Cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô vừa mát vừa tiết kiệm
16:40 - 10/06/2020
Một trong những động lực thúc đẩy mọi người mua ô tô thay cho xe máy chính là hệ thống điều hòa. Nhờ hệ thống điều hòa, người dùng ô tô không còn phải chịu đựng cảm giác nóng nực khi đi ngoài đường vào mùa hè hay giá lạnh vào mùa đông.
Thật không quá lời khi khẳng định điều hòa là một trong những trang bị tiện ích thiết thực và quan trọng nhất trên ô tô. Điều hòa ô tô quen thuộc là thế nhưng không phải ai cũng biết sử dụng trang bị này đúng cách. Vì vậy, trong bài viết dưới đây, Tinxe.vn sẽ hướng dẫn các bạn cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô "chuẩn".
Thông thường có những cách sử dụng điều hòa vừa hiệu quả vừa tiết kiệm sau:
- Làm giảm nhiệt độ trong xe trước khi bật điều hòa
- Khởi động máy rồi mới bật điều hòa
- Điều chỉnh quạt gió và nhiệt độ thích hợp
- Chọn chế độ lấy gió phù hợp
- Tắt điều hòa khi đi vào đường ngập nước
- Tắt điều hòa rồi mới tắt máy xe
- Bảo dưỡng điều hòa định kỳ
- Vệ sinh và thay lọc gió điều hòa ô tô
Tại sai cần làm giảm nhiệt độ trong xe trước khi bật điều hòa?
Việc làm giảm nhiệt độ trong xe trước khi bật điều hòa sẽ giúp giảm tải cho hệ thống điều hòa, từ đó tiết kiệm nhiên liệu.
Vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ bên trong những chiếc ô tô đỗ ngoài trời thường khá cao. Theo thử nghiệm của Tinxe.vn vào hồi tháng 5 vừa qua tại Hà Nội, nhiệt độ bên trong một chiếc ô tô đỗ ngoài trời 45 phút có thể đạt mức 50 độ C. Do đó, khi vừa vào trong xe, nhiều người đã lập tức bật điều hòa lên để làm dịu bớt cảm giác nóng nực và ngột ngạt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia tư vấn, đây không phải là một thói quen tốt.
Thay vì bật điều hòa lên luôn, người dùng ô tô nên làm các thao tác để giảm nhiệt độ trong xe trước. Cụ thể, người dùng có thể khởi động máy rồi hạ kính cửa sổ bên ghế hành khách xuống và đóng/mở cửa xe vài lần để quạt bớt hơi nóng bên trong ra ngoài.
Quạt khí nóng ra khỏi ô tô trước khi bật điều hòa
Khởi động máy rồi mới bật điều hòa
Bạn nên đỗ ô tô dưới bóng mát để tránh ánh nắng gay gắt sẽ khiến nội thất xe bị tác động, xuất hiện mùi độc hại từ nước sơn, nhựa và ghế da. Đồng thời, để làm mát khí nóng tích tụ ở cabin, máy điều hoà sẽ tiêu hao rất nhiều nhiên liệu.
Trong trường hợp bất đắc dĩ không tìm được tán cây, chỗ râm mát để đỗ xe, bạn hãy trang bị các phụ kiện như bạt phủ xe, chắn nắng trước. Bên cạnh đó, bạn nên hạ cửa kính xe xuống từ 1-2 cm khi đỗ giúp không khí được lưu thông.
Một số tài xế có thói quen vừa bước vào trong xe đã mở hệ thống điện và bật điều hòa của xe rồi mới khởi động máy. Tuy nhiên, đây là cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô nên tránh vì sẽ gây tốn điện của ắc-quy và về lâu về dài ảnh hưởng đến tuổi thọ của hệ thống làm lạnh. Thay vào đó, người dùng nên khởi động máy và làm giảm nhiệt độ trong xe như hướng dẫn ở trên. Sau khoảng 10 phút, các bạn hãy đóng kín các cửa rồi mới bật điều hòa. Việc đóng kín cửa sẽ vừa giúp không gian bên trong xe nhanh mát hơn và vừa tiết kiệm nhiên liệu.
>>> Xem thêm: Nắng nóng đỉnh điểm, mách bạn cách chọn rèm che nắng tốt, giá hợp lý cho ô tô
Điều chỉnh quạt gió và nhiệt độ thích hợp
Sau khi đã bật điều hòa ô tô, người dùng nên giảm dần tốc độ quạt gió để tiết kiệm điện năng. Bên cạnh đó, khi mới bật điều hòa, bạn cũng không nên chọn mức làm lạnh cao nhất. Nếu không, hệ thống làm lạnh sẽ phải hoạt động quá sức dẫn đến nhanh hỏng và tốn nhiên liệu của xe.
Bạn nên sử dụng điều hòa linh hoạt, điều chỉnh công suất điều hoà thích hợp tùy thuộc vào số lượng hành khách. Bạn có thể để thiết bị này từ từ làm lạnh, tránh trường hợp điều hòa phải thay đổi nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đột ngột.
Ngoài ra, bạn cũng cần chú ý điều chỉnh cửa gió. Gió phả thẳng vào mặt sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Tuy nhiên cũng không nên hướng gió về phía kính vì sẽ kính xe đọng hơi nước.
Chọn chế độ lấy gió thế nào cho phù hợp?
Chọn chế độ lấy gió cho phù hợp chính là một trong những cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô mà các tài xế cần biết. Hiện nay, hệ thống điều hòa trên ô tô thường có 2 chế độ lấy gió là lấy gió trong (Recirculation mode) và lấy gió ngoài (Fresh Air mode).
Nút chọn chế độ lấy gió trong và lấy gió ngoài
Theo các chuyên gia tư vấn, người dùng nên để chế độ lấy gió trong sau khi bật điều hòa để làm mát cho xe nhanh hơn. Khi chạy trên những đoạn đường nhiều khói bụi hay có mùi khó chịu, người dùng cũng nên để chế độ lấy gió trong nhằm đảm bảo cảm giác dễ chịu và bảo vệ sức khỏe. Khi trời mưa, chế độ lấy gió trong sẽ giúp tránh tình trạng không khí ẩm lọt vào trong xe gây ẩm mốc.
Tuy nhiên, khi chạy đường dài, nếu tài xế chỉ để chế độ lấy gió trong thì lượng ô-xy trong xe sẽ giảm dần. Điều này có thể gây ra tình trạng uể oải, mệt mỏi cho những người ngồi trong xe. Vì thế, khi đi qua những khu vực ít khói bụi, có không khí trong lành, người dùng nên để chế độ lấy gió ngoài để đảm bảo lượng ô-xy trong xe.
Lưu ý, bạn không nên lấy gió ngoài lúc mưa to để tránh bụi bẩn, hơi nước bám vào quạt gió. Khi lái xe đường dài, cứ sau 2 giờ di chuyển liên tục, bạn nên dừng và xuống xe. Điều này không chỉ giúp cơ thể thư giãn mà còn tạo điều kiện cho không khí trong xe lưu thông để tránh cảm giác bí và ngột ngạt.
Có nên tắt điều hòa khi đi vào đường ngập nước?
Vào những ngày trời mưa khiến đường bị ngập sâu, các tài xế lái ô tô nên tắt hệ thống điều hòa của xe. Mục đích của việc làm này là để tránh rác bẩn trong nước làm kẹt quạt gió, gây hỏng hệ thống điều hòa.
Tại sao cần tắt điều hòa rồi mới tắt máy xe?
Một trong những cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô mà các tài xế cần ghi nhớ đó là không tắt máy cùng lúc với điều hòa. Thay vào đó, các bác tài nên tắt hệ thống điều hòa trước rồi mới tắt máy. Khoảng 10 phút trước khi kết thúc hành trình, người lái có thể tắt hệ thống điều hòa rồi mở hé các cửa kính để sự chênh lệch nhiệt độ giữa trong xe và môi trường bên ngoài giảm từ từ. Việc làm này sẽ giúp ắc-quy hoạt động tốt hơn.
Trang kỹ thuật Howstuffworks cho biết, động cơ xe khi khởi động không chịu ảnh hưởng bởi tình trạng bật/tắt của điều hòa. Do hiện nay, hầu hết các xe được tích hợp bộ điều khiển động cơ tự động (ECU), có chức năng tắt các bộ phận không cần thiết (điều hòa, chiếu sáng, radio...) và tập trung nhiên liệu, điện năng cho việc đề nổ, kích hoạt động cơ. Việc tắt điều hòa trước khi dừng xe sẽ giúp tiết kiệm nhiên liệu, giúp người lái tránh bị sốc nhiệt. Ngoài ra, hành động tắt điều hòa, chuyển sang dùng quạt sẽ giúp làm khô cửa gió, loại bỏ khí ẩm đọng lại - nguyên nhân gây ra nâm mốc, mùi hôi khó chịu trên xe.
Bảo dưỡng điều hòa định kỳ
Không chỉ ghi nhớ các cách sử dụng điều hòa trong xe ô tô, người dùng còn cần quan tâm đến việc bảo dưỡng hệ thống này. Theo các chuyên gia tư vấn ô tô, với xe ít dùng thì nên kiểm tra hệ thống điều hòa ô tô định kỳ 1 năm 1 lần và bảo dưỡng theo chu kỳ 2 năm 1 lần. Trong khi đó, đối với xe thường xuyên sử dụng hoặc chạy dịch vụ, người dùng nên kiểm tra hệ thống điều hòa định kỳ 6 tháng 1 lần và bảo dưỡng 12 tháng 1 lần.
Khi nào cần vệ sinh và thay lọc gió điều hòa ô tô?
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, người dùng ô tô nên kiểm tra và vệ sinh lọc gió điều hòa sau mỗi 5.000 km. Người dùng cũng có thể kiểm tra và vệ sinh lọc gió điều hòa ô tô sau mỗi lần thay dầu.
Người dùng đừng quên vệ sinh lọc gió điều hòa trên ô to
Sau mỗi 20.000 km sử dụng, người dùng nên thay lọc gió điều hòa. Nếu thường xuyên đi lại trong môi trường nhiều bụi bẩn, khí hậu nóng ẩm thì bạn nên thay lọc gió điều hòa sớm hơn.
Với bài viết trên, Tinxe.vn hi vọng các bạn đã biết cách sử dụng điều hòa ô tô sao cho vừa mát vừa tiết kiệm nhiên liệu trong mùa hè này.
Lan Quyên