Làn đường dừng khẩn cấp trong cao tốc: Bạn đi đúng cách hay chưa?
Thái Bảo 18:00 - 20/03/2018
Ở Việt Nam, việc các phương tiện đi lại nườm nượp trên làn đường dừng khẩn cấp của đường cao tốc không phải là chuyện hiếm gặp. Mới đây, trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các tài xế khi có sự cố xảy ra đã tràn vào làn dừng khẩn cấp, gây rất nhiều khó khăn cho đội cứu hộ khi thi hành nhiễm vụ dẫn đến hậu quả là tai nạn đáng tiếc khi xe của đội PCCC phải đi ngược chiều trên cao tốc. Hãy cùng Tinxe tìm hiểu kĩ hơn về làn đường dừng khẩn cấp này và cách lưu thông trên đường cao tốc sao cho đúng luật và an toàn cho bản thân và cho mọi người.
Làn đường dừng khẩn cấp là gì?
Làn đường dừng khẩn cấp thường sẽ chạy dọc theo toàn bộ chiều dài của đường cao tốc. Làn đường này có thể bị loại bỏ ở một số đoạn nhất định để tạo thêm làn đường cho xe chạy. Chiều rộng tiêu chuẩn của làn dừng khẩn cấp là 3.3 mét, đủ rộng để một chiếc xe tải cỡ lớn dừng/đỗ trong trường hợp khẩn cấp.
Phần khoanh đỏ là làn đường dừng khẩn cấp
Làn đường khẩn cấp thường được phân biệt với các làn đường chính trên cao tốc bằng một vạch sơn liền màu trắng phản quang. Để tăng thêm hiệu quả cảnh báo, vạch trắng này cũng có thể sẽ tạo ra các tiếng rít khi bánh xe đè qua, giúp cảnh báo người lái rằng họ đã đi lệch ra làn đường này.
Trường hợp nào được phép sử dụng làn đường dừng khẩn cấp?
Bạn sẽ chỉ được dừng ở làn đường dừng khẩn cấp nếu đang trong trường hợp khẩn cấp (xe của bạn bị hư hỏng, lốp thủng, bạn cần trợ giúp y tế...). Các trường hợp khác như nghe điện thoại, nghỉ ngơi, đi vệ sinh đều không hợp lệ và bạn hoàn toàn có thể làm tất cả điều đó ở các trạm dịch vụ/dừng nghỉ trên đường cao tốc.
Xe ưu tiên được quyền sử dụng làn đường dừng khẩn cấp
Trong mọi trường hợp kể cả tắc đường, bạn sẽ không được phép di chuyển trong làn đường dừng khẩn cấp chỉ trừ khi bạn được cảnh sát giao thông hoặc người có thẩm quyền yêu cầu/cho phép. Các xe được phép di chuyển ở làn đường khẩn cấp là các xe thuộc dạng ưu tiên (xe cảnh sát, chữa cháy, cứu thương...).
Làm thế nào để sử dụng làn đường dừng khẩn cấp đúng cách?
Khi bạn đang trong trường hợp khẩn cấp và muốn dừng lại ở làn đường này, bạn nên bắt đầu đánh lái về phía bên phải (hoặc bên trái đối với những nước di chuyển bên trái), đồng thời nhanh chóng bật đèn cảnh báo nguy hiểm (nút màu đỏ ngay giữa xe), đặc biệt là vào ban đêm để những chiếc xe ở phía sau biết bạn đang muốn chuyển làn đường.
Khi xe bạn dừng lại hẳn, bạn nên đánh tay lái về phía bên phải (hoặc trái nếu bạn ở những nước đi bên trái) để đảm bảo rằng nếu điều tồi tệ nhất xảy ra là có một chiếc xe khác đâm vào xe bạn thì xe bạn cũng sẽ lao về phía bên ngoài của đường cao tốc thay vì lao vào làn đường chính.
Khi bạn ra khỏi xe, hãy chắc chắn rằng bạn đã kéo phanh tay. Tìm số điện thoại khẩn cấp – thường được ghi trên các tấm bảng báo hiệu để liên hệ với dịch vụ cứu hộ.
Nếu có thể, hãy nhìn xung quanh để xem có các chỉ dấu của đường cao tốc không. Những tấm bảng nhỏ với các con số bên trên là thứ duy nhất giúp các dịch vụ cứu hộ biết được vị trí của bạn và họ sẽ đến giúp bạn trong thời gian nhanh nhất.
Tài xế chạy vào làn đường dừng khẩn cấp sẽ bị phạt thế nào?
Căn cứ theo quy định tại khoản 4 và khoản 12 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP thì:
“Điều 5. Xử phạt người điều khiển, người được chở trên xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô vi phạm quy tắc giao thông đường bộ
4. Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng, đối với người điều khiển xe thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
h) Không tuân thủ các quy định khi vào hoặc ra đường cao tốc; điều khiển xe chạy ở làn đường dừng xe khẩn cấp hoặc phần lề đường của đường cao tốc; chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước khi chạy trên đường cao tốc; quay đầu xe, lùi xe trên đường cao tốc; không tuân thủ quy định về khoảng cách an toàn đối với xe chạy liền trước khi chạy trên đường cao tốc;
12. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:
b) Thực hiện hành vi quy định tại Điểm h, Điểm i Khoản 3; Điểm b, Điểm c, Điểm e, Điểm g, Điểm h Khoản 4; Khoản 5; Điểm a, Điểm b, Điểm d Khoản 6; Điểm a, Điểm c Khoản 7 Điều này bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng;”
Một trường hợp sử dụng làn đường dừng xe khẩn cấp sai quy định pháp luật
Như vậy theo quy định trên; tài xế đi xe ô tô chạy ở làn đường dừng xe khẩn cấp sẽ bị áp dụng mức xử phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng. Ngoài ra, tài xế còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 tháng đến 03 tháng.