Đây là phương thức hoạt động của dây chuyền lắp ráp Ford Model T hồi năm 1915
00:29 - 07/11/2021
Chắc chắn bạn đã nghe tất cả về dây chuyền lắp ráp mang tính cách mạng của Henry Ford là một trong những dấu ấn quan trọng nhất lịch sử ngành công nghiệp ô tô thế giới. Ford không phát minh ra nó, nhưng ông ấy là người đã đưa nó vào hoạt động một cách thành công, mang sản phẩm đến tay người lao động thay vì ngược lại. Tuy nhiên, tìm hiểu về dây chuyền lắp ráp đó là một chuyện, nhìn thấy nó hoạt động ra sao lại là một trải nghiệm hoàn toàn khác.
Video cho thấy quá trình hoạt động của nhà máy lắp ráp Ford Model T năm 1915
Nhờ một đoạn video thú vị từ một người dùng có tên “Boss Tweed” trên nền tảng Vimeo, chúng ta đã có một cái nhìn rõ hơn về thời kỳ đầu của một nhà máy lắp ráp ô tô. Nó giới thiệu quá trình lắp ráp cuối cùng của Ford Model T tại nhà máy lắp ráp Highland Park cũ gần Detroit, vào khoảng năm 1915.
Điều đáng chú ý là thực tế có nhiều dây chuyền lắp ráp đang hoạt động ở đây, và video không bao gồm tất cả các công việc lắp ráp phụ diễn ra ở các khu vực khác của khu phức hợp rộng hơn 410.000 mét vuông. Sự phát triển của dây chuyền lắp ráp này cuối cùng đã cho phép Ford chế tạo một chiếc Model T mới mỗi 90 phút, và hạ chi phí xuống dưới mức 300 USD.
Nếu video này có vẻ quen thuộc với những người đam mê khám phá lịch sử ô tô, thì đó là vì hình ảnh động của nó được dựa trên một bức ảnh nổi tiếng của nghệ sĩ cắt ghép ảnh ô tô David Kimble. “Boss Tweed” đã khéo léo biến những hình ảnh đó để tạo nên một thước phim ngắn, sinh động cho thấy quá tình lắp ráp không ngừng đi từ trạm này sang trạm kia.
Trong video dài hơn 3 phút này, chúng ta cũng được thấy vài điều bất ngờ ví như cách mặt táp lô và vô lăng được lắp đặt trước thân vỏ. Đó là điều bạn không thấy trong quá trình lắp ráp xe hiện đại, mặc dù phải thừa nhận rằng những chiếc xe hiện đại tiên tiến hơn nhiều so với Model T.
Một điều bất ngờ khác là công việc thử nghiệm cuối cùng đã không diễn ra khi kết thúc quá trình lắp ráp, vì chiếc xe đã được lái từ trước khi thân vỏ được lắp lên. Tất nhiên, nếu không có các tính năng như cửa sổ tự động, khóa cửa, hay thậm chí là nóc xe, vậy thì thực ra cũng không có gì nhiều để thử nghiệm vào thời điểm đó.
Thật đáng kinh ngạc khi nghĩ rằng đã có bao nhiêu thay đổi trong 100 năm kể từ khi dây chuyền lắp ráp này mới ra đời. Đến cuối cùng, khoảng 15 triệu chiếc Model T đã được chế tạo, nhưng nhà máy Highland Park vẫn hoạt động rất lâu sau khi Model T bị khai tử, chuyển sang sản xuất máy kéo và thậm chí cả xe tăng trong Thế Chiến II. Tất nhiên, nó sẽ mãi mãi được biết đến với Model T, và đó là lý do tại sao địa điểm này được công nhận là Di tích Lịch sử Quốc gia Mỹ vào năm 1978.