Thành công của Ford Ranger tại Việt Nam không chỉ đến từ chất lượng sản phẩm mà còn được tạo dựng bởi nhiều yếu tố khác.

Nhắc đến phân khúc xe bán tải tại Việt Nam, Ford Ranger có thể xem là biểu tượng khi thống trị 10 năm liên tiếp với doanh số áp đảo các đối thủ cùng ‘‘hạng cân’’ và thậm chí là thường xuyên xuất hiện trong top 10 mẫu ô tô bán chạy nhất toàn thị trường. Thậm chí, Ford Ranger có thể xem là hiện tượng lạ khi bất chấp việc bản mới sắp được ra mắt, người dùng vẫn tích cực săn đón bản cũ. Đơn cử như ở tháng 7 vừa qua Ranger bán được tới 1.306 xe, trong khi đó thế hệ mới với nhiều nâng cấp ấn tượng đã có thông tin là sẽ được ra mắt Việt Nam trong tháng 8 này.

Vậy điều gì đã tạo nên được thành công của Ford Ranger tại Việt Nam? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

Với bất kỳ một sản phẩm nào, yếu tố thương hiệu luôn là một khía cạnh mà nhà sản xuất không thể bỏ qua khi triển khai các chiến dịch kinh doanh, đặc biệt là đối với sản phẩm có giá trị cao như ô tô. Nhắc đến xe Nhật người ta sẽ nghĩ ngay đến sự bền bỉ, thời trang phải gặp xe Hàn còn muốn xe cơ bắp, mạnh mẽ chắc chắn phải tìm đến xe Mỹ và đây chính là điểm xuất phát của Ranger nói riêng và các sản phẩm của Ford nói chung.

Bản thân Ford cũng là một hãng xe lâu đời, tạo dựng được danh tiếng không chỉ tại Việt Nam mà còn khắp trên thế giới. Các dòng xe đến từ thương hiệu này luôn sở hữu vẻ ngoài khỏe khoắn đậm chất Mỹ, cùng với đó là chất lượng bền bỉ không kém gì xe Nhật đã được chứng thực qua năm tháng. Do đó khi tìm mua xe, ô tô của Ford vẫn luôn xuất hiện trên cán cân lựa chọn của người dùng và hiển nhiên nếu mua bán tải, Ranger là cái tên không thể bỏ qua.
Bán tải là dòng xe được sinh ra để phục vụ các công trường. Thiết kế thùng sau và treo sau dạng nhíp dùng để chở nguyên vật liệu, gầm cao và động cơ mạnh mẽ là để vượt qua địa hình khó nơi các mẫu xe tải thông thường không thể ‘‘đặt chân’’. Chính vì khả năng off-road ấn tượng đó, dòng xe bán tải ngày càng được nhiều người dùng Việt tìm đến dù là để phục vụ công việc hay là để thỏa mãn thú vui chinh phục cùng khám phá.
Ở những năm trước đây, khi nhiều hãng xe vẫn còn nhìn nhận bán tải là dòng xe “cơm áo gạo tiền” thì Ford đã mở lối đi riêng cho Ranger. Vẫn có những phiên bản thấp để làm xe phục vụ công việc nhưng ở các bản cao, Ranger được trau chuốt với nhiều trang bị nổi bật hơn các đối thủ và có phần gần với các mẫu ô tô du lịch trên thị trường, khiến Ranger trở thành mẫu bán tải hoàn toàn phù hợp với việc di chuyển hàng ngày, thậm chí, còn trở thành một thú chơi.

Khi cộng đồng đủ mạnh thì đi kèm với đó sẽ là các phụ tùng, đồ chơi thay thế giúp người dùng thỏa thích cá nhân hóa mẫu xe của mình và hiển nhiên nếu so với các đối thủ khác. Với lợi thế là mẫu xe tạo ra trào lưu đó, Ford Ranger ngày càng thu hút được nhiều người dùng mới đến với dòng xe bán tải, không chỉ để kiếm phương tiện phục vụ công việc mà còn để khoe cá tính của bản thân.
So với các dòng xe ô tô du lịch, giá bán của các mẫu xe thuộc phân khúc bán tải không hề thấp, thông thường dao động từ 600 – 900 triệu đồng tùy phiên bản. Bù lại, dòng xe bán tải lại có lợi thế nằm ở các loại thuế phí liên quan. Cụ thể khi đăng ký lần đầu, người dùng sẽ phải đóng thuế trước bạ từ 10 – 12% giá bán của xe tùy địa phương đối với các dòng xe du lịch nhưng mức nộp của bán tải chỉ là 6 – 7,2%. Bên cạnh đó, phí đăng ký xe mới của xe bán tải cũng chỉ khoảng 500 nghìn đồng, trong khi đó với ô tô du lịch người dùng sẽ phải nộp tới 20 triệu đồng.
Chính vì việc sở hữu chi phí lăn bánh rẻ hơn nhiều so với ô tô du lịch, bán tải ngày càng được nhiều người xem mà một lựa chọn bốn bánh phù hợp để tiết kiệm chi phí. Trong đó ở tại phân khúc này, Ford Ranger hiện đang là mẫu xe duy nhất được lắp ráp trong nước và điều này lại tạo càng tạo thêm lợi thế cạnh tranh. Đầu tiên, việc lắp ráp trong nước khiến nguồn cung của Ford Ranger dồi dào hơn đối thủ. Tiếp đến, ở những dịp đặc biệt như giai đoạn 1/12/2021 – 31/5/2022 vừa qua, Nhà nước đã một lần nữa áp dụng chính sách miễn 100% lệ phí trước bạ cho các dòng xe ô tô lắp ráp trong nước nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp nội địa gặp ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Điều này khiến Ford Ranger trở thành mẫu xe duy nhất ở phân khúc bán tải được miễn thuế trước bạ trong quãng thời gian đó, tạo được sức hút bùng nổ và thậm chí có tháng còn đứng đầu toàn thị trường về sức tiêu thụ.
Bên cạnh chất lượng của sản phẩm, các chiến lược truyền thông đúng đắn cũng là một trong những yếu tố quan trọng xác lập địa vị “vua bán tải” của Ford Ranger.

So với các thị trường trong khu vực (Thái Lan), nhu cầu về xe bán tại ở Việt Nam là thấp. Hơn 364.800 xe bán tải mới được tiêu thụ ở Thái Lan 2020, trong khi con số tại Việt Nam là 19.760 xe, gấp gần 19 lần. Nhìn rộng ra thì do hệ thống hạ tầng, hành vi, thói quen sử dụng ô tô ở Việt Nam, nhu cầu sử dụng xe bán tải để vận chuyển là không cao. Nếu cần chuyên chở hàng hóa, người ta sẽ sử dụng xe tải nhỏ, rẻ tiền, cơ động và hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều.

Do vậy, để có doanh số lớn hơn đòi hỏi cần thu hút được nhóm đối tượng lớn hơn, cho họ 1 lý do để mua và sở hữu 1 chiếc xe bán tải, dù nhu cầu lý tính không quá lớn. Như vậy, để thuyết phục khách hàng mua bán tải, cần nhiều yếu tố "cảm tính" hơn, thay vì đơn thuần chỉ thuyết phục họ mua xe phục vụ nhu cầu chuyên chở hay công việc. Ford Việt Nam đã làm điều đó rất thành công.

THÁP NHU CẦU MASLOW

Nếu ứng dụng tháp nhu cầu Maslow vào các sản phẩm xe bán tải ở Việt Nam, thì các hãng xe Nhật Bản - thông qua các hoạt động truyền thông “bán” cho người tiêu dùng sự bền bỉ, sức mạnh, hay khả năng vận hành…- nó là những phần nhu cầu cốt lõi của người tiêu dùng cần ở 1 chiếc xe bán tải. Ford Việt Nam lựa chọn khác. Nhìn vào các ấn phẩm truyền thông của Ford Ranger, người ta nhìn thấy những cách tiếp cận đầy đủ hơn, từ “lý tính” đến “cảm tính”.

Hãy bắt đầu bằng “Built Ford Tough” (tạm dịch: Mạnh mẽ đậm chất Ford). Khẩu hiệu này được đơn vị truyền thông của hãng xe Mỹ sử dụng lần đầu vào năm 1979 và xuyên suốt nhiều năm, hãng đã có nhiều chiến dịch quảng cáo xoay quanh để tạo được ấn tượng mạnh cho người tiêu dùng về sự cứng cáp cũng như bền bỉ của các dòng xe bán tải đến từ Ford. Những chiến dịch này đánh đúng vào nhu cầu của những người dùng khi tìm kiếm một mẫu xe bán tải để phục vụ công việc.

Sau đó là những bước chuyển biến đầy ấn tượng: Bán tải được sử dụng để chinh phục những ước mơ, lẽ sống trong cuộc đời - “Live the Ranger Life” (Sống “chất” như Ranger).
Chiến dịch này được triển khai nhằm tôn vinh lối sống riêng và sức mạnh tiềm ẩn của mỗi người chủ xe Ranger cũng như truyền cảm hứng cho những khách hàng mới cùng tiếp bước và hành trình “sống chất” cùng mẫu xe được mệnh danh là “vua bán tải” tại Việt Nam.

Và đã là “King of Pick - up” thì không thể thiếu “Queen”, thông điệp “Ranger for her” ra đời, một lần nữa khẳng định, bán tải không chỉ dành cho công việc, cho đàn ông, mà còn cho những người phụ nữ sống hết mình với công việc và với đam mê.
Tạm gác những yếu tố trên sang một bên, nguyên nhân lớn dẫn đến thành công của Ford Ranger tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chính là việc không ngừng nâng cấp để theo kịp xu thế của thời đại. Mẫu bán tải này vẫn luôn được đánh giá cao là một trong những sản phẩm sở hữu nhiều công nghệ nhất phân khúc nhưng ở lần nâng cấp lên thế hệ mới vừa qua, Ford Ranger lại gây ấn tượng từ diện mạo cho đến trang bị bên trong.
Ở thế hệ mới, Ford Ranger 2022 được phát triển dựa trên ý kiến đóng góp từ phía khách hàng, tạo nên một mẫu xe bán tải không chỉ phù hợp cho công việc mà còn đủ yếu tố để phục vụ gia đình. Ngoại thất được trau chuốt hơn với những đường nét cơ bắp, lưới tản nhiệt hình chữ nhật cỡ lớn, cụm đèn chiếu sáng trước tạo hình chữ “C” độc đáo đi kèm công nghệ LED Matrix lần đầu xuất hiện, có khả năng tự động cân bằng góc chiếu và điều chỉnh cường độ của chùm đèn pha. Không chỉ vậy, ở phía thùng sau Ford đã tinh ý khi thiết kế thêm một bệ bước giúp người dùng dễ dàng chất hoặc tháo dỡ hàng, dụng cụ khiến mẫu bán tải này càng thực dụng.
Nội thất của Ford Ranger 2022 cũng đem lại cảm giác choáng ngợp cho người ngồi với hàng loạt trang bị hiện đại trên bản Wildtrak cao cấp nhất ví dụ như bảng đồng hồ kỹ thuật số sau vô lăng, màn hình 12 inch đặt dọc tích hợp hệ thống thông tin giải trí SYNC 4 mới nhất của Ford. Các trang bị tiện nghi gồm có điều hòa tự động, ghế lái chỉnh điện, đề nổ nút bấm, phanh tay điện tử, sạc điện thoại không dây và một điểm khá tinh tế của nhà sản xuất đó chính là việc thiết kế vị trí đặt cốc nước ở ngay cửa gió điều hòa giúp đồ uống luôn ấm hoặc mát tùy theo nhiệt độ trong xe. Với những “option” như vậy, người dùng hoàn toàn có thể sử dụng Ranger mới làm phương tiện phục vụ gia đình hàng ngày.
Về khả năng vận hành, Ford Ranger 2022 vẫn có 2 tùy chọn động cơ dầu có dung tích 2.0L, tăng áp đơn hoặc tăng áp kép như trước đây nhưng đã được tinh chỉnh để mượt mà và mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, khả năng cách âm của xe đã được hãng cải thiện, hạn chế nhược điểm của xe động cơ dầu là ồn ào.

Công nghệ an toàn của Ford Ranger 2022 vẫn tiếp tục được kế thừa từ đời trước và cải tiến. Ví dụ như hệ thống kiểm soát tốc độ tự động thông minh kết hợp với hệ thống duy trì làn đường, phanh sau va chạm, hỗ trợ phanh khi lùi, cảnh báo va chạm và phanh khẩn cấp, Camera 360 độ,... Đáng chú ý, xe còn được bổ sung cả camera gầm trước sẽ tích hợp hiển thị cùng camera 360 độ ở màn hình giải trí trong xe, giúp người điều khiển dễ dàng chinh phục địa hình xấu cùng Ranger mới.
9 năm liên tiếp giữ vững vị trí dẫn đầu phân khúc bán tải với hơn 60% thị phần, chiếm hơn 50% tổng sản lượng bán ra mỗi năm của Ford, đạt doanh số hơn 105.000 chiếc bán ra từ trước tới nay là những thành tựu của Ranger tại thị trường Việt Nam. Hoành tráng là vậy nhưng Ford chưa bao giờ “ngủ quên trên chiến thắng”, bằng chứng là thế hệ mới của Ranger hứa hẹn sẽ tiếp tục ghi dấu thêm những cột mốc còn đáng nhớ hơn nữa.
  • Nội dung: Lâm Nguyễn
  • Đồ họa: Tensai Nguyễn
  • Nguồn: