Nhìn lại 10 mẫu xe concept kỳ lạ nhất từ các thương hiệu Đức
23:11 - 16/05/2022
Ngành công nghiệp ô tô của Đức luôn được biết đến với sự nghiêm túc và cách thức vận hành giống như rô bốt. Tuy nhiên, thi thoảng những kỹ sư và nhà thiết kế nước này cũng dốc hết sức để tạo nên một số chiếc xe kỳ lạ và sáng tạo nhất từng thấy tại các triển lãm quốc tế.
Một số mẫu xe concept đó đã tiếp tục truyền cảm hứng cho các mẫu sản xuất theo đúng lẽ thường, nhưng một số thực tế chỉ được sản xuất để giới thiệu những gì người Đức có thể làm. Ví dụ, BMW đã tạo ra những concept xe thể thao tuyệt đẹp, trong khi Mercedes-Benz lại giới thiệu tới công chúng một chiếc xe có thể lập cấu hình đa dạng vào năm 1995. Audi từng muốn tạo ra một siêu xe mới, vì vậy họ đã có nhiều phiên bản concept khác nhau để cuối cùng trở thành R8.
Vì vậy, trong khi các nhà sản xuất ô tô Đức đã chứng minh rằng họ có thể tạo ra những mẫu xe sản xuất tuyệt vời, họ cũng đã cho mọi người thấy rằng họ có thể trở nên “hoang dại” khi cảm thấy thích. Sau đây, chúng ta sẽ cùng nhìn lại một số mẫu xe concept kỳ lạ nhất của Đức từng được ra đời.
BMW Ur-Roadster 1990
BMW Ur-Roadster 1990 được chế tạo dựa trên Z1 roadster và ban đầu được thiết kế để trở thành xe M cấp nhập môn trong dòng sản phẩm. Mặc dù không được sản xuất, một số đặc điểm kiểu dáng của nó đã ảnh hưởng đến Z3, và Z3M cuối cùng đã trở thành xe M “giá rẻ”.
Ur-Roadster Concept là một thiết kế thú vị với vòm bánh xe lớn, và một bộ la-zăng tuyệt vời. Lưới tản nhiệt hình quả thận kinh điển đã được đặt thấp hơn nhiều so với bất kỳ chiếc BMW nào khác (ngoài Nazca C12), và nó có một số gờ nổi phía sau ghế ngồi - làm tăng thêm vẻ ngoài mui trần roadster.
BMW E1 1991
BMW E1 là mã nội bộ của hai mẫu concept xe điện được sản xuất vào đầu những năm 1990. Z11 và Z15 đã được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Quốc tế Frankfurt năm 1991 và 1993, giới thiệu mô tơ không khí thải. Cả hai chiếc xe đều được thiết kế ở dạng 3 cửa, 5 chỗ ngồi, với Z15 là phiên bản tốt hơn, sau khi Z11 bị phá hủy trong một chu kỳ sạc.
Rõ ràng, cả hai mẫu xe điện này đều không được sản xuất, tuy nhiên, Z15 được cho là người tiền nhiệm tinh thần của mẫu hatchback i3. Nhìn chung, E1 là một thiết kế rất lạ vì chúng hoàn toàn khác với những gì BMW thường sản xuất.
Volkswagen Futura 1989
Volkswagen Futura là một mẫu xe ý tưởng được giới thiệu trong năm 1989, và không có chiếc Volkswagen nào sau đó có sử dụng bất kỳ yếu tố thiết kế nào của nó. Nói là vậy, nhưng Futura thực tế có nhiều điểm chung với xe điện Volkswagen ID.3 hiện tại. Những điểm tương đồng bao gồm phần nhô đầu và đuôi ngắn, đèn pha, và hình dạng tổng thể. Đáng tiếc, ID.3 không có các cửa cánh chim đẹp mắt được thấy trên Futura.
Futura được trang bị động cơ 4 xi-lanh dung tích 1.7 lít, sản sinh công suất 81 mã lực và 155 Nm mô-men xoắn cực đại. Futura cũng có hệ thống hỗ trợ đỗ xe, cảm biến khoảng cách, và phanh đỗ điện - khá tiên tiến đối với thời đó.
Porsche C88 1994
Có lẽ là một trong những thiết kế nhàm chán nhất đối với bất kỳ mẫu xe ý tưởng nào, Porsche C88 đã được thiết kế với tư duy dành cho thị trường Trung Quốc. Nó được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Bắc Kinh năm 1994 và là một thứ khác biệt hoàn toàn so với bất cứ thứ gì mà Porsche từng sản xuất. Chiếc xe này thậm chí còn không mang trên mình bất cứ logo Porsche nào.
Theo Giám đốc Bảo tàng Porsche, Dieter Landenberger, cho dù không được đưa vào sản xuất hàng loạt, nhưng nhiều đặc điểm thiết kế của C88 có thể được nhận ra trên các mẫu xe Trung Quốc khác nhau về sau.
BMW GINA Roadster 2008
Mẫu concept BMW GINA Roadster là một chiếc xe mui trần với thân xe có thể dễ dàng cấu hình lại. Khung xe đã được làm bằng nhôm và các thanh chống carbon, với hệ thống dây nhôm giữ cho lớp vải bên ngoài ở đúng vị trí. GINA chỉ có 4 tấm ốp thân vỏ, và tất cả đều có thể thay đổi hình dạng đến các vị trí khác nhau.
Các cửa, nắp capô và cốp xe đều có thể mở theo kiểu độc đáo của riêng chúng trong khi vẫn giữ cho những đường nét của xe hoàn toàn liền mạch lúc đóng lại. Khả năng “biến hình” của xe được điều khiển thông qua một loạt mô tơ điện và thiết bị truyền động. Lớp vải ngoài trong mờ nhưng đủ kín đáo để không làm lộ khung bên trong.
Audi RSQ 2004
Audi RSQ được biết đến nhiều nhất với vai trò chiếc xe đi lại hàng ngày của diễn viên Will Smith trong bộ phim “I, Robot” (2004). Nó đã được chế tạo đặc biệt để làm sản phẩm quảng cáo cho bộ phim, giống như Lexus đã làm với Lexus 2054 trong phim “Minority Report” (2002). RSQ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ hình dáng của Le Mans Quattro Concept 2003, mẫu xe sau này trở thành Audi R8.
RSQ có trang bị bộ cửa cánh bướm với bản lề phía sau và bộ bánh xe hình cầu thay vì lốp thông thường. RSQ đã trở thành một trong những mẫu xe concept nổi tiếng nhất vào đầu những năm 2000 và làm tăng mức độ phổ biến của Audi R8.
Mercedes-Benz Vario Research Car 1995
Mercedes-Benz Vario Research Car là một mẫu xe concept được trưng bày tại Triển lãm Ô tô Geneva 1995. Tiền đề của nó là một chiếc xe có thể được cấu hình lại thành 4 kiểu khác nhau một cách đơn giản - một chiếc coupe, một chiếc mui trần, một chiếc xe bán tải, và một chiếc wagon.
Vario Research Car được chế tạo dựa trên khung gầm dẫn động cầu trước, với thân vỏ được làm từ “nhựa gia cố sợi carbon” cực bền. Mỗi bộ phận tháo rời khác nhau có trọng lượng từ 30-50 kg và đảm bảo "mức độ ổn định và khả năng chịu va chạm cao". Bất chấp tuyên bố và tính năng ấn tượng, mẫu concept này thậm chí còn chưa bao giờ được xem xét để đưa vào sản xuất.
BMW Z22 1999
BMW Z22 là một trong những dự án tân tiến nhất từ BMW vào cuối thập niên 1990 - mặc dù trông giống như một con cá nóc. Nó được trang bị nhiều công nghệ như màn hình hiển thị HUD, nhiều camera bên thân xe, và máy quét dấu vân tay trên vô lăng. Dù được chế tạo dựa trên khung của 7-Series nhưng Z22 chỉ có kích thước tương đương 3-Series.
Dưới nắp capô xe là khối động cơ 4 xi-lanh sản sinh 136 mã lực, kết hợp với hộp số vô cấp CVT, hệ dẫn động cầu sau, và khoang hành khách được gia cố bằng chất liệu carbon. Trong khi không được dự định đưa vào sản xuất, Z22 vẫn là một nguyên mẫu có thể hoạt động hoàn chỉnh, được chế tạo để cho thấy bao nhiêu công nghệ có thể được “nhồi” vào một chiếc xe ô tô mới.
Mercedes-Benz Auto 2000 1981
Mercedes-Benz Auto 2000 là một chiếc sedan/liftback khổng lồ từ năm 1981. Đây là một chiếc xe thử nghiệm được thiết kế với mục đích tiết kiệm nhiên liệu, và đã được thử nghiệm với 3 động cơ khác nhau - một động cơ V8 dung tích 3,8 lít với tính năng ngừng hoạt động xi-lanh, một động cơ diesel tăng áp kép dung tích 3.3 lít, và một động cơ tuabin khí. Tất cả các tùy chọn đều được kết hợp với một hộp số tự động 4 cấp.
Auto 2000 có thể được coi là chiếc xe thập niên 1980 tương đương với CLS-Class hiện đại - nhờ kích thước và hình dáng của nó. Các khía cạnh hay ho khác của nó bao gồm thiết kế cửa sổ phía sau dốc, và nắp capô mở sang bên cạnh. Không bất ngờ, Auto 2000 chưa bao giờ được sản xuất thật, tuy nhiên, Mercedes đã sử dụng chiếc xe này để phát triển thành công công nghệ ghế và dây an toàn của họ.
Audi R8 V12 TDI 2008
Audi R8 đã - và vẫn được coi là siêu xe đi hàng ngày tuyệt vời. Theo lời của cựu dẫn chương trình “Top Gear” Jeremy Clarkson, “nó dễ lái như một chiếc Volkswagen Golf”. Mẫu R8 ban đầu đã được ra mắt với động cơ V8 dung tích 4.2 lít và hộp số sàn, nhưng sau đó đã chuyển thành động cơ V10 dung tích 5.2 lít và hộp số tự động ly hợp kép.
Để kỷ niệm hai lần giành chiến thắng giải đua sức bền 24 Giờ Le Mans, Audi đã quyết định lấy động cơ V12 từ chiếc xe đua chiến thắng của họ và đưa nó vào một chiếc xe đi đường phố. Sự lựa chọn đầu tiên là R8, khiến nó trở thành siêu xe sản xuất trang bị động cơ diesel đầu tiên. Phiên bản concept này có công suất gần 500 mã lực và 990 Nm mô-men xoắn cực đại. Không may, Audi nhận định chiếc xe này quá đắt để đưa vào sản xuất hàng loạt.