menu

Hiếm có hãng xe nào thử nghiệm an toàn theo cách "cục súc" như Koenigsegg

Hàn Quang 17:18 - 27/04/2019

Đóng mạnh nắp capô như "có thù" với xe hay dùng búa đập không thương tiếc vào thân xe là cách mà hãng Koenigsegg dùng để thử nghiệm độ an toàn của sản phẩm.

Thử nghiệm va chạm là một phần quan trọng trong quá trình phát triển những mẫu ô tô mới. Ngay cả những chiếc siêu xe đắt tiền và được làm từ các vật liệu bền bỉ như Koenigsegg cũng không phải là ngoại lệ. Đoạn video dưới đây đã hé lộ phần nào quá trình thử nghiệm an toàn có phần "cục súc" của hãng siêu xe Koenigsegg đến từ Thụy Điển.

Video giới thiệu phương pháp thử nghiệm an toàn cho xe của Koenigsegg

Qua đoạn video dài gần 6 phút này, có thể thấy sự xuất hiện của ông Christian von Koenigsegg, nhà sáng lập kiêm CEO của thương hiệu siêu xe Thụy Điển. Đích thân vị doanh nhân này đã giải thích đôi điều về quá trình thử nghiệm an toàn của siêu xe Koenigsegg.

Trong đoạn video, chiếc siêu xe Koenigsegg đã tham gia vào những bài thử nghiệm va chạm ở tốc độ cao. Ngoài ra, chiếc siêu xe Koenigsegg còn phải chạy qua gờ giảm tốc cao hoặc những đoạn đường gồ ghề.

Siêu xe Koenigsegg chạy qua gờ giảm tốc

Siêu xe Koenigsegg chạy qua gờ giảm tốc

Bên cạnh phương thức thử nghiệm truyền thống là đâm xe vào chướng ngại vật, hãng Koenigsegg còn có những bài kiểm tra độ an toàn khá "cục súc" khác như dùng búa đập liên tục vào thân/gầm xe hay đóng mạnh nắp capô/cửa như đối xử với kẻ thù. Dù bị đập "không thương tiếc" nhưng phần thân của siêu xe Koenigsegg dường như chẳng bị móp méo hay biến dạng. Tất nhiên, Koenigsegg cũng không thể bỏ qua việc thử nghiệm túi khí bên trong xe bằng hình nộm.

Nhân viên hãng Koenigsegg dùng búa đập liên tiếp vào xe

Nhân viên hãng Koenigsegg dùng búa đập liên tiếp vào xe

Như đã biết, phần thân vỏ của siêu xe Koenigsegg được làm từ vật liệu sợi carbon bền, nhẹ nhưng đắt đỏ. Do đó, chi phí cho việc thử nghiệm an toàn của Koenigsegg cũng không hề rẻ.

Theo đoạn video này, việc sản xuất khoảng 16 chiếc siêu xe Koenigsegg cho mục đích thử nghiệm an toàn kéo theo chi phí rất lớn. Bản thân hãng Koenigsegg cũng chỉ chế tạo vài chục chiếc siêu xe thương mại mỗi năm để giao cho khách hàng. Để cắt giảm chi phí, hãng Koenigsegg đã nghĩ ra cách chỉ sử dụng đúng một bộ khung liền thân bằng sợi carbon để thử nghiệm an toàn. Bộ khung này có thể chịu được nhiều lần va chạm và thử nghiệm an toàn khác nhau mà không bị hư hỏng.

Trong khi đó, những bộ phận khác của xe như khung phụ, các tấm ốp thân vỏ và vùng biến dạng sẽ được lắp vào khung gầm kể trên để thử nghiệm va chạm. Những bộ phận có thể thay thế này sẽ bị phá hủy trong quá trình thử nghiệm trong khi bộ khung cốt lõi của xe vẫn nguyên vẹn.

Ngoài ra, giả lập trên máy tính cũng là một phương pháp giúp cắt giảm chi phí thử nghiệm an toàn cho hãng siêu xe Koenigsegg. Về cơ bản, hãng Koenigsegg có thể thu được thông tin va chạm chỉ từ một chiếc xe cốt lõi. Trong khi đó, các hãng ô tô khác cần lấy thông tin này từ nhiều chiếc xe khác nhau.

Trong triển lãm Ô tô Geneva 2019 diễn ra vào tháng 3 vừa qua, hãng Koenigsegg đã chính thức trình làng một siêu xe mới mang tên Jesko. Với số lượng sản xuất đúng 125 chiếc, Koenigsegg Jesko có giá khởi điểm lên đến 3 triệu USD (khoảng 70 tỷ đồng) nhưng đã nhanh chóng "cháy hàng".

Ngoài ra, Koenigsegg hiện đang phát triển một siêu xe "giá rẻ" mới, dự kiến sẽ chính thức ra mắt trong triển lãm Ô tô Geneva 2020. Siêu xe này sẽ sử dụng hệ thống động cơ kết hợp giữa mô-tơ điện và máy xăng V8, hút khí tự nhiên. Ngoài ra, siêu xe "tiêu chuẩn" của Koenigsegg còn được áp dụng công nghệ Freevalve hay động cơ không trục cam. Công nghệ này giúp động cơ tạo ra công suất lớn hơn đồng thời ngốn ít nhiên liệu hơn.

Được định vị thấp nhất trong dòng sản phẩm của Koenigsegg nên siêu xe mới đương nhiên cũng có giá rẻ nhất. Ông von Koenigsegg ước tính siêu xe "tiêu chuẩn" mới sẽ có giá dao động từ 680.000 - 910.000 USD (khoảng 15,7 - 21,1 tỷ đồng). Nghe có vẻ đắt nhưng những con số này trên thực tế lại thấp hơn hẳn giá của những siêu xe Koenigsegg trước đây.

Hàn Quang
Đánh giá: