menu

Tính năng an toàn chủ động và bị động: Sự khác biệt, tên từng tính năng cơ bản

01:02 - 04/04/2022

Trong bài viết này, chúng ta sẽ dành chút thời gian để hiểu cơ bản về tính năng an toàn chủ động và bị động trong một chiếc xe ô tô hiện đại.

Mỗi khi bạn ngồi sau tay lái một chiếc xe ô tô, bạn đang chấp nhận mạo hiểm. Suy cho cùng, điều khiển hàng tấn kim loại di chuyển ở tốc độ cao là một nhiệm vụ nguy hiểm, chưa kể những người khác cũng làm như vậy xung quanh bạn. May mắn, các nhà sản xuất xe đã cố gắng hết sức để giảm thiểu rủi ro này bằng cách cho ra đời nhiều thiết bị và hệ thống an toàn sáng tạo dành cho ô tô.

Chúng được chia thành hai hạng mục riêng biệt, tính năng an toàn chủ động và bị động. “Sự khác biệt giữa chúng là gì?” hay “Rốt cuộc loại nào quan trọng hơn?” là những câu hỏi người tiêu dùng thường thắc mắc đối với hai tính năng an toàn chủ động và bị động. Cả hai loại đều được thiết kế để đảm bảo sự sống còn của người ngồi trong xe, nhưng biết cách chúng thực hiện nhiệm vụ ra sao của mình là một thông tin quan trọng có thể ảnh hưởng đến quyết định của một người mua xe.

Các tính năng an toàn chủ động và bị động

Trước khi tìm hiểu kỹ về các thiết bị an toàn trên xe ô tô thuộc loại nào, tốt nhất là chúng ta nên hiểu sơ lược bản chất cách hoạt động của tính năng an toàn chủ động và bị động.

Các hệ thống an toàn bị động là những hệ thống được kích hoạt trong các trường hợp tai nạn hoặc va chạm xảy ra. Cho đến thời điểm ví như xe của bạn va chạm với một cái gì đó, bạn có thể sẽ không bao giờ biết chúng đang ở đó. Tuy nhiên, chúng có tác dụng rất lớn trong việc giảm thiểu tổn hại, cho cả chiếc xe và người ngồi trên xe.


Các thiết bị an toàn chủ động trên xe có một chút khác biệt. Mặc dù chúng có thể làm việc để giảm thiểu khi va chạm, mối quan tâm hàng đầu của chúng là tránh va chạm hoàn toàn. Các tính năng an toàn này có thể theo dõi tình hình xung quanh xe và cảnh báo người lái về nguy hiểm sắp xảy ra; chúng được thiết kế để ngăn ngừa tai nạn càng sớm càng tốt. Trong một số trường hợp, chúng có thể tự động kích hoạt, nhưng một số khác thì yêu cầu người lái xe phải thực hiện kích hoạt.

Các tính năng an toàn bị động phổ biến

Với tất cả những công nghệ tiên tiến mà chúng ta có ngày hôm nay, nhiều người có lẽ sẽ ngạc nhiên khi biết một chiếc xe hiện đại thực ra không có nhiều thiết bị an toàn bị động. Ngược lại, mỗi tính năng an toàn bị động được liệt kê dưới đây đều là trang bị tiêu chuẩn trên tất cả các mẫu xe hiện đại, cho dù chúng là xe Toyota giá cả phải chăng hay xe Rolls-Royce siêu sang. Chúng bao gồm:

- Dây an toàn: Được giới thiệu lần đầu vào giữa thế kỷ 19, các phiên bản hiện đại của thiết bị này đã được cải tiến đáng kể so với những gì ban đầu chỉ là một sợi dây cuốn qua bụng. Sau đó, Volvo đã lần đầu tiên giới thiệu dây an toàn 3 điểm vào năm 1959 và Mercedes-Benz bổ sung công nghệ kéo căng trước vào năm 1981.

Giờ đây, dây an toàn vừa vặn hơn với cơ thể con người và chúng thắt chặt gần như ngay lập tức khi người ngồi có chuyển động đột ngột. Dây an toàn là thiết bị an toàn bị động dễ thấy nhất. Chúng có tác dụng giữ an toàn cho người lái và hành khách trong ghế ngồi của họ, và không lao ra ngoài cửa sổ hoặc xung quanh cabin, gây thương tích nặng hoặc tử vong.

- Túi khí: Được giấu kín cho đến khi chúng cần thiết, túi khí là một phần thiết bị an toàn bị động cực quan trọng khác. Khi cân nhắc việc chúng đã cứu được bao nhiêu mạng người, bạn sẽ nghĩ rằng chúng đã tồn tại từ lâu, nhưng thực tế thì túi khí đầu tiên được phát minh vào năm 1953 và chúng chỉ được đưa vào xe thương mại từ năm 1972 trở đi.

Những chiếc đệm bơm hơi này được kích hoạt khi các cảm biến va chạm của xe nhận được tín hiệu. Một bộ phận đánh lửa trong thiết bị tạo ra nhiệt để phân hủy natri azide, tạo ra một lượng lớn khí nitơ làm túi phồng lên gần như tức thì. Các đệm khí này giúp phần đầu và phần trên cơ thể không bị va đập vào vô lăng hoặc mặt táp lô cứng.

- Vùng biến dạng: Không yêu cầu kỹ thuật phức tạp như dây an toàn và túi khí, nhưng các vùng biến dạng trên xe cũng không kém phần thiết yếu so với các công nghệ nói trên. Kim loại thường có tính chất cứng, và khi nó hấp thụ một tác động mạnh, lực tác động có thể đi xuyên qua nó một cách mạnh mẽ. Để giảm thiểu điều này, các vùng biến dạng đã được thiết kế đặc biệt để co dúm một cách có kiểm soát. Điều này có nghĩa là lực tác động sẽ bị phân tán trước khi truyền đến cabin và có thể gây hại cho hành khách.

- Kính cường lực cao: Hầu hết mọi người không nhận ra rằng kính xe cũng phục vụ một mục đích an toàn cụ thể. Kính chắn gió thực tế làm tăng thêm tính toàn vẹn cấu trúc - tới 45% tính toàn vẹn cấu trúc của xe khi va chạm trực diện đến từ kính chắn gió và tới 60% khi lật xe.

Các tính năng an toàn chủ động

Đây là tất cả những tính năng “sang chảnh” mà nhân viên bán hàng tại một đại lý bán xe sẽ đề cập với khách hàng khi dẫn họ đi dạo một vòng showroom. Bạn sẽ thấy rằng các mẫu xe đắt tiền hơn, ví dụ xe thương hiệu hạng sang, thường có một danh sách dài các tính năng an toàn chủ động, nhưng hầu hết các xe ô tô hiện đại đều có ít nhất một vài tính năng cơ bản.

- Camera lùi: Một camera được đặt ở phía sau xe sẽ truyền hình ảnh đến màn hình thông tin giải trí hoặc thậm chí là gương chiếu hậu để hỗ trợ người lái khi lùi xe. Tính năng này có thể cực kỳ hữu ích khi người lái cố gắng lùi vào chỗ đỗ xe. Nhiều chiếc xe hiện đại còn có cảm biến đỗ xe, nó sẽ thông báo cho người lái khi họ đang đến gần một chướng ngại vật bằng các tín hiệu âm thanh và hình ảnh.

- Hỗ trợ điểm mù: Cũng giống như các cảm biến nói trên, tính năng này bổ sung thêm hệ thống camera hoặc radar vào bên sườn xe. Chúng đặc biệt nhắm vào các vị trí mà người lái xe sẽ khó quan sát, thường là xung quanh các trụ B và C, nơi xuất hiện những điểm mù. Sau đó, nó sẽ cảnh báo người lái khi có xe hoặc vật thể khác ở trong vị trí này bằng đèn cảnh báo trên gương chiếu hậu bên, và thậm chí có thể phát ra cảnh báo bằng âm thanh nếu người lái có bất kỳ hành động nào có thể gây ra va chạm.

- Kiểm soát hành trình: Hệ thống này có vài phiên bản khác biệt. Phiên bản cơ bản nhất chỉ đơn giản là khóa tốc độ hiện tại của xe và thực hiện tăng tốc hoặc phanh nhẹ để duy trì tốc độ đó. Tuy nhiên, nó không hề có khả năng lái xe cho bạn. Một phiên bản tiên tiến hơn là kiểm soát hành trình bằng radar hoặc kiểm soát hành trình thích nghi, sử dụng các cảm biến để duy trì khoảng cách giữa xe của bạn và xe trước mặt. Nó sẽ khiến xe giảm tốc độ để tránh mọi va chạm tiềm ẩn hoặc tăng tốc khi thấy an toàn.

- Hỗ trợ phanh: Công nghệ này hiện cũng có vài hình thức khác nhau. Phổ biến nhất là ABS (chống bó cứng phanh), có chức năng làm cho phanh hãm theo nhịp thay vì sử dụng một lực tương tác phanh đơn lẻ, lâu dài. Điều này làm giảm nguy cơ bị “bó phanh”, có thể dẫn đến việc xe trượt không kiểm soát. Các phiên bản tiên tiến hơn về hỗ trợ phanh bao gồm phanh tự động, hoạt động kết hợp với các bộ cảm biến để bắt đầu phanh khi phát hiện va chạm sắp xảy ra.

- Hỗ trợ giữ làn, chệch làn, hoặc chuyển làn: Tất cả các tính năng này đều có cùng một mục tiêu, đó là đảm bảo người lái đi đúng làn đường an toàn. Cảnh báo giữ làn hoặc cảnh báo chệch làn sẽ theo dõi làn đường bạn đang đi qua các camera và sẽ đưa ra cảnh báo cho bạn, đôi khi bằng phản hồi xúc giác trên vô lăng, nếu xe chệch làn đường. Chiếc xe thậm chí có thể cố gắng tự điều chỉnh quỹ đạo của bạn nếu nó phát hiện xe đi chệch làn. Theo cách tương tự, tính năng hỗ trợ chuyển làn hoạt động bằng cách cảnh báo người lái nếu việc chuyển làn là nguy hiểm.

- Cảnh báo phương tiện cắt ngang: Khi di chuyển ra khỏi chỗ đỗ xe, đặc biệt là khi đi lùi, cảnh báo phương tiện cắt ngang sử dụng radar để phát hiện các xe đang đến gần mà bạn có thể không nhìn thấy. Nó thường được kích hoạt nhất khi chọn số lùi, nhưng cảnh báo phương tiện cắt ngang phía trước cũng đang trở nên phổ biến hơn.

- Cảnh báo người lái chú ý: Được thiết kế để ngăn ngừa các tai nạn xảy ra bởi người lái mệt mỏi hoặc thiếu tập trung, hệ thống này giám sát các thao tác đầu vào trên vô lăng và sử dụng các cảm biến để phát hiện những dấu hiệu cho thấy người lái đang mệt nhọc lái xe đúng làn. Sau đó, nó sẽ đưa ra cảnh báo người lái nên tạm nghỉ một chút.

- Hỗ trợ rời khởi xe: Tính năng này giám sát các khu vực bên phải và bên trái của cửa xe ở hai bên và cảnh báo người lái nếu họ không thể mở cửa an toàn.

Như vậy, chúng ta có thể thấy rằng số lượng tính năng an toàn chủ động rõ ràng là nhiều hơn hẳn loại bị động. Ngoài những loại cơ bản phổ biến nói trên, ta còn có thể kể đến một vài ví dụ khác như camera có thể nhận diện biển báo giao thông, hoặc thậm chí một số hệ thống hỗ trợ lái và đỗ xe tự động. Kiểm soát cân bằng điện tử cũng nằm trong nhóm tính năng an toàn chủ động vì nó giúp ngăn cản bạn khỏi mất kiểm soát khi phanh cứng.

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: