menu

Các lỗi vi phạm thường bị phạt nhiều nhất khi đi xe máy ở Hà Nội, Hồ Chí Minh

07:50 - 11/02/2023

Xe máy là phương tiện phổ biến tại nước ta và cũng là phương tiện có tần suất vi phạm luật giao thông đường bộ nhiều nhất. Đọc ngay để tránh mất tiền oan khi điều khiện xe máy tại Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh bạn nhé.

Do không nắm rõ luật nên nhiều người điều khiển xe máy còn mơ hồ trước vi phạm giao thông của mình. Khi di chuyển trên đường phố lớn như Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, bạn sẽ dễ bắt gặp những lỗi nhỏ như không gạt chân chống, không gương xe, không tuân thủ biển báo,... vậy những lỗi "nhỏ" đó có bị phạt không? Mức phạt bao nhiêu?

Điều khiển xe đứng tên người khác khi tham gia giao thông có bị xử phạt không?

Theo quy định thì "Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số”.

Nếu quá 30 ngày mà không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chuyển tên của chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên mình thì sẽ bị phạt tiền từ 400.000 - 600.000 đồng đối với cá nhân (điểm a khoản 4 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Tuy nhiên, theo Khoản 10, Điều 80, Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi không làm thủ tục đăng ký sang tên xe chỉ bị xử phạt nếu bị phát hiện trong 02 trường hợp:

Thông qua công tác điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông; Qua công tác đăng ký xe.

Như vậy, thông thường thì người điều khiển sử dụng xe máy đứng tên người khác mà xuất trình được đầy đủ các giấy tờ theo quy định gồm: Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc, thì sẽ không bị xử phạt.

Đi xe máy không gạt chân chống có bị phạt không?

Hành vi sử dụng sử dụng chân chống xe máy (kể cả xe máy điện) quệt xuống đường khi đang chạy sẽ bị xử phạt từ 2.000.000 - 3.000.000 đồng (Điểm a, Khoản 6, Điều 6, Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Đồng thời, tước GPLX 2 - 4 tháng (Điểm c, Khoản 10, Điều 6, Nghị định 100).

Tuy nhiên, lỗi này được áp dụng với trường hợp người vi phạm cố tình sử dụng chân chống để quệt xuống đường (tạo ra âm thanh, tia lửa trong những cuộc đua xe, đánh võng,...). Còn nếu vô tình, quên không gạt chân chống xe thì không bị xử phạt.

Những lỗi vi phạm nhỏ khi tham gia giao thông.

Cố tình không gạt chân chống xe để quệt xuống đường sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng.

Gắn gương thời trang có bị xử phạt không?

Điều khiển xe máy "không gắn gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng" sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng (Điểm a, Khoản 1, Điều 17, Nghị định 100/2019/NĐ-CP).

Để tránh bị xử phạt lỗi không gương, nhiều người đã "chống chế" bằng việc lắp gương thời trang bán ngoài thị trường.

Theo quy định, gương chiếu hậu của xe máy, mô tô phải đáp ứng được về kích thước (diện tích bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69cm2); gương tròn thì đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm); gương không tròn thì kích thước bề mặt phải đủ lớn để chứa một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm nhưng không được nằm ngoài hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.

Như vậy, nếu gương bạn lắp không đủ điều kiện trên thì vẫn bị xử phạt 100.000 - 200.000 đồng theo lỗi như trên.

Điều khiển xe không gương sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

Điều khiển xe không gương sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng

Rẽ phải khi đèn đỏ vẫn bật thì có bị phạt không?

Nhiều người nghĩ rằng "được rẽ phải" là điều hiển nhiên vì "rất thuận" đường giao thông. Tuy nhiên, bạn chỉ được quyền rẽ phải khi đèn đỏ đang bật nếu:

  • Có đèn báo hoặc biển báo phụ bên dưới cột đèn giao thông;
  • Có hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
  • Trên đường có vạch mắt cáo đi kèm tín hiệu rẽ phải;
  • Có tiểu đảo phân luồng;

Ngoài những trường hợp trên thì khi gặp đèn đỏ, bạn phải đừng lại trước vạch dừng. Nếu vượt đèn đỏ để rẽ phải thì sẽ bị xử phạt theo lỗi không tuân thủ đèn tín hiệu giao thông, phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng (theo Điểm g, Khoản 34, Điều 2, Nghị định 123/2021/NĐ-CP).

Không tuân thủ đèn tín hiệu phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng

Không tuân thủ đèn tín hiệu phạt tiền từ 800.000 - 1.000.000 đồng

Đi qua vòng xuyến có phải bật xi nhan không?

Theo Luật giao thông đường bộ 2008 thì không có quy định cụ thể về việc bật tín hiệu khi đi qua vòng xuyến, nguyên tắc chung là áp dụng theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 của bộ luật này để thực hiện "Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ".

Như vậy, việc bật xi nhan ra vào vòng xuyến trong nhiều trường hợp là không bắt buộc và không bị xử phạt. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của CSGT thì nên bật tín hiệu theo nguyên tắc "vào trái ra phải" để báo cho người khác biết hướng đi của bạn, tránh những va quệt đáng tiếc.

Biển cấm rẽ trái có được phép quay đầu xe không?

Theo Thông tư 54/2019/TT-BGTVT quy định:

  • "Để báo cấm rẽ trái hoặc rẽ phải (theo hướng mũi tên chỉ) ở những vị trí đường giao nhau, đặt biển số P.123a "Cấm rẽ trái" hoặc biển số P.123b "Cấm rẽ phải". Biển không có giá trị cấm quay đầu xe.
  • Biển có hiệu lực cấm các loại xe (cơ giới và thô sơ) rẽ sang phía trái hoặc phía phải trừ các xe được ưu tiên theo quy định.

 Nếu gặp biển "cấm rẽ trái" hoặc "cấm rẽ phải" thì bạn vẫn được quay đầu xe.

Gặp biển cấm rẽ trái hoặc cấm rẽ phải vẫn được phép quay đầu xe.

Gặp biển cấm rẽ trái hoặc cấm rẽ phải vẫn được phép quay đầu xe.

Không bật đèn chiếu sáng bị phạt bao nhiêu tiền?

Theo Điểm l, Khoản 1, Điều 6 của Nghị định 100 quy định, "Không sử dụng đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau hoặc khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn" sẽ bị xử phạt từ 100.000 - 200.000 đồng.

Cảnh sát cơ động (CSCĐ) được xử phạt trong trường hợp nào?

Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, CSCĐ có quyền xử phạt đối với những vi phạm giao thông như sau:

  • Lỗi dừng, đỗ xe không đúng quy định;
  • Bấm còi sai quy định, rú ga, đánh võng, lạng lách,...;
  • Chạy trong hầm đường bộ không bật đèn chiếu sáng gần;
  • Quay đầu xe, vượt xe khác không đúng quy định trong hầm đi bộ;
  • Đi vào đường cấm, đường ngược chiều;
  • Cản trở xe ưu tiên;
  • Vi phạm nồng độ cồn, chất cấm;
  • Chạy quá tốc độ cho phép;
  • Chở trên 2 người trên xe (trừ trường hợp cấp cứu, trẻ em dưới 14 tuổi, áp giải người có hành vi vi phạm)
  • Người điều khiển xe máy sử dụng điện thoại di động, ô, thiết bị âm thanh; 
  • Gây tai nạn không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường;
  • Buông cả 2 tay khi đang điều khiển xe, dừng chân điều khiển xe, nằm trên yên xe điều khiển xe,...;
  • Sử dụng chân chống xe quệt xuống đường khi đang chạy;
  • Không chấp hành hiệu lệnh của người điều khiển giao thông;
  • Không đội hoặc chở người không đội mũ bảo hiểm, hoặc đội nhưng không đúng quy định;
  • Điều khiển xe thành đoàn gây cản trở giao thông;
  • Xếp hàng hóa trên xe vượt quá quy định;
  • Điều khiển xe kéo theo xe, vật khác;

Ngoài CSCĐ thì Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao cũng có thẩm quyền xử phạt những lỗi trên.

Vi phạm nhiều lỗi giao thông cùng một lúc thì xử phạt như thế nào?

Căn cứ theo Khoản 4, Điều 23 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định "Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt được quy định đối với hành vi đó; nếu có tình tiết giảm nhẹ, thì mức tiền phạt có thể giảm xuống, nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu có tình tiết tăng nặng, thì mức tiền phạt có thể tăng lên, nhưng không được vượt quá mức tiền phạt tối đa của khung tiền phạt”

Bên cạnh đó, trong trường hợp bạn vi phạm 2 lỗi trở lên mà những lỗi này đều bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng cùng một loại giấy phép, chứng chỉ hành nghề thì sẽ được "gộp", tức là áp dụng thời hạn tước quyền sử dụng giấy phép của hành vi vi phạm có thời hạn dài nhất.

Ví dụ bạn vi phạm hai lỗi là uống rượu, vi phạm nồng độ cồn, phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng và tước GPLX từ 10 - 12 tháng; chạy quá tốc độ quy định trên 20km/h phạt tiền từ 4 - 5 triệu đồng, tước GPLX 2 - 4 tháng. Tổng mức phạt của bạn sẽ là: Phạt tiền từ 6 - 8 triệu đồng; tước GPLX là từ 10 - 12 tháng.

Đánh giá: