Sir Vival - Mẫu xe "quái thai" đã khiến người ta chú ý tới tính an toàn hơn
Duy Thành 18:20 - 05/09/2018
Thế giới Mỹ hiện đại đã bắt đầu được hình thành trong cuối thập niên 1950. Các nhà sản xuất ô tô đã tận dụng toàn bộ ý tưởng “khu ngoại ô” để chế tạo những chiếc xe mà bạn muốn sử dụng, và điều đó có nghĩa rằng đường cao tốc đã mọc lên khắp đất nước để giúp bạn đi từ điểm A tới điểm B hiệu quả hơn.
Tuy nhiên ở thời điểm đó, người ta vẫn chưa thực sự quan tâm tới khía cạnh an toàn. Và thái độ “tự hủy hoại” nguy hiểm đó là không thể chấp nhận đối với ông Walter C. Jerome, một nhà thiết kế xe an toàn thử nghiệm. Khi thế giới ngày càng trở nên nguy hiểm hơn, Jerome đã bỏ ra 10 năm phát triển thứ mà ông ấy hi vọng sẽ trở thành tương lai của an toàn ô tô.
Ông ấy đã cho ra đời một mẫu xe đặc biệt với tên gọi Sir Vival (một cách chơi chữ của từ “survival” có nghĩa “sống còn”). Và đó thực sự là một mẫu xe… quái thai.
Sir Vival có thiết kế xấu kinh khủng nhưng có trang bị nhiều tính năng an toàn đột phá của thời đó
Nếu bạn đang nhìn chiếc xe và tự hỏi sao nó lại trông giống như hai tảng kim loại được ghép lại với nhau, hay nó trông như một con bọ lớn trong lốt ô tô, thì bạn không phải là người duy nhất đâu. Dựa theo thông tin của Autoweek, thiết kế đó là để tăng cường tối đa tính an toàn. Cấu trúc hai phần có nghĩa là động cơ và hai bánh trước nằm trong một phần tách biệt của chiếc xe so với khoang hành khách. Chúng được kết nối thông qua một khớp liên kết, và tài xế có tầm nhìn gần 360 độ từ vị trí ngồi lái được nâng cao của họ.
Ý tưởng làm ra chiếc xe này là kể cả trong trường hợp va chạm đối đầu, khoang động cơ sẽ chịu hầu hết lực tác động và giúp hành khách không bị sao cả. Xin đừng hỏi chuyện gì sẽ xảy ra trong trường hợp tai nạn đâm ngang hoặc đâm từ phía sau. Đây mới chỉ là bước thử nghiệm xe an toàn ban đầu.
Nhưng phải nói thực là Sir Vival có rất nhiều tính năng an toàn đột phá mà sau này sẽ trở thành tiêu chuẩn trong sản xuất xe ô tô. Nó đã có dây đai an toàn và khung chống lật cứng cáp, cộng thêm tấm cản va bằng cao su và đèn bên sườn phía sau.
Hình ảnh Sir Vival trên bìa tạp chí Mechanix Illustrated
Vấn đề duy nhất chính là thiết kế “đột phá” và cái giá trên trời của xe. Ông Jerome đã mất 10 năm và hàng nghìn USD để biến hóa một chiếc Hudson 1948 trở thành Sir Vival. Chỉ là nó quá xấu xí, và có chi phí mua là khoảng 10.000 USD, gấp đôi số tiền dành cho một mẫu Cadillac mới ở thời điểm đó.
Ông Jerome chỉ có kế hoạch sản xuất 10-12 chiếc Sir Vival, ông ấy thậm chí đã thực hiện chuyến đi giới thiệu tới công chúng hoành tráng với các điểm dừng ở Triển lãm Ô tô Quốc tế, New York World’s Fair 1964, Springfield Exposition, Triển lãm Xe Thể thao và Nước ngoài 1959, và hơn thế nữa. Ông ấy đã được lên các tạp chí nổi tiếng như Life, Mechanix Illustrated, và Motor Trend.
Nhưng Sir Vival đã không bắt kịp xu hướng thời đại. Nhiều bài viết nói về nó ở thời điểm đó không cho thấy sự biến hóa của nó, cả trên mặt sản xuất và vị trí tương lai của nó trong thế giới ô tô. Trong cuối thập niên ’50 và đầu ’60, người mua có nhiều mẫu xe ngầu hơn hẳn để lựa chọn. Vậy nên, mẫu thử nghiệm là mẫu duy nhất từng được sản xuất.
Phía trước, phía sau và chỗ ngồi tài xế của Sir Vival
Tuy nhiên nó không hoàn toàn là một thứ thất bại. Sir Vival là một mẫu xe có dáng vẻ ấn tượng, và nó yêu cầu bạn chú ý tới nó. Tất cả những chi tiết của nó đã khiến người ta nhận ra rằng ngành công nghiệp ô tô đang thực sự thiếu sót trong trang bị an toàn. Dự tính rằng trong năm 1958, 1 triệu người đã chết trong tai nạn ô tô kể từ khi chúng bắt đầu xuất hiện trên đường phố, và con số đó đang tăng lên nhanh chóng.
Ít nhất, Sir Vival đã truyền cảm hứng cho người ta lưu ý tất cả những thứ họ có thể khai thác ở một chiếc xe ô tô, bao gồm sự an tâm khi biết là bạn sẽ ít có khả năng chết trong một vụ tai nạn thảm khốc hơn. Đã đến lúc người tiêu dùng bắt đầu yêu cầu những trang bị cần thiết như dây đai an toàn, họ chỉ không muốn phải đối mặt với một thứ xấu xí và có khả năng xử lí tồi tệ như Sir Vival mà thôi.