menu

Hãng xe điện chuẩn bị vào Việt Nam BYD phát triển hệ thống trợ lái để cạnh tranh với Autopilot của Tesla

09:46 - 15/05/2023

Hệ thống trợ lái của BYD sẽ dùng chip Journey 5 do Horizon Robotics - công ty có sự hậu thuẫn của Volkswagen - cung cấp.

Vào hôm 11/5/2023 vừa qua, Viện nghiên cứu HiEV của Trung Quốc đã công bố báo cáo cho biết BYD đã phát triển và sẽ ra mắt một hệ thống trợ lái nâng cao (ADAS) mới có tên là DNP. Xe đầu tiên được trang bị DNP sẽ là mẫu sedan thuần điện cao cấp BYD Han 2023, dự kiến ra mắt vào quý IV năm nay.

BYD ban đầu là một công ty sản xuất pin, sau đó bắt đầu lấn sang mảng ô tô. Tích hợp theo chiều dọc của công ty này rất ấn tượng khi họ điều hành các mỏ lithium, phát triển pin, sở hữu một đội tàu biển lớn, gần đây thậm chí còn mua một công ty bảo hiểm và cho thuê ô tô.

Ô tô điện của BYD cạnh tranh trực tiếp với các mẫu xe Tesla ở Trung Quốc, chủ yếu nhờ mức giá hợp túi tiền hơn. Ví dụ, BYD Seal rẻ hơn 15% so với Tesla Model 3 trong khi BYD Song cung cấp nhiều tùy chọn khác nhau với các thông số tương tự và giá thấp hơn so với Tesla Model Y. Đến nay, BYD tiếp tục thách thức Tesla ở mảng thế mạnh của hãng xe Mỹ, đó là phần mềm.

Phần mềm không phải là lĩnh vực mà BYD hoạt động tích cực trong những năm qua. Họ không có bất kỳ hệ thống ADAS đáng chú ý nào và chất lượng của phần mềm trong ô tô cũng chỉ ở mức trung bình. Có vẻ như hãng đã quyết định thay đổi và điền miếng ghép cuối cùng còn thiếu vào bức tranh toàn cảnh.

Tesla hiện cung cấp hai loại công nghệ trợ lái là Full Self Driving (FSD) và Autopilot. FSD được cho là sẽ giúp xe tự lái hoàn toàn trong tương lai, nhắm đến việc đi lại trong thành phố. Công nghệ này hiện chưa có sẵn ở Trung Quốc nhưng được đồn là sẽ sớm ra mắt. Trong khi đó, Autopilot là một hệ thống ADAS tiêu chuẩn chủ yếu dành riêng cho việc vận hành trên đường cao tốc.

Theo báo cáo, DNP của BYD cũng sẽ tập trung vào việc lái xe trên cao tốc nên cạnh tranh với Autopilot. Báo cáo này cho biết BYD có thể sẽ bổ sung đối thủ cạnh tranh của FSD trong tương lai.

Ngoài Tesla, BYD còn cạnh tranh với đối thủ nội địa XPeng về mảng lái xe tự động. Có cách tiếp cận tương tự như Tesla, XPeng cũng đã phát triển hệ thống ADAS để chạy trên cao tốc của riêng mình, cạnh tranh với Autopilot và BYD DNP. Gần đây, Xpeng còn ra mắt hệ thống dẫn đường tiên tiến nhất của mình để phục vụ cho việc lái xe trong thành phố, được cho là sẽ cạnh tranh với FSD của Tesla.

Sau BYD Han, sẽ đến lượt những mẫu xe khác của BYD như Tang và Song cùng các thương hiệu con như Denza hay YangWang được trang bị hệ thống DNP. Thương hiệu F bí ẩn sắp ra mắt cũng sẽ đi kèm DNP trong tương lai.

Hệ thống DNP của BYD sẽ dùng chip tự lái Journey 5 do đối tác Horizon Robotics cung cấp. BYD Han 2023 có hệ thống DNP sẽ dùng chip Journey 5 với các cảm biến 11V5R, hệ thống định vị chính xác cao của JueFX và bộ điều khiển miền của Neusoft Reach. Mẫu xe điện BYD Han hiện đang bán trên thị trường không có cảm biến LiDAR và thế hệ tiếp theo cũng tương tự.

Horizon Robotics là nhà cung cấp các giải pháp xe tự lái tại Trung Quốc do Volkswagen đứng đằng sau đồng thời hiện đang hợp tác với những công ty như Li Auto, DiDi và Pony.ai. Vào năm 2022, Volkswagen đã đầu tư hơn 2,3 tỷ USD vào liên doanh với Horizon Robotics thông qua công ty phần mềm CARIAD và nắm giữ 60% cổ phần trong liên doanh.

BYD cũng hợp tác với Nvidia về công nghệ lái xe thông minh và sẽ sử dụng nền tảng Nvidia DRIVE Orin SoC cho ô tô của họ trong tương lai. Tuy nhiên, BYD không muốn chỉ phụ thuộc vào Horizon Robotics hay Nvidia. Trước đó, họ đã công bố hợp tác để phát triển các hệ thống ADAS và phần mềm tự lái với Baidu, Huawei, Momenta, nhà sản xuất cảm biến LiDAR RoboSense, Hesai hay công ty thiết bị bay không người lái DJI. 

BYD hiện là nhà sản xuất xe điện lớn nhất của Trung Quốc và đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Tesla. Trong cuộc gặp gỡ với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vào hôm 5/5/2023, Chủ tịch kiêm người sáng lập hãng ô tô BYD, ông Wang Chuanfu, đã hé lộ kế hoạch sản xuất xe điện ở Việt Nam. Ông Wang bày tỏ hi vọng chính phủ Việt Nam sẽ tạo “điều kiện thuận lợi” để BYD hoàn tất các thủ tục đầu tư và nhanh chóng bắt tay vào sản xuất xe điện để phân phối cả trong nước và lẫn trong khu vực Đông Nam Á.

BYD hiện đang vận hành một nhà máy lắp ráp các thiết bị và linh kiện điện tử ở tỉnh Phú Thọ. Sự hiện diện của BYD sẽ đặt ra thách thức trực tiếp đối với VinFast - nhà sản xuất xe điện của Việt Nam.

Đánh giá: