Vi phạm nồng độ cồn và những điều có thể các lái xe chưa biết
11:50 - 06/03/2023
Không chấp hành kiểm tra nồng độ cồn sẽ bị phạt ở mức cao nhất của vi phạm nồng độ cồn
Căn cứ theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, lỗi không chấp hành yêu cầu kiểm tra về nồng độ cồn của người thi hành công vụ sẽ bị xử phạt cụ thể như sau:
- Đối với ô tô và các loại xe tương tự ô tô: Phạt tiền từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng (Điểm b, Khoản 10, Điều 5). Ngoài ra, người vi phạm sẽ bị áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 22 - 24 tháng (Điểm h, Khoản 11, Điều 5).
- Đối với xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện): Phạt tiền từ 6.000.000 - 8.000.000 đồng (Điểm g, Khoản 8, Điều 6). Đồng thời, người vi phạm sẽ bị tước Giấy phép lái xe từ 22 đến 24 tháng (Điểm g, Khoản 10, Điều 6).
Không chấp hành thổi nồng độ cồn sẽ bị phạt ở mức cao nhất lỗi vi phạm nồng độ cồn.
Người vi phạm lỗi nồng độ cồn được phép "trả góp", tối đa không quá 3 lần
Theo Điều 79 Luật xử phạt vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi 2020), việc nộp tiền phạt nhiều lần được áp dụng khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân và từ 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức;
- Đang gặp khó khăn đặc biệt về kinh tế và có đơn đề nghị nộp tiền phạt nhiều lần. Đơn đề nghị của cá nhân phải được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế. Đơn đề nghị của tổ chức phải được Ủy ban nhân dân cấp xã, Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan cấp trên trực tiếp xác nhận hoàn cảnh khó khăn đặc biệt về kinh tế.
Thời hạn nộp tiền phạt nhiều lần không quá 6 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực; số lần nộp tiền phạt tối đa không quá 3 lần. Mức nộp phạt lần thứ nhất tối thiểu là 40% tổng số tiền phạt.
Người đã ra quyết định phạt tiền có quyền quyết định việc nộp tiền phạt nhiều lần. Quyết định về việc nộp tiền phạt nhiều lần phải bằng văn bản.
Như vậy, nếu tài xế vi phạm với lỗi từ 20 triệu đồng trở lên thì có thể làm đơn xin nộp nhiều lần. Lần đầu tiên trả tối thiểu 40%, tổng số lần trả góp không quá 3 lần trong vòng 6 tháng. Tuy nhiên, phải có điều kiện là được UBND xã nơi cư trú hoặc cơ quan học tập, làm việc xác nhận hoàn cảnh khó khăn.
Không uống rượu, bia nhưng máy đo vẫn báo có nồng độ cồn thì cần làm gì?
Có không ít trường hợp người dân phản ánh rằng mình không uống rượu, bia nhưng khi thổi nồng độ cồn thì vẫn hiển thị thông số trên máy đo. Nếu gặp trường hợp này, tài xế cần làm gì để chứng minh và không bị xử phạt?
Nếu chắc chắn bản thân không uống bia rượu khi lái xe mà máy vẫn báo vi phạm nồng độ cồn thì tài xế có thể yêu cầu CSGT đưa đi xét nghiệm máu tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu kết quả xét nghiệm trong máu không có nồng độ cồn thì người tham gia giao thông sẽ không bị xử phạt.
Tuy nhiên, theo Điều 6 Thông tư liên tịch 26/2014/TTLT-BYT-BCA, tài xế yêu cầu xét nghiệm kiểm tra nồng độ cồn sẽ phải chi trả toàn số tiền phí theo giá dịch vụ của cơ sở y tế.
Uống bia 0 độ (bia chay) vẫn có thể phạt
Theo quảng cáo là bia 0 độ nhưng thực tế chúng vẫn có nồng độ thấp dưới 0,5%. Khi người tham gia giao thông uống loại bia này thì vẫn có thể bị phạt vi phạm nồng độ cồn, chỉ là mức ít hay nhiều.
Bia không cồn có thêm công đoạn loại bớt cồn trong bia, cồn sẽ được lấy ra nhờ hệ thống nhiệt và bay hơi trong quá trình chưng cất. Song chúng không thể loại bỏ cồn hoàn toàn.Do đó, ngay cả việc bạn uống bia 0 độ thì thực tế vẫn có nồng độ thấp, mà theo luật quy định thì nghiêm cấm hoàn toàn việc sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông. Chỉ cần hàm lượng từ 0,25mg/1 lít khí thở là đã bị phạt tiền.