Thay đổi luồng xe qua cầu Chương Dương sau vụ ôtô rơi xuống sông?
22:04 - 07/11/2018
Sau vụ xe ô tô đâm đổ lan can cầu Chương Dương, rơi xuống sông Hồng làm 2 người tử vong tối 3/11, trao đổi với Báo Giao thông, ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho biết đang rà soát lại hồ sơ thiết kế cầu Chương Dương để có phương án tổ chức giao thông phù hợp.
“Chúng tôi đang rà soát lại hồ sơ thiết kế, phương án phân luồng giao thông ở cầu Chương Dương. Sau đó sẽ họp với các đơn vị chức năng để đưa ra quyết định xem có tổ chức lại giao thông trên cầu Chương Dương hay không”, ông Tuấn nói.
Bà Đỗ Thị Thanh Thủy, Phó tổng giám đốc Công ty CP Công trình giao thông Hà Nội (đơn vị quản lý cầu Chương Dương) cũng cho rằng, hai làn đường bên ngoài cầu được thiết kế cho xe máy, nhưng vẫn đảm bảo cho ô tô có tải trọng tối đa 6 tấn đi qua. Sau vụ tai nạn chiều tối ngày 3/11, đơn vị đã rà soát lại hệ thống lan can cầu Chương Dương, không phát hiện tình trạng xuống cấp.
Cầu Chương Dương được khởi công xây dựng từ năm 1983, ngày 30/6/1985 khánh thành, đưa vào khai thác, chấm dứt cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên. Cầu chia làm bốn làn xe chạy hai chiều. Phần giữa cầu là làn ô tô chạy, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy.
Đến năm 2003, Bộ GTVT bàn giao cho TP Hà Nội quản lý cầu Chương Dương. Thời điểm đó, khu vực cầu Chương Dương thường xuyên quá tải do đây là tuyến độc đạo dành cho ô tô sang phía bên kia sông Hồng. Do vậy, TP Hà Nội cho phép ô tô đi cả vào làn xe máy ở hai bên.
Trước đó, tối 3/11, trên đường từ phía quận Long Biên ngược vào nội thành Hà Nội, một chiếc ô tô đang đi trên làn của xe máy húc văng thành cầu Chương Dương, rơi xuống sông Hồng. Đến nửa đêm, lực lượng cứu hộ đã trục vớt được chiếc xe từ dưới sông Hồng, trong xe có 2 thi thể phụ nữ.
Danh tính nạn nhân sau đó được xác định là chị N.T.T.H. (29 tuổi, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) và B.K.C. (21 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội).
Nhiều ý kiến cho rằng lan can cầu Chương Dương không được thiết kế đảm bảo an toàn cho xe ô tô đi làn ngoài cùng và Sở GTVT cần có khảo sát, giải pháp điều chỉnh phù hợp.
Theo Hà Linh - Báo Giao thông