menu

Gặp gỡ võ sư Hoàng Nam - người sở hữu bộ sa hình đường sắt "khủng" nhất nhì Tây Bắc

10:21 - 24/09/2019

Là một võ sư nhưng anh Hoàng Nam lại đam mê sự tỉ mỉ của bộ môn xây dựng sa hình theo chủ đề đường sắt. Trong 10 năm qua, anh đã tiêu tốn khoảng 300 triệu đồng để xây dựng một bộ sa hình đường sắt điều khiển tự động được xem là khá "khủng" tại Việt Nam.

Chơi mô hình các loại phương tiện giao thông vốn là đam mê của khá nhiều người tại Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Thế nhưng, chơi mô hình đường sắt, tàu hỏa thì lại khá hiếm và chơi mô hình tàu hoả với sa bàn chạy như thật thì lại càng ít gặp hơn. Ấy vậy mà ở vùng núi rừng Tây Bắc của Việt Nam lại tồn tại một bộ sa bàn thuộc hàng "khủng" được xây dựng ròng rã suốt gần 10 năm qua. Bộ sa hình này thuộc sở hữu của võ sư Hoàng Nam, sinh năm 1973, hiện đang sinh sống tại huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái.

Anh Hoàng Nam, một võ sư tại Nghĩa Lộ, Yên Bái nhưng lại rất đam mê bộ môn sa hình chủ đề về đường sắt.

Anh Hoàng Nam, một võ sư nhưng lại rất đam mê chơi sa hình đường sắt.

Theo lời kể của anh Hoàng Nam, anh bắt đầu chơi mô hình tàu hỏa từ năm 2010 sau khi xem bộ mô hình tàu hỏa và sa bàn đường sắt của hai anh em người Đức trên mạng Internet. Tuy nhiên, trước đó, sở thích về tàu hỏa của anh Nam đã nhen nhóm từ những năm học cấp 2 khi anh cùng bạn thường xuyên ra nhà ga Yên Bái để ngắm nhìn những đoàn tàu sắt Bắc Nam chạy qua.

Hệ thống sa hình kéo dài 30 mét được anh thiết kế và thi công ngay tại nhà.

Hệ thống sa hình kéo dài 30 mét được anh thiết kế và thi công ngay tại nhà.

Để nói về quy mô của bộ sa hình đường sắt của anh Hoàng Nam, chỉ có thể sử dụng hai từ "kỳ vĩ". Anh đã sử dụng khoảng 30 m chiều dài của nhà riêng để dựng mô hình hệ thống đường sắt thu nhỏ với đa dạng các loại điạ hình thường gặp như đô thị, nông thôn, đập thuỷ điện, bến cảng... Tất nhiên, trên bộ sa bàn này cũng đầy đủ các mô hình giao thông và mô hình người.

Hệ thống ga tàu hoả, đường tàu được thiết kế chi tiết và đầy đủ với 6 làn ray.

Hệ thống ga tàu hoả, đường tàu được thiết kế chi tiết và đầy đủ với cả hệ thống phân làn đường sắt khá hiện đại.

Điều thú vị là, anh Nam đã tự mày mò nghiên cứu để tạo ra bộ điều khiển cho hệ thống sa bàn của mình sao cho các phương tiện như ô tô, tàu hoả đều có thể tự di chuyển trên các địa hình do anh đã tạo ra. Không chỉ có thế, hệ thống sa bàn của anh còn cho phép các phương tiện tự dừng đèn đỏ hoặc tránh nhau khi đi qua các đoạn giao cắt. Tính cho đến nay, tổng chiều dài đường sắt trong bộ sa hình của anh Nam đã lên tới 150 m.

Đa dạng về địa hình là điểm nổi bật của bộ sa hình đường sắt khủng tại vùng núi Tây Bắc này.

Đa dạng về địa hình là điểm nổi bật của bộ sa hình đường sắt "khủng" tại vùng núi Tây Bắc này.

Anh Nam cho biết, khó khăn nhất với anh và những người chơi bộ môn này là luôn thiếu thốn diện tích để phát triển bộ sa hình hoàn chỉnh nên hầu hết đều chỉ dừng ở mức mô phỏng đơn giản các hoạt động giao thông hàng ngày trên các dạng địa hình cơ bản. Ngoài ra, khi chơi bộ môn sa hình đường sắt này, một thử thách nữa mà anh Nam gặp phải chính là việc đặt mua đồ cho bộ sa bàn của mình. Do anh Nam sinh sống ở một tỉnh phía Tây Bắc nên việc tìm mua các chi tiết tàu, đầu tàu, đường ray... khá khó khăn. Với hầu hết các chi tiết, anh phải đặt mua qua mạng và chuyển về Việt Nam rồi nhờ các bạn bè chơi sa hình ở các thành phố lớn nhận giúp, sau đó gửi ngược về Nghĩa Lộ cho anh.

Nhiều chi tiết được làm khá gần với thực tế khiến ai cũng phải trầm trồ khi ngắm nhìn bộ sa hình của anh Nam.

Nhiều chi tiết được làm khá gần với thực tế khiến ai cũng phải trầm trồ khi ngắm nhìn bộ sa hình của anh Nam.

Với gần 10 năm tìm hiểu và chơi sa hình cùng hơn 4 năm tự xây dựng bộ sa hình đường sắt điều khiển tự động của riêng mình, anh Nam đã tiêu tốn số tiền khoảng hơn 300 triệu đồng. Trong tương lai, anh Nam vẫn sẽ tiếp tục đầu tư và hoàn chỉnh bộ sa hình này để thỏa mãn niềm đam mê của bản thân.

Hoàng Hiển

Đánh giá: