Audi Việt Nam gửi "tâm thư" đề xuất giảm 50% phí trước bạ cho xe nhập khẩu
11:35 - 19/08/2021
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi tới Bộ Tài chính. Theo đó, Phó Thủ tướng Lê Minh Khải yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan cùng các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp nghiên cứu tái áp dụng mức giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Sau khi xem xét và đánh giá, phải có hướng xử lý để báo cáo lại với Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8/2021.
Trong lúc chờ các bên liên quan đưa ra ý kiến thì phía Công ty TNHH Á Châu - đại diện phân phối xe Audi tại Việt Nam - đã gửi "tâm thư" đề xuất tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cổng thông tin điện tử Chính phủ về việc áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với cả ô tô nhập khẩu.
Ông Laurent Genet, Tổng giám đốc công ty TNHH Á Châu - đại diện phân phối Audi tại Việt Nam.
Nguyên nhân được phía Công ty TNHH Á Châu đưa ra là do trong năm 2021, quy định cách ly xã hội nghiêm ngặt tại nhiều tỉnh thành của Việt Nam đang buộc tất cả các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô CBU phải tạm ngừng các hoạt động kinh doanh để phòng chống sự lây lan của Covid-19. Thế nhưng, chỉ ưu tiên giảm 50% lệ phí trước bạ đối với xe lắp ráp trong nước CKD là thiếu công bằng đối với các nhà nhập khẩu cũng như nhà phân phối ô tô CBU.
Theo công ty TNHH Á Châu, các nhà nhập khẩu và nhà phân phối ô tô CBU cũng là những đơn vị đang phải gánh nhiều tổn thất khi các văn phòng đăng ký, đăng kiểm xe hiện đang dừng hoạt động. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu này vẫn phải tiếp tục chi trả chi phí cho việc thuê cơ sở thương mại, thuế, lưu kho và nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, Công ty TNHH Á Châu cũng cho biết rằng sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên tầm quốc gia này vi phạm điều III.4 của GATT (Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại) mà Việt Nam đã ký kết cũng như được hưởng các lợi ích to lớn tại nước ngoài khi tất cả các điều khoản FTA đã được thực thi.
Cụ thể, tại điều III.4 của GATT ghi rõ: "Các sản phẩm trong lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào được nhập khẩu vào lãnh thổ của bất kỳ bên ký kết nào khác sẽ được đối xử không kém thuận lợi hơn so với các sản phẩm có nguồn gốc quốc gia tương tự như đối với tất cả các luật, quy định và yêu cầu ảnh hưởng đến hoạt động bán hàng nội bộ của họ, cung cấp cho bán, mua, vận chuyển, phân phối hoặc sử dụng. Các quy định của khoản này sẽ không ngăn cản việc áp dụng các mức phí vận chuyển nội bộ khác biệt chỉ dựa trên hoạt động kinh tế của phương tiện vận tải chứ không phải quốc tịch của sản phẩm."
Công ty TNHH Á Châu đề xuất áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với cả xe nhập khẩu.
Phía Công ty TNHH Á Châu cũng khẳng định rằng việc giảm 50% lệ phí trước bạ là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đã từng được Chính phủ áp dụng vào nửa cuối năm 2020 (29/6 – 31/12/2020) thông qua Nghị định 70/2020/NĐ-CP. Tuy nhiên, nếu chỉ giảm 50% lệ phí trước bạ đối với các xe lắp ráp trong nước thì là sự phân biệt đối xử ưu tiên xét trên toàn quốc.
Qua thống kê, trong năm 2020, tổng số ô tô du lịch tại Việt Nam đã tăng +3% so với năm 2019, trong đó số lượng xe CKD lắp ráp trong nước tăng +19% và số lượng xe CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm -33%. Đối với xe thương mại, tổng số lượng xe đã sụt giảm -19%, số lượng xe CKD lắp ráp trong nước cũng giảm ở mức ít hơn -16% trong khi số lượng xe CBU nhập khẩu nguyên chiếc giảm -25%.
Như vậy, đến thời điểm này, công ty TNHH Á Châu là đại diện đầu tiên lên tiếng về việc áp dụng chính sách giảm 50% phí trước bạ cho không chỉ xe lắp ráp trong nước mà CKD còn cho cả xe nhập khẩu CBU. Theo công ty TNHH Á Châu, việc giảm phí trước bạ không chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô mà còn hỗ trợ cho các khách hàng đang có nhu cầu mua xe trong giai đoạn này.
Hoàng Hiển