menu

Chiếc xe tải bọc giáp và trang bị súng máy này đã bảo vệ bí mật hạt nhân của Canada trong Thế Chiến II

21:20 - 12/02/2021

Giờ đây vào thời hòa bình, người ta không còn cần đến một chiếc xe tải bọc giáp kiên cố thế này nữa.

Đối với hầu hết mọi người, Seabiscuit là tên của một loài ngựa đua nổi tiếng, hoặc tên của một loại bánh nướng với lớp vỏ cứng như đá. Tuy nhiên, ở riêng Canada, Seabiscuit còn là tên của một phương tiện bọc giáp an ninh mà Canada sử dụng để bảo vệ vai trò của mình trong chương trình vũ khí hạt nhân thời chiến của Mỹ, Dự án Manhattan.

Dựa theo trang Canada's History, Seabiscuit được chế tạo trong năm 1940 hoặc sớm hơn nữa bởi Consolidated Mining and Smelting (gọi tắt: CM&S), và công ty đã sử dụng nó làm phương tiện an ninh cho nhà máy của mình ở Trail, British Columbia. Cơ sở này vào năm 1942 được cho là cơ sở duy nhất ở Bắc Mỹ có khả năng sản xuất oxit deuterium, hay còn gọi là nước nặng. Chất lỏng này trông giống hệt nước thường nhưng nặng hơn 11% và có các đặc tính hóa học hữu ích để làm giàu các chất phóng xạ cần thiết trong vũ khí hạt nhân.


Seabiscuit là một chiếc xe tải bọc giáp cực kỳ kiên cố của Canada, ra đời trong Thế Chiến II

Tầm quan trọng của nó là lý do tại sao phe Đồng Minh đã giữ bí mật quá trình sản xuất, phân loại nó dưới dạng Project 9 trong trường hợp của nhà máy Trail, British Columbia, và làm gián đoạn hoạt động sản xuất của Đức bằng một loạt nhiệm vụ đặc biệt.

Để ngăn chặn kẻ địch tấn công nhà máy và phá hoại nguồn nước nặng, Seabiscuit đã được trang bị vũ khí mạnh hơn một số máy bay chiến đấu khi chiến tranh bùng nổ, trang bị tới 4 súng máy và 6 súng trường. Không rõ các khẩu súng có hỏa lực ra sao, hay Seabiscuit được chế tạo dựa trên xe gì, bởi các nhà sử dụng chú trọng tới nhà máy mà nó phải bảo vệ hơn. Tuy nhiên, có khả năng Seabiscuit được chế tạo dựa trên một chiếc xe tải Hayes; công ty có từ trước Thế Chiến II và có trụ sở tại Vancouver.

Đáng tiêc, nước nặng được tạo ra dưới sự bảo vệ của Seabiscuit cuối cùng đã không góp phần vào nỗ lực kết thúc cuộc chiến, vì các nhà khoa học của Dự án Manhattan đã quyết định chọn than chì làm bộ điều biến neutron để làm giàu plutonium và uranium. Theo báo cáo, nhà máy của CM&S vẫn tiếp tục sản xuất nước nặng cho đến năm 1956, và mặc dù không có thông tin nào về số phận của Seabiscuit, nhưng có vẻ như chiếc xe tải bọc thép đã sống sót qua cuộc chiến.

Duy Thành

Theo Thanh Niên Việt
Đánh giá: