Đề xuất giảm tốc độ trong khu dân cư xuống 30 km/h
20:59 - 11/08/2021
- Chống bám nước cho kính xe hơi giá rẻ - thực hư tác dụng?15/02/2024
- Tư vấn giao thông: Biển cấm rẽ trái và đi thẳng tại ngã tư Nguyễn Cơ Thạch - Hồ Tùng Mậu24/04/2023
- Hà Nội: Phố Quang Trung và Phùng Hưng chuyển thành đường 2 chiều17/07/2022
Tại Hội thảo trực tuyến quản lý các yếu tố có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông (TNGT) do Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia tổ chức mới đây, đã có nhiều đề xuất được đưa ra để quản lý hành vi nguy hiểm của người lái xe, giảm TNGT. Trong đó, đề xuất cần phải có giải pháp quản lý chặt tốc độ phương tiện, giảm tốc độ tối đa trong khu đông dân cư từ 50 km/h xuống 30 km/h đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
Đề xuất giảm tốc độ tối đa từ 50 km/h xuống 30 km/h trong khu vực đông dân cư nhận được nhiều ý kiến trái chiều.
GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho hay, TNGT đường bộ đang chiếm tỷ lệ hơn 90%. Trong số nhiều nguyên nhân gây tai nạn, vi phạm tốc độ luôn chiếm tỷ lệ cao.
Theo GS.TS Sùa, nếu tăng tốc độ trung bình 1 km/h có thể dẫn đến gia tăng 4-5% số vụ TNGT. Ngược lại, nếu giảm 5% tốc độ bình quân, có thể giảm đến 30% số vụ TNGT nghiêm trọng. Xe chạy ở tốc độ bình quân 80 km/h thì khả năng gây ra TNGT cao hơn nhiều so với tốc độ 50 km/h.
Tuy vậy, nhiều chuyên gia cũng cho rằng chưa có cơ sở khoa học để chứng minh về tốc độ giới hạn 50 km/h trong khu dân cư, khu đô thị gây TNGT cao hơn so với tốc độ 30 km/h. Hơn nữa, tại các khu đô thị lớn như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh…, phương tiện muốn di chuyển nhanh cũng không được vì lưu lượng quá đông.
Đề cập đến việc quản lý tốc độ phương tiện, GS Sùa cho rằng, Việt Nam chưa có chính sách quản lý tốc độ bài bản. Tốc độ giới hạn tại các khu đô thị còn cao, thường là 60 km/h. Thêm nữa, chính quyền đô thị chưa có khả năng áp dụng mức giới hạn tốc độ thấp hơn theo quy định của Luật GTĐB nên không có tốc độ đặc thù ở các khu vực “nhạy cảm” như trường học, khu đông dân cư.
GS Sùa cho rằng, các dải tốc độ an toàn là 30 km/h, 50 km/h và 70 km/h. Việc giảm tốc độ cho phép của phương tiện cơ giới xuống 30 km/h tại các tuyến đường đông dân cư, trường học, khu vực có nhiều người đi bộ sẽ giảm 26% chấn thương do TNGT.
Giảm tốc độ tối đa khi đi qua khu vực đông dân cư nếu không xem xét kỹ lưỡng có thể dẫn đến việc giảm năng lực lưu thông.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Ô tô Việt Nam, cho rằng hiện đường đã được mở rộng, phương tiện tốt, hệ thống đèn tín hiệu tốt… do đó không nên giảm tốc độ.
Theo ông Thanh, không phải cứ giảm tốc độ giới hạn là giảm được TNGT, mà tốc độ càng chậm sẽ càng ùn tắc giao thông. Do đó, cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân. Nếu tuân thủ đúng các quy định của Luật Giao thông đường bộ sẽ giảm được TNGT và như vậy việc giữ nguyên quy định tốc độ 50 km/h hiện nay là hợp lý.