Cách đây 50 năm, hãng lốp Michelin đã chế tạo "quái vật 10 bánh này" để thử nghiệm lốp xe tải cỡ lớn
05:15 - 13/05/2022
Hãng xe Pháp Citroen có một lịch sử phong phú khi nói đến những phương tiện kỳ lạ, tuy nhiên chiếc xe 10 bánh quái đản đây lại không hẳn là do họ chế tạo. Cho dù Citroen có thiết kế và làm nên khung gầm mẫu DS làm cơ sở cho chiếc xe này, nhưng sản phẩm cuối cùng thực tế lại được làm bởi nhà sản xuất lốp Michelin, chuyên dụng để thử nghiệm lốp xe đầu kéo ở tốc độ cao.
Kể từ khi ra đời vào năm 1972, chiếc xe khổng lồ này đã được gọi bằng nhiều cái tên khác nhau. Trong đó, phổ biến nhất là Michelin PLR hoặc Citroen PLR, với PLR là chữ viết tắt cho “Poids Lourd Rapide”, có nghĩa là “xe tải trọng lượng nặng tốc độ cao”. Nó cũng từng được gọi là Citroen Centipede (con rết), một cái tên khá phù hợp cho dù có phần hơi đáng sợ.
Bất kể tên gọi của nó là gì, bạn không thể phủ nhận sự thật rằng đây là một trong những phương tiện có vẻ ngoài hấp dẫn nhất từng được tạo ra. Như đã nói, bên dưới lớp vỏ kim loại lạ kỳ đó là khung gầm Citroen DS, kết hợp một vài thành phần từ DS Safari, và tạo nên trục cơ sở cuối cùng dài khoảng 7 mét.
Michelin PLR có 10 bánh xe có thể nhìn thấy từ bên ngoài. Trong đó, 4 bánh trước được dùng để bẻ lái, trong khi 6 bánh phía sau được truyền lực bởi hai động cơ V8 khối nhỏ dung tích 5.7 lít, lấy từ hai chiếc Chevrolet Corvette C3. Với mỗi động cơ mạnh khoảng 350 mã lực, PLR có tổng công suất tương đương 700 mã lực.
Tuy nhiên, điều thú vị hơn cả là cấu hình của hệ truyền lực. Thực tế chỉ một trong hai động cơ Corvette đó truyền lực đến 3 trục sau có nguồn gốc từ Peugeot 504, trong khi động cơ còn lại có nhiệm vụ truyền lực cho bánh xe thứ 11 của PLR, vốn bị che khuất khỏi tầm nhìn. Để nhìn thấy bánh xe thứ 11 này, bạn phải nhìn vào bên trong.
Video tài liệu về Michelin PLR
Bánh xe thứ 11 đó mới là phần quan trọng nhất, và cũng là mục đích ra đời của chiếc xe độc đáo này. Hồi xưa, Michelin đã cần một cách để thử nghiệm những lốp xe tải thương mại cỡ lớn ở tốc độ cao, mà không cần lo lắng về điều gì sẽ xảy ra nếu có sự cố nổ lốp. Nếu giả sử rằng một lốp lớn ở trung tâm của PLR bị nổ, thì người lái vẫn có 10 lốp khác để giữ chiếc xe trong tầm kiểm soát. Bạn cũng có một tấm chắn bùn lớn được đặt phía sau lốp xe tải, giúp ngăn chặn vụn lốp gây tàn phá bên trong.
Vậy chiếc xe “quái vật 11 bánh” này chạy nhanh tới đâu? Với tổng trọng lượng khoảng 10 tấn, nó được tuyên bố là có thể đạt tốc độ 178 km/h. Để đáp ứng “cơn khát” của xe, đội ngũ kỹ sư của Michelin đã lắp đặt không phải một mà là hai bình nhiên liệu 105 lít.
Ngày nay, các phương pháp thử nghiệm lốp xe thương mại đã rất khác biệt, vì công nghệ tiên tiến hơn rất nhiều. Các nhà sản xuất có thể thực hiện những loại thử nghiệm này trong một phòng thí nghiệm với những máy móc hiện đại, đạt hiệu quả hơn rất nhiều, chưa kể rẻ hơn và an toàn hơn.
Michelin không cho biết PLR đã được sử dụng trong bao lâu, cũng như chi phí sản xuất là bao nhiêu, nhưng dù sao thì nó cũng là một phần quan trọng của lịch sử công ty. Có tin đồn rằng thi thoảng Michelin có trưng bày chiếc xe kỳ quái này tại L'Aventure Michelin, bảo tàng chuyên dụng của công ty ở Pháp.