu Buick thuộc tập đoàn General Motors (GM), cho biết hãng đang gấp rút bắt kịp tốc độ và công nghệ của các hãng xe Trung Quốc.
“Điều đáng báo động tại triển lãm là lượng công nghệ và tính năng được trang bị cho khách hàng với mức giá cực thấp”, ông nói, ám chỉ các chức năng hỗ trợ lái trên dòng xe phổ thông Trung Quốc. “Làm sao mà có lãi được? Có ai đang kiếm tiền với cách làm này không?”
Ông cho biết các mẫu xe Buick chỉ được giữ lại nếu sinh lời. Điều này khiến hãng phải cắt giảm danh mục sản phẩm từ hơn 20 mẫu xe xuống còn khoảng 10 mẫu.
Từng là thương hiệu xe du lịch bán chạy nhất tại Trung Quốc, Volkswagen chứng kiến doanh số giảm 6% trong quý I năm 2025. Hãng xe Đức đã ra mắt sản phẩm đầu tiên trong 5 mẫu xe mới của Volkswagen và Audi tại triển lãm với biểu ngữ điện tử ghi dòng chữ "Tốc độ Trung Quốc".
Audi ra mắt xe tại Triển lãm Ô tô Thượng Hải 2025.
Thương hiệu Cadillac của GM cũng trưng bày loạt xe điện gồm Lyriq, Optiq, Vistiq và Escalade IQ tại triển lãm. “Điều này cho thấy GM đang đặt cược lớn vào Cadillac để trở lại Trung Quốc”, ông Tu Le, người sáng lập hãng tư vấn Sino Auto Insights, nhận định. Tuy nhiên, ông Le cho rằng GM sẽ phải bán xe Cadillac tại Trung Quốc với giá thấp hơn ở Mỹ.
Theo ông Andrew Fellows, trưởng bộ phận ô tô toàn cầu tại công ty tư vấn Star, các thương hiệu nước ngoài sẽ gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với đối thủ nội địa. “Các hãng xe phương Tây đã ngủ quên trong đại dịch, còn các hãng Trung Quốc thì cưỡi trên làn sóng cách mạng xe điện”, ông nói. “Họ sẽ rất khó để đánh bật được các hãng xe nội”.