menu

Bê bối gian lận thử nghiệm lan rộng, Toyota, Mazda và Yamaha ngừng giao 6 mẫu xe

17:12 - 04/06/2024

Ngoài Toyota, vụ bê bối gian lận thử nghiệm đã lan rộng sang các hãng xe khác, bao gồm Honda, Suzuki, Mazda và Yamaha.

Trong những tháng vừa qua, tập đoàn Toyota nói chung và thương hiệu con Daihatsu đã liên tục dính các bê bối gian lận thử nghiệm xe hơi. Đến nay, ngoài Toyota, vụ bê bối gian lận thử nghiệm này đã lan rộng sang các hãng xe khác, bao gồm Honda, Suzuki, Mazda và Yamaha.

Cụ thể, theo thông tin được công bố vào hôm 3/6/2024 vừa qua, Bộ giao thông vận tải Nhật Bản đã phát hiện những điểm bất thường trong hồ sơ đăng ký chứng nhận một số mẫu xe của Toyota và Mazda. Bên cạnh đó, Bộ này cũng tìm ra những sai phạm trong hồ sơ đăng ký của Honda, Suzuki và Yamaha. Các nhà sản xuất xe này bị phát hiện đã gửi dữ liệu thử nghiệm không chính xác hoặc bị tác động khi đăng ký chứng nhận cho xe.

Bộ đã yêu cầu Toyota, Mazda và Yamaha tạm dừng giao 6 mẫu xe. Họ cho biết sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ ở trụ sở chính của Toyota vào hôm nay, ngày 4/6/2024.


Bê bối gian lận thử nghiệm lan rộng, Toyota, Mazda và Yamaha ngừng giao 6 mẫu xe.

Những tiết lộ mới nhất được đưa ra khi Bộ giao thông vận tải Nhật Bản yêu cầu các nhà sản xuất ô tô điều tra hồ sơ xin chứng nhận sau vụ bê bối thử nghiệm an toàn của thương hiệu Daihatsu vào năm ngoái.

Toyota: Gian lận thử nghiệm an toàn

Ông Akio Toyoda, Chủ tịch tập đoàn Toyota, cho biết những chiếc xe của hãng đã không trải qua quá trình chứng nhận phù hợp trước khi bán ra. Ví dụ, hãng Toyota chỉ đo thiệt hại do va chạm ở một bên của nắp ca-pô thay vì 2 bên.

Theo Toyota, hành vi sai trái của họ đã được thực hiện trong 6 cuộc thử nghiệm khác nhau, diễn ra vào năm 2014, 2015 và 2020. Nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới cho biết họ đã tạm dừng bán 3 mẫu ô tô sản xuất tại Nhật Bản vì chứng nhận liên quan đến dữ liệu trong các thử nghiệm bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe. 3 mẫu xe này gồm có Toyota Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross. Bên cạnh đó là phiên bản đã bị ngừng bán của 4 mẫu xe Toyota Crown, Toyota Isis, Toyota Sienta và Lexus RX.


Mẫu xe Toyota Yaris Cross bị ảnh hưởng trong vụ bê bối không liên quan đến mẫu xe cùng tên đang bán ở Việt Nam.

Toyota hiện vẫn đang điều tra các vấn đề liên quan đến hiệu suất tiêu thụ nhiên liệu và khí thải của xe. Hãng cũng đặt mục tiêu hoàn thành cuộc điều tra này vào cuối tháng 6/2024. Tuy nhiên, Toyota khẳng định khách hàng không cần phải ngừng sử dụng xe của mình vì "không có vấn đề về hiệu suất nào trái với luật pháp và quy định".

Với tư cách là người phụ trách tập đoàn Toyota, tôi xin chân thành xin lỗi khách hàng, những người yêu thích xe hơi và tất cả các bên liên quan về vụ việc này”, ông Akio Toyoda, cháu trai của nhà sáng lập Toyota và cựu giám đốc điều hành của hãng, phát biểu trong một cuộc họp báo.


Ông Toyoda cúi đầu xin lỗi trong cuộc họp báo.

Mazda: Gian lận dữ liệu động cơ

Mazda đã ngừng giao 2 mẫu xe là Roadster RF (hay MX-5 RF) và Mazda2 Hatchback từ hôm 30/5/2024 sau khi phát hiện công nhân sửa đổi kết quả kiểm tra phần mềm điều khiển động cơ. Hãng cũng phát hiện Atenza (Mazda6) và Axela (Mazda3) đã bị giả mạo kết quả bằng cách sử dụng thiết bị hẹn giờ để kích hoạt túi khí trong một số thử nghiệm va chạm trực diện thay vì dựa vào cảm biến trên xe. Đây là 2 mẫu xe đã bị ngừng sản xuất tại Nhật Bản.

Honda: Gian lận dữ liệu tiếng ồn và công suất

Với Honda, hãng đã phát hiện những sai phạm trong các cuộc kiểm tra tiếng ồn và công suất trong khoảng thời gian hơn 8 năm, tính đến tháng 10/2017, trên khoảng hơn 20 mẫu xe không còn được sản xuất. Những mẫu xe Honda bị ảnh hưởng bao gồm Inspire, Fit, Fit Shuttle, Shuttle, CR-Z, Acty, Vamos, Stepwgn, Legend, Accord, Insight, Exclusive, CR-V, Freed, N-Box, N-One, Odyssey, N-Wgn, Vezel, Grace, S660, Jade, và NSX. Những mẫu xe này đều được sản xuất từ năm 2009 đến 2017.

Suzuki: Gian lận dữ liệu khoảng cách phanh

Suzuki bị phát hiện đã giả mạo kết quả thử nghiệm phanh cho phiên bản thương mại hạng nhẹ của mẫu xe Alto bán ở thị trường ngoài Nhật Bản. Được biết, khoảng cách phanh thực tế của mẫu xe này cao hơn so với con số mà Suzuki cung cấp cho cơ quan chức năng. Những chiếc xe Suzuki bị ảnh hưởng được sản xuất trong thời gian từ năm 2014 - 2017.

Yamaha: Gian lận thử nghiệm tiếng ồn

Nhà sản xuất xe máy Yamaha cũng bị cuốn vào cuộc điều tra của Chính phủ và bị phát hiện đã tiến hành kiểm tra tiếng ồn “trong điều kiện không phù hợp” đối với mẫu mô tô thể thao YZF-R1 hiện đang được bán trên thị trường. Thêm vào đó là những công bố sai sự thật liên quan đến các cuộc kiểm tra còi đối với hai mẫu xe đời cũ.

Có khoảng 1,7 triệu chiếc xe Toyota bị ảnh hưởng trong vụ bê bối này. Con số tương ứng của Mazda Roadster RF là 150.000 xe và Mazda2 Hatchback là 7.000 xe. Honda tiết lộ có khoảng 4,35 triệu xe của hãng bị ảnh hưởng trong khi với Suzuki là 26.000 xe.

Bê bối gian lận thử nghiệm của các nhà sản xuất xe đang là điểm nhức nhối đối với Chính phủ Nhật Bản. Yoshimasa Hayashi, người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ Nhật Bản, gọi hành vi sai trái này là "đáng tiếc".

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: