-
Nguồn:
Nhìn lại năm 2020, thị trường ô tô Việt Nam quả thực có nhiều biến động, từ nửa đầu năm trì trệ do gặp phải tác động của đại dịch Covid-19 cho đến nửa cuối năm thăng hoa nhờ ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ từ Nghị định 70/2020/NĐ-CP. Trong quá trình đó cũng có nhiều điểm nhấn, điển hình như sự vươn lên của VinFast – hãng xe Việt còn non trẻ và đặc biệt là sự trỗi dậy của những mẫu xe đến từ các thương hiệu Hàn Quốc.
Tại Việt Nam, có 2 thương hiệu Hàn Quốc là Hyundai (được phân phối bởi TC Motor) và Kia (thuộc THACO Trường Hải) còn các hãng xe Nhật Bản gồm có các nhãn hàng đại diện như Toyota, Honda, Mazda, Suzuki, Mitsubishi, Nissan, Subaru và Isuzu. Theo kết quả bán hàng được Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) và TC Motor công bố, xét riêng xe ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống trong năm 2020 có tổng cộng 112.379 xe Hyundai và Kia được bán ra thị trường, tăng 12,6% so với năm 2019. Về phía xe Nhật Bản, số liệu thống kê lượng xe con bán ra của những thương hiệu trên có tổng cộng 165.140 xe (không tính Subaru, Lexus, Nissan vì 3 hãng xe này không công bố doanh số trong năm 2020) và giảm 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Có thể thấy rằng, dù có nhiều thương hiệu hơn nhưng cán cân cạnh tranh cũng không quá nghiêng về phía xe Nhật Bản. Nếu xét riêng thương hiệu đơn lẻ, Hyundai là hãng bán nhiều ô tô du lịch từ 9 chỗ ngồi trở xuống nhất Việt Nam trong năm vừa qua: 73.199 xe, bỏ xa “đầu tàu” phía Nhật Bản là Toyota (70.692 xe).
Tất nhiên mẫu xe có sức tiêu thụ tốt nhất toàn thị trường ở năm 2020 vẫn là Toyota Vios với kết quả bán hàng đạt 30.251 xe, bỏ xa Hyundai Accent ở vị trí số 2 tới gần 10.000 chiếc, thế nhưng cũng không thể phủ nhận sự chiếm lĩnh của các mẫu xe Hàn Quốc. Nhìn vào bảng xếp hạng 10 mẫu xe ô tô bán chạy nhất năm 2020, có tới 4 mẫu xe Hàn góp mặt là Hyundai Accent, Hyundai Grand i10, Hyundai Santa Fe và Hyundai Tucson còn xe Nhật Bản cũng chiếm 4 vị trí gồm Toyota Vios, Mitsubishi Xpander, Mazda CX-5 và Honda CR-V.
Địa vị số 1 của Toyota Vios cũng không còn được củng cố quá vững chắc như những năm trước đây mà cũng có tháng bị một số mẫu xe khác vượt qua. Thậm chí, có 3 lần Hyundai Accent vượt qua Vios và trở thành mẫu xe bán chạy nhất phân khúc sedan hạng B, cụ thể là tháng 1/2020 và 2 tháng đầu năm 2021.
Bên cạnh đó, 2020 còn có một dấu ấn đáng chú ý, đó chính là sự ra mắt của Kia Seltos. Dù rằng đó là lần đầu tiên mẫu xe này được giới thiệu tại Việt Nam thế nhưng “tân binh” này lại làm được điều mà chưa một mẫu xe nào thành công tại nước ta, đó chính là đạt đỉnh phân khúc ngay từ tháng đầu giao xe (tháng 9/2020). Kể từ đó cho đến nay, Kia Seltos vẫn luôn dẫn đầu phân khúc SUV đô thị cỡ B và thậm chí còn thường xuyên nằm trong tình trạng khan hàng.
Thương hiệu Hyundai lần đầu được giới thiệu tại Việt Nam vào năm 2009 còn Kia có “thâm niên” cao hơn, từ năm 2007. Thời kỳ đầu, các dòng xe du lịch đến từ 2 thương hiệu này không được đánh giá cao do chất lượng hoàn thiện, chi phí sử dụng và giá trị bán lại không được tốt như xe Nhật Bản.
Thế nhưng trải qua hơn 10 năm phát triển, chất lượng của xe Hàn Quốc giờ đây đã cao hơn rất nhiều. Động cơ ít hỏng vặt, có độ bền qua năm tháng sử dụng và đồng thời cũng có khả năng tiết kiệm nhiên liệu, ngoài ra chi phí cho các phụ tùng, linh kiện thay thế cũng đã “mềm” hơn nhiều. Những điều này dẫn đến việc chi phí bảo dưỡng và sử dụng của xe Hàn Quốc giờ đây đã thấp hơn, khiến người dùng phổ thông dễ dàng chấp nhận và tin tưởng.
Dẫu vậy, vẫn có một số điểm xe Hàn Quốc chưa bằng xe Nhật Bản, ví dụ như độ hoàn thiện khi lắp ráp, chất lượng thân vỏ chưa có độ đầm hoặc dày dặn như xe Nhật Bản. Nhưng đối với nhiều người dùng, đây không phải là điểm trừ quá lớn.
Nắm bắt được nhu cầu sở hữu ô tô của người Việt ngày càng tăng, các hãng xe Hàn Quốc lựa chọn lối tiếp cận khác với các thương hiệu Nhật Bản, đó chính là sử dụng giá bán làm lợi thế cạnh tranh.
So với các đối thủ cùng phân khúc, những mẫu xe Hàn Quốc thường có giá bán lẻ đề xuất dễ tiếp cận hơn so với xe Nhật Bản, cả ở mức khởi điểm lẫn mức cao nhất. Lấy ví dụ như phân khúc sedan hạng B, Kia Soluto là sản phẩm có giá thấp nhất trong phân khúc (369 – 469 triệu đồng), ngang với một mẫu hatchback hạng A như VinFast Fadil; Hyundai Accent cũng giữ được khoảng cách về giá tới hàng chục triệu so với đối thủ, khởi điểm từ 426 triệu và cao nhất lên tới 542 triệu đồng. Trong khi đó, Honda City được phân phối với giá niêm yết từ 529 triệu cho tới 599 triệu đồng còn Toyota Vios hiện đang có giá cao nhất phân khúc sedan hạng B: 470 – 630 triệu đồng.
Hoặc giả như nhìn vào trường hợp của Hyundai Tucson. Mẫu xe này đang có giá bán lẻ đề xuất thuộc hàng thấp nhất trong phân khúc crossover cỡ C, khởi điểm từ 799 triệu và cao nhất lên tới 940 triệu đồng. Tuy rằng sức bán của Tucson chưa đủ để đạt đỉnh phân khúc nhưng nhìn chung vẫn hút khách Việt xuống tiền chốt “đơn”, bằng chứng là sự góp mặt của mẫu xe này trong danh sách 10 mẫu ô tô bán chạy nhất Việt Nam năm 2020 với tổng cộng 10.872 xe được bán ra.
Hay như trường hợp của Kia Seltos, tân binh phân khúc SUV đô thị cỡ B lần đầu ra mắt Việt Nam vào tháng 7/2020. Tuy rằng giá bán của Kia Seltos vẫn cao hơn Ford EcoSport nhưng THACO lại khá khôn ngoan khi ấn định cho Seltos mức giá ưu đãi từ 599 – 719 triệu đồng, thấp hơn Hyundai Kona – sản phẩm vốn có sức bán tốt nhất phân khúc B-SUV lúc bấy giờ. Đây cũng chính là một trong những yếu tố giúp Kia Seltos nhanh chóng thu hút sự quan tâm của người dùng ngay khi vừa ra mắt, xác lập kỷ lục hơn 2.000 đơn hàng chỉ sau 10 ngày được giới thiệu.
Giá bán hấp dẫn đúng là một lợi thế lớn khi cạnh tranh tại thị trường Việt Nam nhưng lại không phải là yếu tố quyết định tất cả. Có thể nói rằng trong việc nắm bắt xu thế, thị hiếu của người tiêu dùng thì các hãng xe Hàn Quốc có phần cấp tiến hơn các thương hiệu Nhật Bản.
Sự đi lên của đời sống xã hội khiến việc sở hữu ô tô không còn là giấc mơ quá khó khăn để hiện thực hóa. Giờ đây, người Việt cần nhiều hơn chỉ là một phương tiện di chuyển che nắng, che mưa hàng ngày và ngày càng nhiều người trẻ có tiềm lực tài chính để đến với xe ô tô chứ không chỉ lứa tuổi trung niên. Với nhiều người, ô tô còn là một tài sản để thể hiện địa vị hoặc đơn giản là “bộ mặt” để chứng minh giá trị của những tháng ngày nỗ lực. Do đó, người dùng Việt ngày nay quan tâm nhiều đến tính thẩm mỹ của một mẫu xe ô tô, đồng thời cũng chú trọng nhiều hơn đến trang bị (option).
Góc độ này cũng được các hãng xe Hàn Quốc tập trung khai thác, vì lẽ đó những sản phẩm đến từ thương hiệu Hyundai và Kia tại Việt Nam thường được đánh giá là “thời trang” hơn đối thủ. Tất nhiên yếu tố thẩm mỹ xấu hay đẹp sẽ tùy theo quan điểm của mỗi người nhưng không thể phủ nhận rằng đối với giới trẻ, những mẫu xe Hàn Quốc có tính “hút mắt” hơn là xe Nhật Bản.
Bên cạnh đó, các hãng xe Hàn Quốc cũng chú trọng nhiều hơn về những trang bị an toàn, tiện nghi trên xe. Tuy rằng không đến mức “option miên man” nhưng cũng tương đối đầy đủ so với tầm tiền, đặc biệt là các tiện nghi trong nội thất. Đây cũng chính là lý do dẫn đến sự thành công của một số mẫu xe như Hyundai Kona.
Trước năm 2018, SUV đô thị cỡ B là phân khúc độc quyền của Ford EcoSport thế nhưng kể từ lúc Hyundai Kona xuất hiện, mẫu B-SUV đến từ hãng xe Mỹ dần tụt lại phía sau dù rằng sở hữu giá bán rẻ hơn đối thủ Hàn Quốc. Dẫu có giá cao hơn, thế nhưng Hyundai Kona ghi điểm ở việc sở hữu ngoại thất/nội thất thời trang, có tùy chọn động cơ tăng áp 1.6L mạnh mẽ, trang bị tiện nghi và an toàn đầy đủ.
Cho đến năm 2020, lịch sử lại một lần nữa lặp lại với sự xuất hiện của Kia Seltos. Tuy rằng động cơ và các tính năng an toàn toàn của tân bình này không vượt qua Hyundai Kona, thế nhưng mẫu xe này lại được đánh giá là có thiết kế bắt mắt hơn người đồng hương và các tiện nghi có phần nổi trội hơn, đặc biệt là đèn trang trí nội thất 8 màu trên phiên bản cao cấp nhất – trang bị vốn chỉ xuất hiện trên những mẫu xe sang. Những điều kiện trên phối hợp với yếu tố giá bán hấp dẫn hơn Kona khiến Kia Seltos nhanh chóng trở thành sản phẩm dẫn đầu phân khúc về sức bán và thậm chí còn thường xuyên nằm trong tình trạng khan hàng, người dùng đặt cọc phải chờ 1 – 3 tháng mới được nhận xe.
Một ví dụ khác đáng đề cập chính là Hyundai Accent 2021. Dù chỉ là phiên bản nâng cấp giữa vòng đời nhưng mẫu sedan hạng B này lại sở hữu thiết kế ngoại thất gần như lột xác, đem tới cho người dùng sự mới mẻ về ánh nhìn nhưng giá bán lẻ đề xuất lại không đổi, vẫn giữ nguyên so với đời cũ. Bên cạnh đó, Hyundai Accent 2021 còn có nhiều trang bị tiện nghi mới, ví dụ như màn hình cảm ứng 8 inch có hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto, cửa sổ trời, cửa gió cho hàng ghế sau – trang bị mà “vua doanh số” Toyota Vios không có. Đặc biệt, Hyundai Accent 2021 còn có tính năng khởi động từ xa vô cùng thiết thực tại Việt Nam trong những ngày hè nắng nóng.
Tất nhiên, trong phân khúc sedan hạng B không phải riêng mình Hyundai Accent 2021 sở hữu tính năng “sang chảnh” này mà còn có cả Honda City 2021 nữa thế nhưng chỉ có trên phiên bản RS cao cấp nhất có giá 599 triệu đồng, nhỉnh hơn Accent tới hơn 50 triệu đồng.
Ngoài bản thân sản phẩm, nước đi phát triển của TC Motor hay THACO Trường Hải cũng là nhân tố quan trọng quyết định đến thành công của xe Hàn Quốc. Hyundai tại Việt Nam được phân phối bởi TC Motor còn xe Kia bán ra dưới “cờ” của THACO và cả 2 doanh nghiệp này đều là của người Việt.
Người Việt thì hiểu người Việt, cũng như nắm bắt được rõ các vấn đề về quy định hay chế độ được Nhà nước ban hành. Vì lẽ đó, cả TC Motor lẫn THACO lại có một sự “thống nhất” trùng hợp đến lạ kỳ, đó là tập trung lắp ráp trong nước các dòng xe của Hyundai và Kia thay vì nhập khẩu một số mẫu như các hãng xe khác như Toyota, Honda hay Ford,…
Việc lắp ráp toàn bộ sản phẩm trong nước, đầu tư dây chuyền hiện đại, gia tăng tỉ lệ nội địa hóa chính là những tiền đề giúp TC Motor và THACO ấn định được giá bán cạnh tranh cho xe Hyundai và Kia tại Việt Nam mà không phải “cắt lỗ”. Bên cạnh đó, cả 2 doanh nghiệp này đều đang đẩy mạnh việc phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô nhằm hướng tới việc xuất khẩu xe ra các thị trường khu vực và thế giới. Phát triển công nghiệp phụ trợ ô tô sẽ giúp TC Motor và THACO gia tăng tỉ lệ nội địa hóa các linh kiện, phụ tùng cần cho việc sản xuất xe hơi, từ đó sẽ giảm được giá thành, đem lại cho người Việt những sản phẩm có giá bán “mềm” hơn nữa.
Tổ hợp này được xây dựng trên tổng diện tích 340 ha với vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế. Những sản phẩm của Tổ hợp sẽ là nguồn cung cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ô tô hiện tại của Tập đoàn Thành Công và hướng tới việc xuất khẩu ra các thị trường khu vực và thế giới.
Nói qua cũng phải nói lại, các hãng xe Nhật Bản cũng không hề dậm chân tại chỗ mà thực tế, xu hướng trẻ hóa toàn cầu đã lan tỏa ở các thương hiệu đến từ xứ sở hoa anh đào trong những năm gần đây. Chẳng qua, làn sóng đổi mới của xe Nhật thường “gõ cửa” Việt Nam muộn hơn các thị trường quốc tế.
Từ năm 2019 đổ về trước, một mẫu xe ô tô Nhật Bản được nâng cấp tại Việt Nam thường chậm hơn các nước trong khu vực Đông Nam Á từ nửa năm trở lên thế nhưng giờ đây, chu kỳ này đã được rút gọn xuống còn khoảng 1 - 2 tháng. Tất nhiên không phải hãng xe Nhật Bản nào tại nước ta cũng xúc tiến việc đổi mới nhưng ví dụ rõ ràng nhất chính là Toyota Việt Nam.
Trong năm 2020, thương hiệu “thiện lành” tại nước ta đã có lột xác khỏi phong cách bị đánh giá là “cằn cỗi” khi liên tục nâng cấp những mẫu xe nằm trong danh mục sản phẩm và đem về dòng xe mới. Bên cạnh đó, Toyota Việt Nam cũng bắt đầu chú trọng đến “option” hơn, ví dụ như gói công nghệ Toyota Safety Sense xuất hiện trên nhiều mẫu xe như Toyota Corolla Cross 2021, Toyota Fortuner 2021 hay Toyota Hilux 2021 với nhiều tính năng hiện đại như hệ thống cảnh báo tiền va chạm PCS, hệ thống kiểm soát hành trình chủ động DRCC, hệ thống cảnh báo lệch làn đường LDA,...
Toyota Corolla Cross còn là mẫu xe phổ thông đầu tiên tại Việt Nam có cả phiên bản Hybrid. Cùng với giá bán lẻ đề xuất tương đối hấp dẫn (720 – 918 triệu đồng), mẫu C-SUV này nhanh chóng hút khách Việt. Thế nhưng do được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, mẫu xe này thường xuyên nằm trong tình trạng khan hàng và yêu cầu người dùng phải đặt cọc chờ xe.
Dù là xe Nhật Bản hay Hàn Quốc hoặc bất cứ thương hiệu nào, có cạnh tranh sẽ có cải tiến. Đây là điều hết sức có lợi đối với thị trường Việt Nam bởi những sản phẩm mới sẽ không ngừng được đưa về, những dòng xe hiện có sẽ tiếp tục được nâng cấp. Đặc biệt, với sự nổi lên của sân chơi giá bán và “option”, khách hàng sẽ là người hưởng lợi trực tiếp khi có nhiều sự lựa chọn hơn, các sản phẩm cũng có nhiều tiện nghi và an toàn hơn trước đây.
Nhìn chung, sự đi lên của các thương hiệu Hàn Quốc tại Việt Nam là điều không thể chối bỏ. Nhưng nếu nói rằng tương lai sẽ thuộc về các hãng xe đến từ xứ sở Kim Chi lại hoàn toàn không có cơ sở bởi giờ đây xu hướng trẻ hóa toàn cầu của xe Nhật Bản đã đến với nước ta. Giá bán, “option” là những khía cạnh các hãng xe không ngừng khai thác để cạnh tranh nhưng quan trọng nhất vẫn là khả năng “gãi đúng chỗ ngứa”, đem tới những sản phẩm phù hợp với nhu cầu của người Việt.
Bên cạnh đó, thị trường ô tô nước ta cũng đã dần có xu hướng thế chân vạc, không còn chỉ là cuộc đua giữa xe Hàn Quốc và xe Nhật Bản mà đã có sự xuất hiện của VinFast. Hãng xe Việt tuy còn non trẻ nhưng đã gặt hái được nhiều thành công với những mẫu xe đang nhận được nhiều sự đón nhận của người dùng nước nhà.