Hãng xe Trung Quốc bị tố nói dối về hệ số cản gió của ô tô điện
14:59 - 08/05/2025
Dù không thu hút sự chú ý như các chỉ số về công suất hay quãng đường di chuyển nhưng hệ số cản gió (Cd) lại đóng vai trò then chốt đối với hiệu suất của xe điện. Cd càng thấp thì xe càng tiết kiệm năng lượng, đồng nghĩa với quãng đường đi được dài hơn và khả năng sử dụng pin nhỏ hơn, nhẹ hơn. Đó là lý do tại sao nhiều hãng xe như Avatr, Volvo, Lightyear hay Audi luôn quảng bá mạnh mẽ các chỉ số Cd ấn tượng của xe. Tuy nhiên, có vẻ như một trong số đó đã không trung thực và một blogger người Trung Quốc đã tự mình phát hiện ra điều đó.
Zurich Bei Le Ye - một blogger nổi tiếng chuyên về mảng ô tô tại Trung Quốc với hơn 1 triệu người theo dõi - hiện đang sở hữu một chiếc Avatr 12. Theo công bố của hãng, mẫu sedan điện này có hệ số cản gió chỉ 0,208 Cd - một con số cực kỳ thấp. Anh Ye đã quyết định tự kiểm chứng con số này.
Hãng xe Trung Quốc bị tố nói dối về hệ số cản gió của ô tô điện.
Anh đưa xe của mình đến đường hầm gió và thực hiện bài kiểm tra giống như những gì Avatr đã làm trước khi công bố thông số. Kết quả lại gây bất ngờ khi hệ số cản gió thực tế đo được của chiếc Avatr 12 là 0,281 Cd, chỉ nhỉnh hơn một chút so với mẫu SUV điện Volvo EX90 vốn có kích thước lớn hơn nhiều.
Chiếc Avatr 12 được mang đi thử nghiệm tại hầm gió.
Quan trọng là, các kết quả này không phải do sai lệch dữ liệu. Hệ số cản gió đo được luôn trên 0,28 Cd trong dải tốc độ từ 80-140 km/h. Bài kiểm tra được thực hiện tại Trung tâm Nghiên cứu và Công nghệ Ô tô Trung Quốc ở Thiên Tân (CATARC), nơi có kinh nghiệm từ năm 1985. Các kỹ thuật viên đã tiến hành đo theo tiêu chuẩn CSAE 146-2020 nên độ tin cậy cao. Nói cách khác, kết quả cho thấy hệ số cản gió thực tế của mẫu xe điện Avatr 12 cao hơn khoảng 30% so với tuyên bố của hãng.
Kết quả thử nghiệm cho thấy Avatr 12 sở hữu hệ số cản gió 0,281 Cd, cao hơn 30% so với công bố của hãng.
Theo trang CarNewsChina, blogger này còn cho biết cơ sở kiểm tra không cung cấp báo cáo chính thức sau ngày thử nghiệm, cho thấy khả năng có sự can thiệp từ thương hiệu. Video chi tiết về buổi kiểm tra cũng đã bị gỡ bỏ.
Trong khi đó, thương hiệu Avatr đã lên tiếng phản bác, cho rằng video sai sự thật và thậm chí còn treo thưởng 5 triệu Nhân dân tệ (khoảng 695.000 USD) cho bất kỳ ai cung cấp thông tin về cái mà họ gọi là “chiến dịch bôi nhọ”.
Blogger Ye yêu cầu hãng công bố kết quả kiểm tra ban đầu và thực hiện buổi kiểm tra công khai để chứng minh chiếc Avatr 12 thực sự đạt được con số đó. Sự việc này cũng làm dấy lên nghi ngờ về những tuyên bố về hệ số cản gió ấn tượng từ các hãng xe Trung Quốc khác, ví dụ như Xpeng. Trước đó, Xpeng từng tuyên bố sản xuất mẫu xe khí động lực học nhất thế giới.
Ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc đã có nhiều bước tiến vượt bậc trong những năm gần đây, nhưng vẫn đang trong quá trình xây dựng danh tiếng. Những tuyên bố tiếp thị gây nghi ngờ như thế này cho thấy cần có sự kiểm tra chặt chẽ hơn. “Sốc, nhưng không bất ngờ” là một bình luận trên mạng xã hội về sự việc này. Ngành ô tô Trung Quốc đã tiến bộ, nhưng vẫn còn một chặng đường dài để có được sự tin tưởng như các thương hiệu lâu đời.