menu

Tập đoàn sở hữu Jeep và Peugeot kêu gọi Liên minh châu Âu đánh thuế cao hơn lên ô tô Trung Quốc

12:52 - 24/11/2022

Ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis, mong muốn xe Trung Quốc cũng bị đánh thuế cao tại châu Âu như những gì Trung Quốc làm với ô tô châu Âu.

Stellantis là tập đoàn sản xuất ô tô đa quốc gia, được thành lập từ năm 2021 trên cơ sở sáp nhập Fiat Chrysler và PSA Group. Hiện nay, Stellantis đang sở hữu tổng cộng 16 thương hiệu ô tô, bao gồm Abarth, Alfa Romeo, Chrysler, Citroen, Dodge, DS, Fiat, Fiat Professional, Jeep, Lancia, Maserati, Mopar, Opel, Peugeot, Ram và Vauxhall.

Mới đây, ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis, đã bày tỏ mong muốn Liên minh châu Âu (EU) đánh thuế nặng hơn lên các hãng xe Trung Quốc. Giải thích về lời kêu gọi này, ông Tavares cho biết: "Rất đơn giản thôi, chúng ta nên đề nghị EU áp đặt những điều kiện tại châu Âu đối với các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tương tự những gì mà các hãng xe phương Tây phải chấp nhận để cạnh tranh ở Trung Quốc".

Ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis

Ông Carlos Tavares, CEO của Stellantis

"Thị trường châu Âu đang mở rộng cho người Trung Quốc và chúng ta không thể biết được nếu họ có chiến lược chịu lỗ để thâu tóm thị phần và tăng giá sau đó hay không", ông Tavares nói thêm.

Theo một số nguồn tin, CEO của tập đoàn sở hữu thương hiệu Jeep và Peugeot đã trao đổi với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về vấn đề thuế. Trước đó, ông Macron cũng từng lên tiếng về việc thuế tại Trung Quốc và chính sách khuyến khích sản xuất ô tô điện nội địa của Mỹ sẽ tác động thế nào lên các hãng xe châu Âu.

Tại thị trường Trung Quốc, các mẫu xe sản xuất tại châu Âu phải chịu mức thuế từ 15-25%. Con số tương ứng với xe sản xuất tại Trung Quốc khi nhập khẩu vào châu Âu là 10%.

Nếu EU không tăng thuế đánh lên ô tô Trung Quốc, ông Tavares gợi ý một giải pháp khác, đó là cho phép xe xăng giá rẻ và xe hybrid tiếp tục bán tại châu Âu thêm vài năm nữa sau khi lệnh cấm xe động cơ đốt trong có hiệu lực vào năm 2035. "Các nhà chính trị đã quyết định một cách giáo điều", ông Tavares nói với phóng viên Top Gear. "Họ quyết định rằng những người bỏ phiếu muốn ô tô điện. Chúng ta không có những quy định trung lập về mặt công nghệ".

CEO của tập đoàn Stellantis không phải là người duy nhất lo ngại về việc cạnh tranh với các hãng xe Trung Quốc. Trong một bài báo gần đây, tờ Bloomberg đã trích lời ông Laurens van den Acker, Giám đốc của hãng xe Renault, như sau: "Thật khó chịu. Tôi ủng hộ châu Âu. Tôi muốn chúng ta dẫn đầu. Các nhà sản xuất xe Trung Quốc có lợi thế trước chúng ta và chính phủ Trung Quốc đã đánh cược vào ô tô điện được 15 năm rồi".

Trong khi đó, ông Ola Kallenius, CEO của Mercedes-Benz, nêu ý kiến: "Mức độ cạnh tranh đang tăng lên. Đây là thời điểm thú vị nhất trong ngành công nghiệp ô tô từ năm 1886. Đây cũng là thời điểm chẳng có gì là chắc chắn nhất".

Trong thời gian qua, hàng loạt hãng xe Trung Quốc như Nio, XPeng, Great Wall Motor hay BYD đã nỗ lực chinh phục thị trường châu Âu. Hãng Great Wall Motor hiện đang chuẩn bị tung ra dòng ô tô điện Ora và xe sang Wey của mình ở thị trường lục địa già. Trong khi đó, MG đã thiết lập vị thế của mình tại châu Âu với những mẫu xe plug-in hybrid và ô tô điện.

BYD - một trong những hãng sản xuất xe điện lớn nhất thế giới hiện nay - cũng đang đẩy mạnh tại châu Âu. Trong năm 2022, BYD đã ra mắt một vài mẫu xe mới. Cách đây không lâu, BYD đã công bố ký hợp đồng bán 100.000 chiếc ô tô điện cho hãng cho thuê xe Sixt của Đức.

Đánh giá: