Hệ thống hỗ trợ đổ đèo và những điều cần biết về công nghệ an toàn này
11:02 - 14/11/2022
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo còn được biết đến với nhiều loại tên viết tắt khác nhau tùy thuộc vào từng hãng như HAC (Hill Assistant Control), DAC (Down Hill Assist Control),... Hệ thống này có nhiệm vụ giúp người lái kiểm soát tốc độ ổn định hơn khi đi đường dốc, tập trung vào việc điều khiển vô-lăng để vượt qua các cung đường xấu và đảm bảo an toàn, ít ảnh hưởng đến hệ thống phanh nhất có thể. Tuy nhiên, có một số điều quan trọng mà lái xe cần phải hiểu rõ về hệ thống hỗ trợ đổ đèo trên các mẫu xe hiện nay.
Hiểu đúng về hệ thống hỗ trợ đổ đèo
Hệ thống công nghệ hỗ trợ đổ đèo thường thấy trên những chiếc xe SUV gầm cao, đặc biệt xuất hiện nhiều trên những mẫu xe được trang bị hệ thống dẫn động bốn bánh AWD hoặc 4x4, do hệ thống này có thể tận dụng được tối đa các tính năng của xe để kiểm soát tốc độ khi xuống dốc một cách hiệu quả hơn.
Hỗ trợ đổ đèo mà không...đổ đèo: Mặc dù tên gọi chung bằng tiếng Việt của hệ thống HDC hay DAC là hỗ trợ đổ đèo, nhưng thực tế hệ thống này ra đời nhằm mục đích hỗ trợ người lái điều khiển xe dễ dàng hơn, tập trung vào tay lái hơn ở những đoạn đường dốc khó đi chứ không phải hỗ trợ người lái điều khiển xe ở những đoạn đường đèo dốc uốn lượn quanh co.
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo chủ yếu được sử dụng khi lái xe cần phải vượt qua những đoạn đường dốc khó đi.
Ở hầu hết các mẫu xe hiện nay, hệ thống hỗ trợ đổ đèo thường duy trì tốc độ tối đa của xe ở khoảng dưới 10 km/h. Trên một số mẫu xe off-road, người lái hoàn toàn có thể tùy chỉnh để giảm tốc độ tối đa xuống đến mức tối thiểu (khoảng 5 km/h) để đảm bảo hiệu quả tối ưu cho việc vượt địa hình đường dốc.
Khi kích hoạt hệ thống hỗ trợ đổ đèo, người lái sẽ không cần phải quan tâm nhiều đến chân ga, chân phanh bởi tốc độ của xe sẽ luôn được duy trì cố định và chỉ cần tập trung vào việc điều khiển tay lái, quan sát mặt đường để giúp chiếc xe có thể vượt qua đoạn đường dốc xấu.
>>> Xem thêm: Các hệ thống công nghệ an toàn trên ô tô
Cách thức hoạt động của hệ thống hỗ trợ đổ đèo
Hệ thống hỗ trợ đổ đèo có thể kích hoạt thông qua nút bấm được tích hợp ngay bên trong khoang lái. Người lái xe chỉ việc bấm nút, hệ thống sẽ hiển thị thông báo bằng hình ảnh xe đang xuốc dốc bên cạnh biểu tượng đồng hồ báo hiệu của hệ thống kiểm soát hành trình Cruise Control.
Nút bấm kích hoạt hệ thống hỗ trợ đổ đèo (ngoài cùng bên trái).
Dựa vào hệ thống cảm biến độ nghiêng được trang bị trên xe, bộ điều khiển ECU sẽ tính toán việc thay đổi cấp số sao cho phù hợp (thường là ở các cấp số thấp để tận dụng lực cản từ động cơ và hộp số, vì thế nên các lái xe thường thấy vòng tua máy khi kích hoạt hệ thống hỗ trợ đổ đèo sẽ cao hơn bình thường khá nhiều). Bên cạnh đó, dựa vào các tính toán của ECU mà chiếc xe có thể kích hoạt thêm các hệ thống như hệ thống chống bó cứng phanh ABS để can thiệp thêm lực phanh đến bánh xe, kích hoạt hệ thống kiểm soát lực kéo (đối với xe được trang bị hệ dẫn động bốn bánh) đến từng bánh xe để giảm tốc độ, tăng khả năng bám đường cho xe,...
Hầu hết các mẫu xe SUV đều được trang bị hệ thống hỗ trợ đổ đèo.
Một số mẫu xe tại Việt Nam được trang bị hệ thống hỗ trợ đổ đèo như Kia Sorento, Hyundai Santa Fe, Ford Everest (bản Titanium), Toyota Land Cruiser, Toyota Fortuner bản Legender 2.8L 4x4 AT,...
Như vậy, có thể thấy rằng hệ thống hỗ trợ đổ đèo có tác dụng khá hiệu quả trong việc hỗ trợ người lái xe vượt qua các địa hình dốc, đường xấu bằng cách kiểm soát tốc độ ổn định của xe. Nếu chiếc xe của các bạn được trang bị hệ thống hỗ trợ đổ đèo và cần phải vượt qua những đoạn đường dốc khó đi thì hệ thống này sẽ phần nào giúp việc di chuyển dễ dàng hơn.