menu

Cả ngành ô tô thế giới bị đe dọa bởi dịch bệnh virus corona ở Trung Quốc

01:03 - 12/02/2020

Không chỉ gây ảnh hưởng lên mình Trung Quốc, virus corona đang ngày một tạo áp lực và đe dọa ngành ô tô của cả thế giới.

Mối đe dọa từ dịch bệnh virus corona đang tạo áp lực lên ngành công nghiệp ô tô toàn cầu, với Volkswagen Group tạm hoãn kế hoạch tái khởi động sản xuất ở hầu hết nhà máy Trung Quốc liên doanh với SAIC Motor và một nhà máy Thiên Tân liên doanh cùng FAW Group tới ngày 17 tháng 2.

Volkswagen, nhà sản xuất ô tô nước ngoài lớn nhất ở Trung Quốc, nói rằng họ đang đối mặt thử thách chuỗi cung ứng khi trở lại kinh doanh sau kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên Đán kéo dài ở địa phương, cũng như việc hạn chế di chuyển đối với các nhân viên.

Fiat Chrysler Automobiles nói trong thứ 5 tuần trước rằng một trong những nhà máy Châu Âu của họ có thể phải đóng cửa trong vòng 2-4 tuần nếu các nhà cung cấp phụ tùng Trung Quốc không sớm quay trở lại làm việc bởi vì lệnh cấm di chuyển.

Nhà sản xuất xe Pháp Renault cũng nói trong thứ 6 tuần trước rằng công ty con RSM ở Hàn Quốc của họ sẽ phải ngừng sản xuất ở Busan trong 4 ngày tính từ 11/2 vì gián đoạn nguồn cung ứng nguyên liệu ở Trung Quốc. "Vì vị trí địa lý gần gũi, nhà máy ở Busan là nơi bị ảnh hưởng nhất vì gián đoạn nguồn cung ứng ở Trung Quốc", một phát ngôn viên của Renault nói với Reuters.

Ảnh minh họa

Renault và đối tác liên minh Nissan đang hoạt động chặt chẽ với nhau để khắc phục vấn đề bởi nhà máy Busan có sản xuất crossover Rogue, một trong những mẫu xe bán chạy nhất của Nissan. Trước mắt, Renault đã phải kéo dài thời gian đóng cửa một nhà máy ở Vũ Hán, Trung Quốc, tới ngày 13/2, theo đúng hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc.

Trong khi đó, Toyota và Honda đều nằm trong số những nhà sản xuất xe buộc phải kéo dài thời gian đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc khi đất nước đông dân nhất thế giới tăng cường các biện pháp chống virus corona.

Toyota, ban đầu định dừng sản xuất nhà máy ở Trung Quốc tới 9/2, đã thông báo kế hoạch quay trở lại hoạt động vào ngày 17/2. Honda nói rằng họ sẽ tái mở cửa nhà máy vào ngày 14/2 với mục tiêu khởi động lại công suất vận hành trong tuần 17/2.

Hai nhà sản xuất xe Hàn Quốc gồm Hyundai và Kia cũng đã đưa ra thông báo kế hoạch bắt đầu tái sản xuất tại các nhà máy ở Trung Quốc vào ngày 17/2, thay đổi từ thời gian dự kiến trước đó 9/2. “Chúng tôi sẽ thực hiện các biện pháp phòng ngừa nhiễm trùng tại các nhà máy,” một phát ngôn viên nói.

Virus corona có thể làm giảm 3-5% số lượng sản xuất và doanh số bán hàng ô tô Trung Quốc trong năm nay, nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài vào quý 2, công ty tư vấn ô tô LMC Automotive cho biết. Dịch bệnh đang “làm tổn hại niềm tin của người tiêu dùng, trì hoãn việc mua hàng và ảnh hưởng đến nền kinh tế tiêu dùng đang chiếm hơn một nửa tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Trong bối cảnh này, tỷ lệ tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ giảm 5% cho năm 2020,” LMC Automotive nói.

Điều này cũng có khả năng phá vỡ ngành công nghiệp ô tô Bắc Mỹ, vì chuỗi cung ứng ô tô địa phương sẽ bị ảnh hưởng, với một số nhà cung cấp trì hoãn sản xuất sau kỳ nghỉ năm mới, LMC Automotive chia sẻ.

Thêm phong ba phía trước

Việc ngừng hoạt động tạo nên những trận phong ba đối với các nhà sản xuất ô tô ở thị trường xe lớn nhất thế giới, vốn đang hướng đến năm thứ ba suy giảm liên tiếp trước khi virus bắt đầu phát tán. Vài tuần tới sẽ là một quãng thời gian mấu chốt.

Các phụ tùng được làm ở Trung Quốc đang được sử dụng trong hàng triệu chiếc xe được lắp ráp ở khắp mọi nơi, và tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc – trung tâm của đại dịch virus corona – là một trung tâm sản xuất và vận chuyển phụ tùng ô tô lớn.

Một số chuyên gia trong ngành cho biết các nhà cung cấp đã tích sẵn một lượng phụ tùng trong kho và ở tình trạng quá cảnh trước kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán vào cuối tháng 1. Tuy nhiên, chúng sẽ sớm cạn kiệt nếu các nhà máy không quay trở lại hoạt động vào tuần này, hoặc nếu các chuyến bay tới và từ Trung Quốc vẫn bị hạn chế.

Các nhà máy lắp ráp và chế tạo phụ tùng ô tô Trung Quốc đã kéo dài thời gian đóng cửa tới 9/2. Nhưng một số đã tỏ ra thận trọng và quyết định đóng cửa lâu hơn nữa.

Thiếu phụ tùng

Hyundai nói rằng thiếu phụ tùng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ buộc họ phải ngừng sản xuất tại các nhà máy Hàn Quốc. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu khác đã không tiết lộ chi tiết về những sự gián đoạn tiềm ẩn bên ngoài Trung Quốc, nhưng có nói là họ đang theo dõi các rủi ro.

Giám đốc mua hàng của Toyota, Masayoshi Shirayanagi cho biết hãng xe này đang "xem xét rất kỹ về hàng tồn kho linh kiện" bên ngoài Trung Quốc.

General Motors có các đội ngũ làm việc suốt ngày đêm để giải quyết rắc rối, CFO của công ty nói.

Suzuki nói rằng họ đang xem xét khả năng mua các phụ tùng ô tô "made in China" từ bên ngoài Vũ Hán. Suzuki không hề sản xuất hay bán bất kỳ chiếc xe nào ở Trung Quốc, nhưng có thu mua một số linh kiện ở đó cho các nhà máy của mình ở Ấn Độ, nơi họ kiểm soát khoảng một nửa thị trường xe du lịch thông qua đơn vị địa phương Maruti Suzuki Ấn Độ.

Công ty tư vấn AlixPartners chia sẻ rằng các nhà sản xuất ô tô giờ đây thường có chuẩn bị nguồn dự phòng các phụ tùng quan trọng hơn trong quá khứ. Họ và các nhà cung cấp chính của họ đã đưa ra những biện pháp để giảm thiểu rủi ro một thảm họa tại một nhà máy duy nhất có thể khiến đóng cửa các dây chuyền lắp ráp sau khi thảm họa sóng thần năm 2011 làm tê liệt các nhà cung cấp chính ở Nhật Bản.

Trang thiết bị sản xuất linh hoạt cũng có thể được lập trình lại hoặc di dời để sản xuất các phụ tùng. Ví dụ, khi một vụ hỏa hoạn tại nhà máy của một nhà cung cấp ở Michigan đe dọa việc sản xuất xe bán tải lợi nhuận cao của Ford, họ đã nhanh chóng chuyển các công cụ sản xuất đến một nhà máy ở Ontario.

Thế nhưng, không phải tất cả việc sản xuất từ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc đều có thể dễ dàng thay thế hoặc di dời. Hồ Bắc là một trong số 11 tỉnh đang chịu trách nhiệm sản xuất hơn 2/3 lượng xe hàng năm của Trung Quốc, IHS Markit cho biết trong một nghiên cứu.

Hàn Quốc yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ

Chính phủ Hàn Quốc nói trong thứ 6 tuần trước rằng họ đã yêu cầu chính quyền khu vực Trung Quốc giúp đỡ trong việc nối lại sản xuất tại các nhà máy của các nhà cung cấp phụ tùng ô tô Hàn Quốc ở Trung Quốc.

Do gián đoạn sản xuất, các dây chuyền sản xuất tại các nhà cung cấp phụ tùng ở Hàn Quốc bao gồm cả Hyundai Mobis và Kumho Tyre cũng đã ngừng hoạt động, với những lo ngại rằng sự gián đoạn này sẽ ảnh hưởng xấu đến các nhà thầu phụ hạng hai và cấp ba nhỏ hơn nếu kéo dài.

Các bộ của Hàn Quốc cũng cho biết trong một tuyên bố chung rằng, nếu cần, họ sẽ cho phép các nhà cung cấp bị ảnh hưởng của Hàn Quốc làm việc tăng ca ở Hàn Quốc để bù đắp thiếu hụt.

Kể cả nếu chính quyền khu vực Trung Quốc có dỡ bỏ lệnh cấm sản xuất tại nhà máy nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona trong những ngày tới, thì có tồn tại một khó khăn khác là công nhân từ chối đến làm việc vì sợ virus, chính phủ Hàn Quốc nói. Trong số khoảng 10.000 công nhân tại nhà máy Thanh Đảo của nhà cung cấp Hàn Quốc, chỉ có khoảng 15% có thể đến làm việc mà thôi.

Duy Thành

Đánh giá: