menu

Phân biệt giữa tạm giữ Giấy phép lái xe và tước Giấy phép lái xe

13:26 - 05/03/2023

Mức độ nghiêm trọng của việc tạm giữ và tước Giấy phép lái xe là khác nhau. Người vi phạm bị tạm giữ GPLX vẫn được phép điều khiển phương tiện, còn nếu bị tước bằng thì không.

Bên cạnh hình thức phạt tiền khi vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe (GPLX). Không ít người vẫn còn nhầm lẫn giữa tạm giữ và tước GPLX. Vậy tước quyền sử dụng và tạm giữ GPLX khác nhau như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết chi tiết dưới đây.

Tạm giữ Giấy phép lái xe

Về bản chất thì tạm giữ GPLX là biện pháp ngăn chặn để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt hoặc để xác minh tình tiết làm căn cứ ra quyết định xử phạt (Khoản 2, Điều 82, Nghị định 100/2019/NĐ-CP). Hiểu đơn giản là CSGT giữ GPLX "làm tin" cho đến khi người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt.

Những trường hợp bị tạm giữ Giấy phép lái xe

Trong trường hợp chỉ áp dụng hình thức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có quyền tạm giữ một trong các loại giấy tờ theo thứ tự:

  • (1) Giấy phép lái xe
  • (2) Giấy phép lưu hành phương tiện
  • (3) Giấy tờ cần thiết khác liên quan đến tang vật, phương tiện

Thời gian tạm giữ GPLX là 7 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Trong trường hợp vụ việc phức tạp, cần tiến hành xác minh thì có thể kéo dài tối đa không quá 30 ngày, kể từ ngày tạm giữ. Còn nếu vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp thì có thể tạm giữ tối đa không quá 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ.

Thông thường, thời hạn tạm giữ GPLX là cho đến khi người vi phạm chấp hành xong quyết định xử phạt theo thời hạn ghi trên biên lai xử phạt. Sau khi nộp phạt là có thể lấy GPLX.

Trong thời hạn bị tạm giữ Giấy phép lái xe vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông như bình thường.

Trong thời hạn bị tạm giữ GPLX, người dân vẫn có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông như bình thường.

Bị tạm giữ Giấy phép lái xe có được lái xe không?

Trong thời gian bị tạm giữ GPLX, cá nhân hoặc tổ chức vẫn được phép điều khiển phương tiện bình thường, có thể xuất trình biên bản xử phạt thay cho GPLX trong thời gian này. Nếu quá thời hạn hẹn đến giải quyết vụ việc ghi trong biên bản mà người vi phạm chưa đến giải quyết, nộp phạt mà vẫn tiếp tục điều khiển phương tiện, hoặc sử dụng phương tiện để tham gia giao thông thì sẽ bị xử phạt như hành vi không có giấy tờ.

>>> Xem thêm: Những vi phạm giao thông bị nâng mức phạt trong năm 2022 mà chủ xe nào cũng phải biết

Tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe

Đây là hình thức xử phạt bổ sung hoặc hình thức xử phạt chính nếu người điều khiển phương tiện vi phạm quy định an toàn giao thông (Điều 21 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012). Tước GPLX mang tính chất răn đe và nghiêm khắc hơn tạm giữ GPLX.

Trường hợp áp dụng tước Giấy phép lái xe

Trường hợp cá nhân, tổ chức vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông sẽ bị áp dụng hình thức này. Tùy vào mức độ nghiêm trọng của từng vụ việc mà thời hạn tước quyền sử dụng GPLX là từ 1 - 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực. Người có thẩm quyền xử phạt sẽ giữ GPLX trong thời hạn tước quyền sử dụng.

Hậu quả của việc bị tước Giấy phép lái xe

Trong thời gian bị tước GPLX, cá nhân hoặc tổ chức không được lái xe tham gia giao thông. Như vậy, có thể phân biệt giữa tạm giữ GPLX và tước GPLX như sau:

Phân biệt Tạm giữ GPLX Tước GPLX 
Trường hợp áp dụng Đối với vi phạm chỉ áp dụng phạt tiền. Vi phạm nghiêm trọng các quy định về an toàn giao thông.
Thời hạn  Từ 7 - 60 ngày, kể từ ngày tạm giữ (tùy vào sự phức tạp của vụ việc).  Từ 1 - 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt có hiệu lực (tùy mức độ nghiêm trọng). 
Hạn chế Cá nhân, tổ chức vẫn được phép điều khiển phương tiện trong thời gian bị tạm giữ. Cá nhân, tổ chức không được lái xe tham gia giao thông trong thời gian bị tước GPLX.

Tước GPLX mang tính chất nghiêm trọng hơn tạm giữ GPLX. Do đó, người vi phạm giao thông cần nắm rõ được hai khái niệm này để có thể chấp hành đúng hình thức xử phạt, tránh trường hợp điều khiển phương tiện khi đã bị tước bằng. Mức phạt cho hành vi điều khiển ô tô không có GPLX là từ 10 - 12 triệu đồng; đối với xe máy là 1 - 2 triệu đồng; đối với xe mô tô có dung tích trên 175 phân khối là 4 - 5 triệu đồng.

Đánh giá: